Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 9.700.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 386.000 tỷ đồng. Trong đó, 38,79% doanh nghiệp FDI báo lãi.
Thông tin tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng ngày 16/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến hết năm 2022, có 28.963 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm 3,27% tổng số doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại đã có 92% doanh nghiệp FDI gửi báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính. Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 9.444.170 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021; vốn chủ sở hữu là 4.069.190 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2021; vốn đầu tư chủ sở hữu tăng gần 14% so với năm 2021; lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 1.012.064 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.
Năm 2022, mặc dù doanh thu của doanh nghiệp FDI có tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm nhẹ so với năm 2021. Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 9.727.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 2,1% so với năm 2021, đạt 386.673 tỷ đồng.
Trong năm qua, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách Nhà nước là 237.777 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số nộp của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung. Trong đó, có 5 lĩnh vực chiếm khoảng 91% tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gồm: Doanh nghiệp chế biến chế tạo (60%), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (10%); bất động sản (7%), sản xuất chế biến - khí đốt - điều hòa (4%), hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ (4%)…
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin thêm, trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, theo số liệu năm 2021, có 37% doanh nghiệp có lãi; năm 2022 là 38,79% doanh nghiệp có lãi. Tuy nhiên, so với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI vẫn có lãi nhiều hơn nhưng lỗ lại cao hơn với 53,83% báo lỗ, trong khi tổng doanh nghiệp nói chung báo lỗ là 50%.
9 tháng năm 2023 tình hình khó khăn hơn, chỉ có 23,78% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khai phát sinh về thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp FDI ở hai mảng chính, thứ nhất là xuất khẩu áp dụng 0%, còn những doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư thì đầu vào vẫn âm nên không khai thuế giá trị gia tăng.