Giá heo tăng liên tục trong thời gian qua khiến kỳ vọng của nhà đầu tư vào lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo được đẩy lên, cổ phiếu DBC, BAF, HAG tăng mạnh.
Tại miền Bắc, ngày 17/5, giá heo hơi tăng thêm 2.000 đồng/kg so với ngày 16/5, lên 66.000-67.000 đồng một kg. Trong khi đó tại miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng tăng lên 62.000-65.000 đồng/kg. Tại miền Nam, heo hơi ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh được bán giá 68.000-68.500 đồng/kg. Trong khi tại An Giang, Cần Thơ, Long An, giá tăng thêm 1.000 đồng và dao động 62.000-65.000 đồng.
Giá heo tăng liên tục khiến kỳ vọng của nhà đầu tư vào lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo được đẩy lên. Ghi nhận phiên giao dịch ngày 17/5, các cổ phiếu BAF, HAG, DBC đều tăng kịch biên độ.
Đà tăng nóng của các cổ phiếu chăn nuôi đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Chỉ trong khoảng 1 tháng, thị giá BAF, DBC, HAG đều đã tăng từ 20-30%. Cổ phiếu DBC thậm chí đã leo lên mức cao nhất trong vòng 25 tháng và chỉ còn kém đôi chút so với đỉnh lịch sử đạt được đầu tháng 3/2022. Trong khi đó, BAF cũng đang ở đỉnh 21 tháng còn thị giá HAG đang ở mức cao nhất từ đầu tháng 2/2024.
Theo báo cáo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có 3 nguyên nhân chính có thể dẫn đến mức tăng này. Đầu tiên là do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều.
Thứ hai là mặt bằng giá heo ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung/Nam ra Bắc khá yếu.
Thứ ba là heo Thái Lan chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá ở tháng 3 khá cao. Tại thị trường miền Trung và Nam, giá heo cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco dự báo giá lợn sẽ còn cao bởi nguồn cung trong năm ngoái giảm mạnh hơn nhu cầu và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung. Trong năm ngoái, Dabaco đã mạnh dạn nhập về 10.000 con lợn giống giữa lúc bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.
"Nếu không mạnh dạn nhập lợn năm ngoái, Dabaco có thể trắng tay trong năm nay", Chủ tịch Dabaco nói.
Giá heo tăng mạnh cũng thúc đẩy nhu cầu tái đàn tăng, nhưng vấn đề hiện nay là thiếu con giống nên nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực và táo bạo như Dabaco trong việc tái đàn.
Dabaco có khoảng trên 50.000 lợn nái và đang đặt tham vọng đạt 60.000 lợn nái. Tập đoàn có một phần hoạt động theo mô hình "contract farm" liên kết với nông dân. Sau khi luật chăn nuôi thực hiện, mô hình này sẽ thu hẹp do đó buộc phải đầu tư tài sản là các trang trại tập trung. Ông So cho biết, Dabaco đang phấn đấu đến 2025, chậm nhất 2026 phải có đất để làm trang trại nuôi 58.000-60.000 lợn nái.
Tại Nông nghiệp BAF, theo lãnh đạo BAF, năm 2024, Công ty dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Trong đó, cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã đi vào vận hành trong tháng 3/2024.
BAF còn dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt (cuối 2023, con số tương ứng là 37.000 và 330.000 con).
Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) đến tháng 5 năm nay mới tăng đàn. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG thừa nhận HAGL khá tiếc nuối gì không gia tăng đàn sớm từ năm 2023. Tuy nhiên, hiện với nguồn lực từ Chứng khoán LPBank thì Công ty đang tăng đàn trở lại. HAGL cũng dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ cuối năm nay và nếu đến năm 2025 giá heo tốt, HAGL sẽ "ăn trọn".
Dù chậm bước, song với lợi thế về diện tích chuồng trại, tự chủ nguồn thức ăn từ chuối, HAGL cũng lên tham vọng không nhỏ cho năm 2024. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến IPO công ty con là Chăn nuôi Gia Lai, nhằm "đua" với các đơn vị BAF và Dabaco.