Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá gạo trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu của thương nhân Philippines

Nguyễn Huyền 14/08/2024 10:47

Trước đây, giá gạo doanh nghiệp Việt Nam ký bán cho các thương nhân Philippines khoảng 15.000 đồng/kg. Hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long, giá mua vào 15.500 đồng/kg (giá gạo thành phẩm xuất khẩu tại kho), nếu cộng phí vận chuyển, giá gạo bán cho Philippines tăng lên 16.500 đồng/kg.

xuat-khau-gao.jpg
Ảnh minh họa

Giá cả trên thị trường lúa gạo ngày 13/8 cho thấy, lúa Hè Thu nhu cầu mua nhiều, nguồn còn ít nên tiếp tục ổn định ở mức cao.

Cụ thể, lúa tươi giá tại ruộng giống IR50404 giá 7.400-7.500 đồng/kg; OM380 từ 7.200-7.300 đồng/kg; OM5451 từ 7.500-7.600 đồng/kg; OM18 giá từ 8.300-8.400 đồng/kg; DT8 giá từ 8.400-8.500 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng tại nền IR50404 giá từ 13.750-13.850 đồng/kg; OM5451 dao động từ 14.400-14.500 đồng/kg; OM18/DT8 15.100-15.200 đồng/kg…

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâu năm ở TP. Cần Thơ cho biết, giá gạo tăng cao do cung cầu mất cân đối, nhu cầu hàng cho hợp đồng nhiều nhưng nguồn cung bị chậm và không đủ trong thời điểm này nên bị đẩy giá lên.

Cách đây khoảng 2 tuần, gạo thành phẩm xuất khẩu tại kho giá từ 14.400 - 14.500 đồng/kg, nhưng 10 ngày sau tăng lên 15.400-15.500 đồng/kg.

“Lúc trước doanh nghiệp bán gạo cho Philippines giá khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long giá gạo đang giao dịch quanh mức 15.500 đồng/kg. Giá gạo tăng nhanh là do các tàu vào nằm tại cảng chờ nhận hàng, nếu không có hàng giao thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền tàu và phạt hợp đồng, nên dù có lỗ họ cũng phải gom đủ hàng để giao”, đại diện doanh nghiệp phân tích việc giá gạo tăng.

Vẫn theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Cần Thơ, dù giá gạo đang tăng nhưng so với thời điểm tháng 5, 6 không cao hơn, nhưng một vài doanh nghiệp kẹt dòng tiền và để có hợp đồng khai thông tài chính đã chào thầu bán giá thấp, khoảng 560 USD/tấn.

Ngay lập tức chính phủ nước nhập khẩu gạo yêu cầu doanh nghiệp phải căn cứ theo giá trúng thầu của Việt Nam để mua vào, vô hình chung ảnh hưởng đến mặt bằng giá lúa gạo Việt Nam.

Theo vị đại diện doanh nghiệp, với tình hình lương thực thế giới hiện nay, ưu thế thuộc về người bán, Việt Nam đang có trong tay ưu thế này phải biết phát huy, giữ giá khi thị trường thiếu hàng, khi thừa hàng cần tính toán để giữ giá.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 751,093 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 451,771 triệu USD. Lũy kế, 7 tháng đầu năm đạt gần 5,3 triệu tấn, mang về 3,34 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 8,3% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch.

Trong 7 tháng qua, Indonesia và Philippines tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt Nam. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường số 1, đạt hơn 2,31 triệu tấn, trị giá 1,421 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 19,23% về khối lượng và tăng 44,27% về kim ngạch.

Theo khảo sát, do ảnh hưởng thời tiết nên tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long khá chậm, được khoảng 50 - 60% diện tích xuống giống, phần còn lại thu hoạch cuốn chiếu dần, khiến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu mua vào của doanh nghiệp, trong khi tồn kho đệm lúa Đông Xuân đã cạn, mọi người lại tranh nhau mua nên giá gạo bị đẩy lên cao.

Từ đầu vụ Hè Thu, doanh nghiệp Philippines ngừng nhận hàng để chờ thuế nhập khẩu mới và cước tàu một số nơi tăng cao từ 5-7 lần, nên tồn kho đệm vẫn còn, khoảng 20 ngày qua thương nhân Philippines tiến hành nhận hàng, nên toàn bộ gạo Đông Xuân và lúa thu hoạch ngoài đồng tới đâu đem chế biến vẫn không đủ hàng giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá gạo trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu của thương nhân Philippines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO