Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán trở lại và chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (29/5), kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,53% xuống 2.378 điểm, đứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp trước đó. Trong đó, đà giảm chủ yếu đến từ các mặt hàng nhóm năng lượng và nông sản.
Giá lúa mì ghi nhận ngày điều chỉnh giảm mạnh nhất trong tuần
Ngoại trừ dầu đậu tương, 6 mặt hàng nông sản còn lại đồng loạt chịu sức ép trong ngày hôm qua (29/5). Trong đó, giá lúa mì giảm hơn 1%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây.
MXV cho biết, bên cạnh lực bán kỹ thuật, triển vọng mùa vụ tích cực hơn ở Mỹ là yếu tố chính gây sức ép lên giá. Cụ thể, theo báo cáo Tiến độ mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tỉ lệ lúa mì vụ đông đạt chất lượng tốt tính đến ngày 26/05 là 48%, vượt xa mức 34% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, diện tích bị đánh giá kém cũng giảm từ 35% xuống còn 19%.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, hãng tin Refinitiv đã nâng ước tính sản lượng lúa mì vụ đông của nước này lên mức 139,9 triệu tấn. Dự báo trong hai tuần tới, các vực gieo trồng chính vẫn nằm trong khung thời tiết ấm áp và khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch. Nếu con số trên được xác thực, sản lượng lúa mì của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao nhất lịch sử nhờ việc mở rộng diện tích gieo trồng và thời tiết thuận lợi. Sản xuất nội địa gia tăng sẽ phần nào giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài của quốc gia nhập khẩu số 1 thế giới này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (29/5), giá lúa mì EU và Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Cái Lân kỳ hạn giao tháng 5 năm nay dao động trong khoảng 7.000 – 7.100 đồng/kg; kỳ hạn giao tháng 6 ở mức 7.150 – 7.200 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao tháng 7 và tháng 8, giá chào bán cao hơn, ở 7.500 đồng/kg.
Tiêu thụ yếu kéo giá dầu sụt giảm
Đóng cửa ngày 29/5, giá dầu thế giới suy yếu trở lại khi các dấu hiệu về tiêu thụ vẫn chưa cho thấy sự bùng nổ, trong khi nguồn cung tương đối đảm bảo.
Dầu WTI chốt phiên giảm 0,75% xuống 79,23 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,74% xuống 83,6 USD/thùng.
Những lo ngại về nhu cầu xăng của Mỹ đã giữ giá xăng tương lai gần mức thấp nhất trong hai tháng gần đây, trong khi tỷ suất lọc dầu cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2, bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đến gần.
Trong khi đó, mặc dù lo ngại về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm quý III trong cuộc họp vào ngày 2/6 tuần này, song thực tế chứng minh nguồn cung của một số quốc gia trong nhóm ít tuân theo thỏa thuận.
Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này đã xuất khẩu khoảng 102,38 triệu thùng dầu thô trong tháng 4, chỉ giảm nhẹ hơn 3 triệu thùng so với tháng 3, bất chấp việc tuyên bố sẽ bù đắp sự thiếu tuân thủ hạn ngạch trong các tháng đầu năm bằng cách cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ. Điều này đã gây áp lực tới giá dầu.
Dữ liệu từ Khu công nghiệp dầu mỏ Fujairah và theo dõi tàu cho thấy tổng tồn kho tăng 4,4% lên 20,363 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/5 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng, phản ánh nhu cầu chậm lại. Dự trữ các sản phẩm chưng cất nặng cũng tăng 9,5% lên 10,116 triệu thùng trong tuần gần nhất, mức cao nhất trong 5 tuần qua.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm trên 3% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần rưỡi do dự báo thời tiết mát mẻ hơn ở Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu khí thiên nhiên từ các nhà cung cấp điện. Maxar Technologies cho biết hôm thứ Tư rằng dự báo thời tiết cho phần lớn vùng đông bắc đến miền trung nước Mỹ sẽ mát hơn trong thời gian từ ngày 8 đến ngày 12/6. Trong khi đó, dự báo đồng thuận cho rằng tồn kho khí tự nhiên hàng tuần Mỹ sẽ tăng +74 tỷ feet khối trong tuần trước cũng gây áp lực cho giá trong phiên