EU siết chặt quản lý Big Tech và thị trường kỹ thuật số

Nguyễn Nhâm| 12/02/2023 07:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không lâu sau khi ban hành Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) để nâng cao tính cạnh tranh và đảm bảo quyền được lựa chọn của người tiêu dùng, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng ngày một lan rộng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech).

Những quy định của DMA và DSA

Trong hai thập kỷ qua, các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Mặc dù lợi ích của sự chuyển đổi này là rõ ràng, nhưng vị trí thống trị mà một số công ty hay nền tảng đạt được đã mang lại cho họ lợi thế gần như tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời có ảnh hưởng đối với xã hội. Để giải quyết sự mất cân bằng này, EU đang nỗ lực nâng cấp các quy tắc hiện hành điều chỉnh thị trường kỹ thuật số và các dịch vụ kỹ thuật số bằng cách đưa ra DMA và DSA, tạo ra bộ quy tắc thống nhất áp dụng trên toàn khối.

DMA đặt ra các quy tắc cho những công ty kiểm soát dữ liệu người dùng và quyền truy cập các nền tảng phổ biến, như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, dịch vụ chia sẻ video, trình duyệt web và trợ lý ảo. Cụ thể, các công ty công nghệ lớn sẽ phải điều chỉnh dịch vụ nhắn tin để chúng có thể tương tác với các dịch vụ hoặc ứng dụng khác, đồng thời cung cấp cho người dùng doanh nghiệp quyền truy cập dữ liệu của mình. Người dùng doanh nghiệp có thể quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên một nền tảng, đồng thời đạt thỏa thuận với khách hàng bên ngoài nền tảng đó. 

DMA sẽ được áp dụng đối với công ty có giá trị vốn hóa thị trường 75 tỷ euro, doanh thu hằng năm 7,5 tỷ euro và ít nhất 45 triệu người dùng mỗi tháng. Ủy ban châu Âu (EC) có quyền áp dụng mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu toàn cầu của công ty và 20% trong trường hợp công ty vi phạm nhiều lần1. DMA dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

DSA - một đạo luật khác nhằm kiểm soát hoạt động của những tập đoàn công nghệ, loại bỏ nội dung độc hại trên môi trường Internet, được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU thông qua ngày 23/4, dự kiến có hiệu lực vào năm 20242. DSA yêu cầu các công ty công nghệ phải thực hiện các quy trình mới được thiết kế để gỡ bỏ dữ liệu bất hợp pháp như phát ngôn thù địch, kích động khủng bố khi chúng tồn tại. Các mạng xã hội phải chặn người dùng thường xuyên phạm luật; các trang thương mại điện tử phải xác minh danh tính nhà cung cấp trước khi bán các sản phẩm của mình và ngăn chặn việc mua, bán hàng hóa bất hợp pháp. Các nền tảng trực tuyến lớn và các công cụ tìm kiếm phải thực hiện các biện pháp nhất định trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

DSA cũng bao gồm các biện pháp buộc các công ty công nghệ lớn phải giao dữ liệu liên quan đến các thuật toán của họ cho các nhà quản lý, minh bạch hơn về các thuật toán mà họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng. Các công ty này cũng phải trả một khoản phí 0,05% doanh thu hàng năm để chi phí cho việc giám sát sự tuân thủ của họ3. EC sẽ giám sát các cuộc kiểm toán hằng năm và có thể áp đặt mức phạt lên tới 6% doanh thu thường niên của công ty vi phạm các quy tắc của thỏa thuận, thậm chí còn bị cấm hoạt động ở châu Âu4.

Một phần quan trọng của DSA là sẽ hạn chế cách các công ty dịch vụ kỹ thuật số nhắm mục tiêu người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến, các thuật toán sử dụng dữ liệu dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của người dùng. Các chiến thuật lừa đảo được thiết kế để thúc đẩy mọi người hướng tới các sản phẩm và dịch vụ nhất định sẽ bị cấm. Luật mới cũng sẽ điều chỉnh đối với các nền tảng có nội dung do người dùng tạo ra trên Facebook, Instagram, Twitter và YouTube.

Các loại dịch vụ kỹ thuật số thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này bao gồm: thị trường trực tuyến; mạng xã hội; nền tảng chia sẻ nội dung; cửa hàng ứng dụng; nền tảng du lịch trực tuyến; nền tảng chỗ ở; các dịch vụ trung gian như nhà cung cấp Internet và công ty đăng ký tên miền; dịch vụ lưu trữ web và đám mây. Các công ty được áp dụng theo luật này là những công ty có hơn 45 triệu người dùng đang hoạt động tại EU. Danh sách các công ty lớn có thể sẽ bao gồm Google, Microsoft, Apple, Meta (Facebook), Amazon và Microsoft, Twitter, Instagram, TikTok, Zalando, Spotify. 

DSA có sự khác biệt với DMA, trong khi DMA hướng tới việc buộc các công ty công nghệ lớn thay đổi các phương thức kinh doanh vốn bị xem là đe dọa sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, thì DSA lại nhằm đảm bảo các nền tảng loại bỏ nội dung độc hại trên môi trường Internet.

Lý do EU ban hành hai đạo luật này, trước hết là do các quy định hiện hành về dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu không đủ hiệu quả để bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ và không theo kịp sự lớn mạnh của các công ty công nghệ. Các cơ quan chống độc quyền ở châu Âu bị coi là hoạt động kém hiệu quả và phản ứng quá chậm trễ. Trên thực tế, các công ty công nghệ lớn đã sử dụng các hành vi cạnh tranh không công bằng đối với người dùng, doanh nghiệp và khách hàng phụ thuộc vào họ để đạt được lợi thế quá mức cho phép. Nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến thị trường độc quyền và làm tổn thương người tiêu dùng cũng như các đối tác về lâu dài.

Cùng với đó, các công ty công nghệ lớn liên tục bị chỉ trích vì không giám sát nền tảng của mình, dẫn đến những vi phạm trên môi trường Internet. Chẳng hạn, như việc rò rỉ số điện thoại di động của người dùng; sử dụng dữ liệu người dùng trên quan điểm tôn giáo hoặc chính trị; các vụ tấn công khủng bố được truyền trực tiếp trên mạng xã hội; các vụ bạo loạn đã được kích động trên Internet; các nội dung bị cấm, ngôn ngữ kích động thù hận và bạo lực; thông tin sai lệch; chọn lợi nhuận thay vì lọc các nội dung độc hại với người dùng  hay tình trạng các nền tảng thương mại điện tử bán hàng nhái, hàng rởm…

Phó Chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của EU Margrethe Vestager cho biết, các quy định của EU về dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu đã có từ năm 2000. Hầu hết các nền tảng trực tuyến chưa tồn tại vào thời điểm đó. EU cần cập nhật các công cụ pháp lý để bảo đảm rằng các quy định và nguyên tắc của EU được tôn trọng ở mọi lĩnh vực5.

Một lý do khác là các nền tảng lớn nắm giữ chìa khóa để truy cập vào dữ liệu người dùng do các hoạt động này tạo ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như công ty khởi nghiệp sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty “gác cổng trực tuyến” sử dụng dữ liệu của họ để phục vụ lợi ích của mình, khiến các doanh nghiệp và tổ chức nhỏ bị phụ thuộc vào các nền tảng lớn. Các công ty lớn này đang ngăn nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi từ thị trường kỹ thuật số cạnh tranh. Vì vậy, các quy định mới của EU được cho là “đi trước, đón đầu” nhằm kiểm soát hoạt động của những tập đoàn công nghệ trước khi nó lớn mạnh vượt ngoài tầm kiểm soát.

Các chuyên gia đánh giá, hai đạo luật này được thực thi sẽ bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và các quyền cơ bản của họ; thiết lập tính minh bạch mạnh mẽ và khuôn khổ trách nhiệm giải trình rõ ràng cho các nền tảng trực tuyến; thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trong một thị trường; hướng tới không gian kỹ thuật số lành mạnh, an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số.

Người dùng, doanh nghiệp phụ thuộc vào các nền tảng lớn sẽ có môi trường kinh doanh công bằng hơn. Các nhà đổi mới và khởi nghiệp công nghệ sẽ có cơ hội mới để cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong môi trường nền tảng trực tuyến, mà không phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện không công bằng, hạn chế sự phát triển của họ từ các công ty công nghệ lớn. Người tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều dịch vụ tốt hơn để lựa chọn, nhiều cơ hội chuyển đổi nhà cung cấp hơn nếu muốn, tiếp cận trực tiếp với dịch vụ và giá cả công bằng, phải chăng hơn.

Với những quy định mới, giới chức EU hy vọng sẽ không còn tình trạng một công ty công nghệ lớn có thể thao túng thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, hay bắt nạt, o ép, thậm chí là nuốt chửng đối thủ khi thấy dấu hiệu đe dọa cạnh tranh. Không gian kỹ thuật số sẽ trở nên lành mạnh và an toàn hơn.

Phản ứng của các Big Tech

Đạo luật DMA và DSA mà EU đưa ra nhận được sự tán đồng của một số công ty công nghệ lớn. Người phát ngôn của Google cho biết, “Chúng tôi hoan nghênh các mục tiêu của DSA là làm cho Internet trở nên an toàn, minh bạch và có trách nhiệm hơn nữa, đồng thời đảm bảo rằng người dùng, người sáng tạo và doanh nghiệp châu Âu tiếp tục hưởng lợi từ web mở. Khi luật được hoàn thiện và thực hiện, các chi tiết sẽ quan trọng”6. Tuy nhiên, Google muốn làm việc với các nhà hoạch định chính sách của EU để “nắm được các chi tiết kỹ thuật còn lại để đảm bảo luật phù hợp với mọi người”.

Người phát ngôn của Twitter thì cho biết, công ty mong muốn được xem xét lại quy định một cách chi tiết: “Chúng tôi ủng hộ quy định thông minh, có tư duy tiến bộ cân bằng giữa nhu cầu giải quyết tác hại trực tuyến với bảo vệ Internet mở. Ưu tiên hàng đầu của Twitter là giữ cho mọi người trực tuyến an toàn và bảo vệ tính lành mạnh của cuộc trò chuyện công khai và trong Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, chúng tôi hoan nghênh việc tăng cường tập trung vào không gian kỹ thuật số lành mạnh hơn ở EU”7.

Tuy nhiên, từ khi có dự thảo hai đạo luật, các công ty công nghệ lớn và các nhóm lợi ích khác đã vận động hành lang nhằm chi phối việc thông qua của EU, còn các quốc gia thành viên EU phải cân nhắc thận trọng trước các ưu tiên quốc gia riêng của mình. Những người phản đối thì cho rằng đạo luật của EU có thể hạn chế rất nhiều quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Công ty Google cũng lo ngại một số quy định có thể cản trở đổi mới sáng tạo và giảm bớt những lựa chọn có sẵn cho người dùng châu Âu.

Hãng Apple cho rằng, dự luật kiểm soát của EU đe dọa bảo mật và an toàn của iPhone. Hồi tháng 6 năm ngoái, CEO Apple Tim Cook cho rằng dự thảo của EU có thể dẫn đến tình trạng “side loading” (thuật ngữ dùng để chỉ việc cài đặt các ứng dụng từ những nguồn khác nhau, không phải từ App Store) trên các thiết bị iPhone, làm suy yếu mức độ bảo vệ và gây ra những nguy cơ về bảo mật cho điện thoại iPhone, do Apple buộc phải thay đổi để tin nhắn có thể làm việc với WhatsApp, Signal và các dịch vụ khác. Tương tự, FaceTime sẽ phải hoạt động với các dịch vụ đối thủ như Google Meet hoặc Zoom.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo việc siết chặt quản lý của EU có nguy cơ làm gia tăng bất đồng với Washington, vốn đã xấu đi vì nỗ lực đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ của EU. Ngay từ khi các cuộc tranh luận về quy định mới sắp bắt đầu tại Nghị viện châu Âu hồi năm ngoái, Mỹ cảnh báo EU không nên xây dựng và theo đuổi các chính sách công nghệ chỉ để nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Đại diện phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về những bình luận gần đây của báo cáo viên Nghị viện châu Âu về DMA, khi Andreas Schwab, người đã đề xuất DMA chỉ nên nhắm mục tiêu vào 5 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ”8.

Dù còn có những nghi ngại nhất định nhưng có thể thấy, sự ra đời của DMA và DSA của châu Âu là một bước đi mới trong khi các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia đang băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để kiềm chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn và khiến họ xóa sạch nội dung độc hại ra khỏi nền tảng  của mình. Động thái của EU có thể sẽ mở đường cho các chính phủ khác trên thế giới ban hành các chính sách nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng ngày một lan rộng của các công ty công nghệ lớn.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn: Các đại gia công nghệ Mỹ đối mặt nhiều quy tắc khó khăn tại châu Âu, 25/3/2022

2. https://nld.com.vn: EU ra luật răn đe các đại gia công nghệ, bảo vệ cư dân mạng, 23/4/2022

3.  Tài liệu đã dẫn, số 2

4. https://nhandan.vn: EU đạt thỏa thuận buộc các công ty công nghệ xử lý nội dung bất hợp pháp, 23/4/2022

5. https://www.qdnd.vn: EU “đại tu” thị trường kỹ thuật số, 16/12/2020

6. https://danviet.vn: Liên minh châu Âu ra đạo luật mới, các công ty công nghệ coi chừng lĩnh đủ, 24/4/2022

7. Tài liệu đã dẫn, số 6

8.  https://tgs.vn:  Mỹ cảnh báo EU đang chống lại các chính sách công nghệ khi xây dựng đạo luật DMA, 17/6/2021

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU siết chặt quản lý Big Tech và thị trường kỹ thuật số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO