Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá điều nhân đã chạm đáy và sẽ quay đầu tăng giá?

Nguyễn Huyền 02/03/2024 - 09:47

Hầu hết các doanh nghiệp từ nhập khẩu điều thô đến chế biến xuất khẩu điều nhân đều có chung nhận định “giá nhân điều của Việt Nam đang chạm đáy và sẽ quay đầu tăng giá".

che-bien-dieu.jpg
Chế biến điều nhân - ảnh minh họa

7 năm liền giá điều nhân liên tiếp giảm

Ông Phùng Văn Sâm, Giám đốc Điều hành Hanfimex Group cho biết, giá điều nhân từ 5 USD/pound năm 2018 đến nay chỉ còn 2,35 USD/pound, giảm 50% trong vòng 7 năm, vậy giá nhân điều còn tiếp tục giảm nữa hay có khả năng tăng lên?

“Ở góc nhìn là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôi cho rằng, để giá nhân tăng lên là vấn đề rất khó và mức 2,35 – 2,4 USD/pound là giá tối thiểu, đã chạm đáy rồi. Giá điều nhân khó có thể giảm nữa vì xét về giá nguyên liệu, đặc biệt chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Mặt khác, giá điện tăng (tháng 1/2023, giá điện tăng 4,5%), chi phí nhân công cũng tăng, logistics tăng, biến động tỷ giá cũng liên tục tăng. Do vậy, có nhiều yếu tố để giá điều nhân khó có thể giảm tiếp”, ông Sâm nói.

Trước tình hình này các nhà máy đang rất thận trọng trong việc mua nguyên liệu. Nếu tính giá 2,4 USD/pound thì các nhà máy sản xuất điều nhân lỗ ít nhất từ 50 – 60 USD/tấn nguyên liệu. Vì vậy, các doanh nghiệp không nên bán bất kỳ loại giá nào và thay vào đó nâng cao giá trị sản phẩm và không nên bán các hợp đồng giao xa khi giá nguyên liệu chưa cân đối được với giá nhân.

Theo ông Sâm, trong điều kiện khó khăn có mấy vấn đề đặt ra cho các nhà máy chế biến và càng phải tìm mọi giải pháp để thoát khỏi thực tế này: Thứ nhất, tiếp tục tiết kiệm chi phí sản xuất để kéo giảm giá thành.

Thứ hai, tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục giảm công suất chế biến trong trường hợp giá nguyên liệu vẫn đứng ở mức hiện nay và giá nhân vẫn không tăng, thì phần lớn các doanh nghiệp sẽ cắt giảm công suất chế biến và đặc biệt hơn nữa nhu cầu của sản phẩm ngày càng đòi hỏi cao thì các nhà máy trong lúc khó khăn càng phải nâng chất lượng và nâng cao giá trị hạt điều.

Thứ ba, càng phải nâng cao công nghệ chế biến, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các nước trồng điều như Việt Nam, Campuchia và Trung Đông.

Cuối cùng cần mua đúng nguyên liệu, đúng thời điểm và giá đúng để cân đối giá nhân.

Sẽ có điều chỉnh phù hợp với thị trường

Ông Trần Vũ, Đại diện Thương mại Công ty AgroCorp Singapore tại Việt Nam cho biết, giá thành điều thô hàng năm được tính rất sát trong một chuỗi cung ứng từ giá của nông dân, thu gom địa phương đến nhà xuất khẩu đến nhà buôn quốc tế và nhà cung ứng thì trong vòng khoảng 3 năm trở lại giá điều thô bình quân cũng chỉ khoảng 1.000 USD/tấn, ở góc độ người bán điều thô thấy phù hợp nhưng người mua cho là đắt vì khi chuyển sang điều nhân thì chi phí chế biến tăng.

tran-vu.jpg
Ông Trần Vũ, Đại diện Thương mại Công ty AgroCorp Singapore tại Việt Nam

Nguồn cung điều nhân dồi dào nhưng nhu cầu chưa tăng tương xứng dẫn đến giá giảm, vấn đề này chỉ mang tính nhất thời chứ không thể giảm mãi. Ngày xưa người ta cứ nghĩ hạt điều chỉ để ăn trực tiếp và rang chín, nhưng bây giờ nó dần trở thành nguyên liệu thực phẩm và xu hướng này đang dịch chuyển. Tại Việt Nam, trước đây rất ít người tiếp cận hạt điều nhưng gần đây người ta ăn hạt điều và uống sữa điều nhiều hơn. Nhiều công ty Quốc gia trên thế giới và trong nước cũng đã định vị hạt điều sẽ trở thành nguyên liệu cho thực phẩm.

Hạt điều tuy là sản phẩm nông nghiệp nhưng mang tính quốc tế rất lớn, khắp 5 châu đều trồng điều từ Brazil, Ấn Độ, Việt Nam, châu Phi và Campuchia, về tiêu thụ thì ở Bắc bán cầu, Nam bán cầu... Do vậy, chuỗi ngành hàng này chỉ có thể tìm điểm “cân bằng” chứ không thể bên nào lợi hơn bên nào.

Hiện có nhiều doanh nghiệp đi theo chuỗi quản trị từ điều thô đến điều nhân đóng gói nhỏ và thậm chí thị trường xuất khẩu. Một doanh nghiệp làm được cả chuỗi khép kín có thể phát triển bền vững và tồn tại được, nếu chỉ là đầu tư vào một công đoạn nhất định có thể gặp khó khăn. Bởi đầu tư không mang tính bền vững thì rủi ro sẽ rất cao.

Biên độ lợi nhuận trong chuỗi ngành điều cao nhất là khâu bán lẻ, phân phối ở siêu thị, còn nông dân trồng điều sau khi trừ các chi phí giá thành sản xuất thì lợi nhuận chỉ chênh lệch từ 3- 5% chứ không nhiều.

Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, cung cao hơn cầu là nguyên nhân khiến giá điều nhân giảm, từ năm 2018-2023, trong 6 năm liền giá nhân điều liên tục giảm, mỗi năm giảm tương đương 10%, đây là hệ quả của việc nguồn cung điều thô trên toàn cầu cao hơn tổng lượng điều nhân tiêu thụ, khiến giá nhân không có cơ hội phục hồi trừ trường hợp nguồn cung giảm thì giá nhân mới có thể đứng lại và quay đầu tăng.

ta-quang-huyen.jpg
ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1

Câu hỏi đặt ra là liệu tổng sản lượng điều thô thế giới tiếp tục tăng thì giá điều nhân sẽ có biến động ra sao? Trường hợp tăng giá cũng chỉ 10-15 cent/pound, nhưng nếu giảm nữa có thể trong giảm khoảng 5-10 cent/pound, tương đương 3-5%.

“Nếu tổng nguồn cung nguyên liệu tăng tiếp thì những hy vọng thành công lớn cho năm nay sẽ rất khó, nhưng El Nino làm thời tiết nắng hạn 3 tháng rồi nếu kéo dài thêm 2 tháng nữa vậy có ảnh hưởng đến năng suất cây điều và có làm giảm nguồn cung điều thô trên toàn cầu? Giá điều nhân hiện nay đã chạm điểm đáy để mọi thứ quay trở lại chu kỳ tăng khác hay chưa? Kinh doanh ai cũng muốn kiếm được giá trị lợi nhuận và hy vọng năm nay mọi chuyện ổn hơn năm 2023”, ông Huyên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điều nhân đã chạm đáy và sẽ quay đầu tăng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO