Đường đến 10.000 tỷ đồng lợi nhuận của MB

Thanh Lịch| 21/01/2020 18:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Diễn đàn VIPF 2019 quy tụ gần 500 chuyên gia, nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước mới đây đã đưa ra đánh giá: “Trong tất cả các NHTM niêm yết, VCB, ACB và MB đang thể hiện là những ngân hàng có sự hoạt động tối ưu nhất”.

Năm 2019, VCB công bố đạt lợi nhuận trước thuế mức 23.000 tỷ đồng, ACB dự kiến đạt mức 7.000 tỷ đồng, còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã cổ phiếu MBB) công bố đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, vượt mốc kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Thông tin MBB đạt trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2019 không quá bất ngờ với công chúng, bởi trước đó, tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập MB đầu tháng 11/2019, Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Ngân hàng đã phát biểu, đây là năm MB sẽ nỗ lực đạt mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để chính thức tham gia Câu lạc bộ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam có lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Cũng theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, MB tròn 25 tuổi, tuổi căng tràn sức sống để bước sang một giai đoạn mới, thực thi khát vọng vươn tầm.

MB công bố đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

Điểm bất ngờ ở MB chính là hành trình tiến đến cột mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu như năm 2015, MB mới đạt trên 3.200 tỷ đồng lợi nhuận, thì sau 5 năm, con số này gấp hơn 3 lần. Hiệu quả kinh doanh bật lên mạnh mẽ trong năm 2018 và 2019 khi Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái quyết định cải thiện chất lượng tăng trưởng, quản trị rủi ro hoạt động tín dụng chặt chẽ đồng thời phát triển mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng, tài chính để tăng sức cạnh tranh bền vững. Cùng với đó, giải pháp cốt lõi mà Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái kiên định chỉ đạo, đó là phát triển mô hình Ngân hàng số. Cụ thể, bên cạnh việc chú trọng số hóa, tự động hóa các khâu trong phục vụ khách hàng,  MB tập trung tăng cường năng lực kinh doanh số, tổ chức kinh doanh trực tiếp trên kênh số và kênh đối tác chiến lược, bán chéo trên kênh truyền thống; Tái kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp hệ thống quản lý quy trình BPM phục vụ chuyển dịch số.

MB đã phát triển và ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích có hàm lượng công nghệ cao, ra mắt App MBBank mới, thay đổi toàn bộ giao diện theo xu hướng tăng trải nghiệm khách hàng, tối giản các thao tác. Phát triển nhiều tính năng nổi trội, khác biệt so với thị trường như triển khai ứng dụng thanh toán qua facebook, rút tiền mặt tại ATM MBB qua mã code Mobile App, liên kết đối tác VinID… Mới đây, MB cũng chính thức ra mắt nhận diện thương hiệu mới, với tầm nhìn trở thành ngân hàng thuận tiện nhất và bền vững nhất trong cạnh tranh.

Tính trong hành trình 10 năm kể từ năm 2009, lợi nhuận trước thuế của MB tăng 6,7 lần, từ mức 1.500 tỷ đồng lên con số 10.000 tỷ đồng. Cột mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận cho thấy hiệu quả hoạt động vượt trội của MB cùng sức tăng trưởng bền vững trong một thập niên mà nền kinh tế phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong khối ngân hàng, 1 thập niên qua đã chứng kiến nhiều tên tuổi không thể trụ vững, buộc phải M&A hoặc thực hiện tái cấu trúc để tồn tại.

Điều đặc biệt tại MB là tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm mạnh, kết thúc năm 2019 chỉ còn ở mức dưới 1,2% tổng dư nợ, trong khi con số này của năm 2015 là 1,61%, năm 2016 là 1,32%. Bên cạnh giải pháp về công nghệ, điểm khác biệt tại MB là duy trì quản trị rủi ro vượt trội để đảm bảo đúng các quy định, an toàn trong mọi hoạt động nghiệp vụ. MBB áp dụng khung quản trị rủi ro theo các thông lệ tốt của Ủy ban Basel, COSO, ISO; xây dựng và vận hành mô hình quản trị rủi ro theo 3 vòng bảo vệ theo thông lệ quốc tế… Đây là các rào chắn để phòng ngừa/nhận diện và giảm thiểu rủi ro trong các mặt hoạt động.

Đánh giá về hoạt động của MB nhân dấu mốc 25 năm mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, MB là ngân hàng luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, của NHNN về các giới hạn an toàn trong hoạt động, đảm bảo các giới hạn nằm trong ngưỡng an toàn và tốt hơn trung bình ngành. Với một cơ cấu cổ đông lớn vững chắc (Viettel hiện sở hữu 14,61%; SCIC sở hữu 9,74%; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam sở hữu 7,76%; Công ty TNHH MTV – Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 7,45%), cùng tinh thần thượng tôn pháp luật, MB có nền tảng tốt để hoạt động minh bạch và hiệu quả.

Năm 2019, tổng tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tại MB đạt mức 272.710 tỷ đồng, tiếp tục chuỗi tăng trưởng liên tục của chỉ tiêu này trong một thập niên phát triển. Song song với đó, tổng dư nợ cho vay tại MB cuối năm 2019 đạt trên 250.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2018. Tổng dư nợ cho vay của MB tăng đều hàng năm, theo các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc cải thiện hiệu quả hoạt động tín dụng, yếu tố làm nên sức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận tại MB là các mảng dịch vụ ngân hàng, tài chính phát triển trên nền tảng số mà MB là một trong số các ngân hàng tiên phong xây dựng nên. Trên nền tảng mới, hiệu suất kinh doanh tính trên nhân sự của MB cũng được cải thiện mạnh mẽ. Nếu năm 2016, trung bình 1 nhân sự MB mang lại 463 triệu đồng lợi nhuận trước thuế thì năm 2019, con số này đã đạt mức 1 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần tính trong 5 năm.

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại MB cũng có sự cải thiện mạnh mẽ trong 5 năm gần đây, từ mức 12,46% lên gần 22% vào năm 2019. Cùng với đó, MB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam duy trì dòng cổ tức đều đặn cho các cổ đông kể từ khi thành lập đến nay. Đây cũng là một trong những lý do khiến Đại hội đồng cổ đông MB thường là đại hội thu hút được đông nhà đầu tư tham dự nhất trong tất cả các doanh nghiệp niêm yết, do MB có lượng cổ đông trung thành và đi bền cùng sự phát triển của Ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường đến 10.000 tỷ đồng lợi nhuận của MB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO