(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 21/9/2022, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát về ngưỡng mục tiêu, trong bối cảnh kinh tế Mỹ được cho là vẫn đang tăng quá nóng và rủi ro suy thoái đang chực chờ.
Đây là lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đến nay, Fed tiến hành siết chặt tiền tệ với mức tăng lãi suất dựng đứng 0,75% tại mỗi đợt điều chỉnh, đưa mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm lên 3,0-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Quyết định tăng lãi suất bắt nguồn từ dữ liệu kinh tế chủ chốt cho thấy, giá tiêu dùng trong tháng 8 không giảm như dự báo và mà áp lực lạm phát còn nặng nề hơn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.
Theo Báo cáo gần đây của Bộ Thương mại Mỹ, lạm phát trong tháng 8 đã giảm xuống ngưỡng 8,3%, sau khi chạm đỉnh hơn 40 năm 9,1% trong tháng 7, do giá dầu thế giới có xu hướng hạ nhiệt và giá xăng liên tục đi xuống trong 13 tuần lễ liên tiếp. Tuy nhiên, nếu loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng trong tháng vừa qua, trái với kỳ vọng của giới chuyên gia về khả năng giảm dần theo tháng theo giá năng lượng, mở đường cho khả năng FED sẽ giảm quy mô tăng lãi suất trong những tháng tới đây. Đáng chú ý, chi phí thuê nhà có xu hướng tăng triền miên từ tháng này sang tháng khác, nhu cầu mua sắm nhà ở vì thế cũng giảm mạnh. Số giấy phép xây dựng nhà ở trượt 10% xuống 1517 triệu đơn vị, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và dư thừa tiết kiệm sau đại dịch đã tiếp sức cho lạm phát. Cụ thể là, thu nhập trung bình của người dân Mỹ trong tháng 8/2022 tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong ít nhất hai thập kỷ gần đây. Theo kết quả nghiên cứu của Goldman Sachs, số tiền mà các hộ gia đình tại Mỹ tiết kiệm trong quãng thời gian phong tỏa để chống COVID-19 lên tới con số trên 2.000 tỷ USD, tương đương với 10% GDP hàng năm của quốc gia này. Theo dự báo của FED, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,7% hiện nay lên 4,4% vào năm 2023 và ổn định ở mức này cho đến cuối năm 2024.
Cùng với quyết định tăng lãi suất, FED cũng đưa ra lộ trình tăng lãi suất với kế hoạch tăng thêm 125 điểm cơ bản trong năm nay, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên 4,4% vào cuối năm, tăng khá cao so với dự báo 3,8% đưa ra tại cuộc họp tháng 6 vừa qua. Các quan chức FED hy vọng, những đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra một cách hợp lý.
Theo báo cáo, FED dự kiến tăng lãi suất trung bình trong năm 2023 lên mức kỷ lục 4,6%, nhưng chưa đề cập đến khả năng giảm lãi suất trong năm 2024. GDP năm 2022 được dự báo sẽ chỉ tăng 0,2%, sau đó phục hồi lên mức tăng 1,2% trong năm 2023, nhưng vẫn thấp xa kết quả tăng 5,7% trong năm 2021. FED cũng tăng mạnh lãi suất cho vay từ mức gần bằng 0% trong năm nay khi phải vật lộn với các nỗ lực chống lạm phát vốn đã tăng liên tiếp ngay từ đầu năm nay. FED cũng tiếp tục giảm lượng trái phiếu kho bạc, trái phiếu cầm cố và những trái phiếu nợ khác theo kế hoạch đưa ra tại cuộc họp tháng 5 vừa qua.
Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy, sản xuất và tiêu dùng chỉ tăng khiêm tốn, số lượng việc làm tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức thấp. Tuy nhiên, lạm phát vẫn leo thang, phản ánh tình trạng mất cân đối cung cầu, giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, gây áp lực tăng giá lên những mặt hàng khác. Ngoài ra, chiến sự tại Ukraina và những sự kiện liên quan đã bổ sung thêm áp lực tăng lạm phát và gây khó khăn cho hoạt động kinh tế toàn cầu.
Các nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ các dự báo về thắt chặt tiền tệ từ nay đên cuối năm và trong những năm tới, qua đó có thể hình dung về đà tăng lãi suất trong tương lai.
Sau động thái tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu sau khi giằng co giữa tăng và giảm. Chỉ số chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9 với mức giảm 1,7% (522,45 điểm) xuống 30.183,78 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 66 điểm (1,71%) xuống 3.789,93 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 204,86 điểm (0,79%) xuống 11.220,19 điểm. Trong phiên giao dịch trước, ba chỉ số chứng khoán này cũng đã đồng loạt giảm điểm: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 313,45 điểm (1,01%) xuống 30.706,23 điểm; chỉ số S&P 500 mất 43,96 điểm (1,13%) xuống 3.855,93 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 109,97 điểm (0,95%) xuống 11.425,05 điểm.
Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tuy giảm từ mức lợi suất 3,56% trong phiên trước xuống 3,53%, nhưng vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 4/2011; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tiếp tục tăng lên 4,03%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Comex, giá vàng giao tháng 12 tăng 4,6 USD (0,3%) lên 1.675,7 USD/oz; giá dầu WTI giảm 1,2% xuống 82,84 USD/thùng; chỉ số USD tăng 1% sau khi Tổng thống Nga ra lệnh tổng động viên nhằm chi viện cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và đe dọa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Với đà tăng này, đồng Euro tiếp tục giảm thêm 0,8% xuống 0,9890 USD, đẩy USD lên đỉnh cao nhất trong 20 năm qua.
Trên toàn cầu, thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều. Thị trường chứng khoán châu Âu phủ đầy sắc xanh, trái với xu hướng giảm ngày càng sâu tại châu Á.
Với xu hướng lạm phát tăng cao trên toàn cầu, khoảng 90 NHTW đã tiến hành tăng lãi suất trong năm nay, lặp lại diễn biến cách đây 15 năm. Riêng trong tuần lễ này, ngoài động thái của Mỹ, NHTW Vương quốc Anh cũng dự kiến tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản (0,5%), và NHTW Indonesia cũng sẽ tăng lãi suất.