Giá trị nghệ thuật tượng gỗ dân gian Jrai

ThS. Hoàng Thanh Hương| 05/02/2022 13:01
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong kho tàng văn hóa dân gian Gia Lai, tượng gỗ của người Jrai là một di sản văn hóa độc đáo và luôn thu hút bất kỳ ai đứng trước chúng. Tuy nhiên, di sản này theo dòng chảy biến đổi của xã hội trong nền kinh tế thị trường, chúng đang dần mai một và có nguy cơ biến mất trên vùng đất Tây Nguyên. Và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của nó trong đời sống hôm nay, mai sau là trách nhiệm không của riêng ai.

Người Jrai có nền điêu khắc gỗ rất độc đáo và đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Vẻ đẹp điêu khắc ấy thể hiện rõ nét qua việc chạm khắc trên gỗ và làm tượng gỗ ở ngôi nhà chung của làng - nhà Rông, nhà ở và tập trung ở quần thể nhà mồ. Tài nghệ của nghệ nhân được thể hiện tuyệt đối trong việc làm ra một phong cách kiến trúc, điêu khắc độc đáo khi làm nhà mồ và tượng mồ. Đến nhà mồ, ta có thể gặp “rừng tượng mồ” trong lễ bỏ mả. Đến các nhà Rông, những nét chạm khắc, trang trí tượng chim thú, tượng đồ vật, tượng người bên trong và bên ngoài các lối lên xuống, hai bên cửa, cột cúng lễ rất đa dạng, hấp dẫn. Đến nhà sàn, nhà dài vẻ đẹp điêu khắc gỗ thể hiện nơi chiếc cầu thang, hàng lan can rõ nét. Tượng gỗ ở từng không gian trang trí thực hiện một chức năng riêng, song cơ bản các nhóm tượng được tạc thô sơ, mộc mạc, chủ yếu gợi hình nhưng giá trị biểu cảm cao mang lại sự độc đáo, đặc sắc của nền điêu khắc dân gian Jrai. Những tác phẩm nghệ thuật quý giá đó chính là sản phẩm của các nghệ nhân tạc tượng. Họ là chủ thể sáng tạo nên nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian của dân tộc này. Người Jrai ở Gia Lai sống tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố: Pleiku, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa. Theo điều tra của các nhà dân tộc học thì người Jrai chia làm 5 nhóm địa phương và 5 nhóm này đều có mặt ở Gia Lai:

Nhóm Jrai Chor cư trú ở thung lũng lòng chảo Cheo Reo nay là thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa;

Nhóm Jrai Hdrung (gồm cả 2 nhóm nhỏ Chon và Hơ Bau) cư trú ở Đông Bắc thành phố Pleiku và huyện Chư Păh, nửa phía  Đông huyện Chư Prông, phía Đông huyện Ia Grai và phía Tây huyện Đăk Đoa;

Nhóm Jrai A ráp cư trú ở Tây Bắc thành phố Pleiku, một phần huyện Chư Păh.

Nhóm Jrai Tbuăn (Puôn) cư trú ở huyện Đức Cơ và một số xã giáp biên giới của huyện Ia Grai (xã Ia O, Ia Krái), phía Tây huyện Chư Prông, trên dải đất dọc biên giới Việt Nam – Campuchia;

Nhóm Jrai Mthur cư trú chủ yếu ở huyện Krông Pa.1

 

Điêu khắc gỗ thuộc loại hình trang trí thực dụng đời sống, là nghệ thuật làm đẹp bề mặt và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thị giác của con người. “Nghệ thuật trang trí này có khả năng đem lại ấn tượng mới về thị giác gợi lên giác quan mạnh mẽ, giúp cho sự vật, đồ vật trở nên đẹp hơn, giá trị hơn dưới bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ”2. Với đặc trưng nghệ thuật trang trí là trên bề mặt hai chiều hay khối phải trang trí nên ngôn ngữ chủ yếu của điêu khắc là đường nét, mảng, miếng, màu sắc. “Điêu khắc không phản ánh quá trình vận động, biến đổi của đối tượng miêu tả mà chỉ giữ lại những khoảnh khắc điển hình, tiêu biểu nhất, có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu lắng nhất”3. Ngôn ngữ chung của nghệ thuật điêu khắc chính là cách thức phối hợp mảng, hình khối, đường nét trong không gian ba chiều để xây dựng tác phẩm biểu hiện giá trị tinh thần của con người cũng như các phương diện khác của cuộc sống. Tượng gỗ của người Jrai có ngôn ngữ biểu đạt khá cụ thể, đó chính là:

Ngôn ngữ khối

Tượng gỗ Jrai thuộc thể loại tượng tròn của điêu khắc, mang tính trang trí, kỉ niệm. Nghệ nhân sử dụng một khối gỗ “để biểu thị tư tưởng, hình khối ấy có vai trò quyết định trong việc thể hiện nội dung và hình thức của điêu khắc”4. Với những khối gỗ tròn, nghệ nhân Jrai dùng sải tay để xác định độ dài, chiều cao của tượng và đế tượng, ở lớp tượng cổ (lớp tượng khởi sinh chiều cao của tượng không quá chiều cao của người đang sống) không tính đế, đế tượng là khối gỗ tròn cao thấp tùy theo sáng tạo của nghệ nhân. Từ khối tròn thẳng, những hình người dần rõ đường nét từ những nét vạc, đẽo, đục, khắc bằng rựa, chà gạc, dao, đục. Với những khối tượng đứng, ngồi về kiểu dáng, nét trầm tư, hân hoan, ngóng trông, buồn thương... trên khuôn mặt về biểu cảm. Tượng gỗ Jrai không chỉ là những khối đặc chiếm chỗ trong không gian mà những kẽ hở, khoảng trống được tạo trên thân tượng là những khối rỗng để nhấn mạnh vai trò tạo hình, các mặt khối lồi cong, choán chỗ trong không gian như khuôn mặt, vòm bụng, lưng, búi tóc, khuỷu tai, mu bàn tay... choán chỗ trong không gian được gọi là khối dương, những khối lõm vào trong như miệng, hốc mắt, hốc tai, miệng ghè, ché, bung, gùi... được gọi là khối âm. Những bức tượng này, từ khối hình được tạo nên từ đôi tay khéo léo nghệ nhân, trong không gian ba chiều tự nó đã cất lên tiếng nói của mình về giới hạn đời người, chu trình vòng đời và khát vọng sinh tồn muôn đời của con người nơi trần thế.

Ngôn ngữ gợi tả

Tượng gỗ Bahnar hay Jrai đều mang ngôn ngữ gợi tả là chính, một nét đẽo vạt trên gương mặt người chống cằm, tạo khoảng lõm hút ánh sáng, tạo cảm giác khắc khổ, đau buồn nơi gương mặt tượng trong đa dạng những sắc thái của những tượng khác xung quanh. Ở lớp tượng khởi sinh mà chúng tôi phân loại ở trên, con người được nghệ nhân sáng tạo không phải là con người cụ thể cá nhân mà là con người cộng đồng, con người vũ trụ. Xét trên mặt bằng tổng thể không gian sắp đặt lớp tượng này, sự gợi tả thể hiện rõ nhất ở những bộ phận cơ thể được chủ động nhấn trên cột gỗ (khuôn mặt, bụng, bộ phận sinh dục nam nữ) đồng thời sự gợi tả còn được thể hiện qua kiểu dáng tượng (dáng đứng gợi tả sự giao hoan, dáng ngồi ôm gối, co gập của người, dáng chống cằm), những nét tạc tập trung thể hiện ý nghĩa sinh – diệt của vòng đời người, giải thích sự ra đời con người, sự tồn tại và sinh sôi của con người trên thế gian. Ở những buôn làng xa xôi, ngôn ngữ gợi tả trên từng tượng gỗ đậm nét khi họ hồn nhiên thổi hồn vào từng tác phẩm những ý nghĩ, quan niệm về quá trình sinh thành con người bằng những nét đẽo/tạc/ đục mang tính khái quát cao chủ yếu là gợi mà không tả như những lớp tượng sau này. “Tượng gỗ Jơrai thường không thực về kích thước về tỷ lệ cũng như hình khối, nhưng lại rất thực và sống động ở chỗ đều thể hiện những khía cạnh cuộc sống thực tại, phản ánh bằng hình tượng nghệ thuật về thế giới tự nhiên và sinh hoạt của con người Jrai. Có thể nói, tượng gỗ của người Jrai nguyên sơ, nhưng độc đáo, đặc sắc. Đó là những công trình nghệ thuật quý giá, là hiện thân tiêu biểu như bộ phận nổi nhất của truyền thống điêu khắc gỗ dân gian Jrai.”5

Đứng trước tượng gỗ của các dân tộc Tây Nguyên nói chung tượng gỗ người Jrai ở Gia Lai nói riêng, sự diễn tả cô đọng của nghệ nhân bằng những nét trên những khối gỗ phẳng lớn, dù nhiều chi tiết khác không được đặc tả hoặc làm mất đi nhưng ý nghĩa nhân sinh vẫn được gợi lên sống động trong thị giác và suy nghĩ của người xem chúng.

Ngôn ngữ trần thuật – diễn tả

Theo giáo sư Ngô Văn Doanh, xét về góc độ biểu hiện, lớp tượng mồ thể hiện sinh hoạt trần thế được trang trí xung quanh nhà mồ với ý nghĩa là những người hầu hạ (đích) cho người chết, lớp tượng này ngôn ngữ tạo hình của từng tượng sinh động và hiện thực hơn ở những tư thế khác nhau như đánh trống, cõng con, múa xoang, giã gạo, ôm con, đội con trên cổ, cầm bầu nước, đeo gùi, cầm khiên, cầm rựa, vác nỏ, hút tẩu thuốc... các đường nét hình học mất dần nhường chỗ cho những khối cong sống động để diễn tả các động tác của con người cho giống với thực hơn. Nhìn vào những tượng mồ trong không gian nhà mồ người xem không cảm giác xa lạnh, lạnh lẽo mà cảm giác rất gần gũi, thu hút bởi sự phong phú từ sự phản ảnh thế giới thực vào từng kiểu dáng tượng. Ngôn ngữ trần thuật diễn tả này còn thể hiện khá rõ nét trong những tượng mồ hiện đại sau này ở vùng Chư Prông, Chư Păh, Chư Sê, Ia Pa, Krông Pa. Tuy nhiên, ngôn ngữ tạo hình này ở lớp tượng hiện đại với tư duy làm cho đẹp, cho vui mắt đã làm mất dần đi ngôn ngữ tạo hình truyền thồng của tượng gỗ dân tộc Jrai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ trần thuật của tượng gỗ Jrai biểu hiện khá rõ nét trong những tượng rối gỗ và mặt nạ gỗ được dùng trong lễ bỏ mả, chúng được nghệ nhân sáng tạo và thổi hồn vào thân tượng, khuôn mặt, các bộ phận cơ thể, trang phục và trong quá trình được nghệ nhân trình diễn khi tiến hành nghi lễ.

Ngôn ngữ không gian

Tượng gỗ dân gian phải được đặt trong không gian kiến trúc nhà mồ và nhà rông, nhà sàn, nhà dài mới biểu thị đầy đủ giá trị của chúng. Do vậy, chính sự kết hợp giữa các hình khối trong một không gian nhất định mới quyết định được giá trị của tác phẩm điêu khắc. Trong một không gian sắp đặt cụ thể, từ nhiều góc nhìn tác phẩm sẽ tạo nên ngôn ngữ diễn đạt của riêng nó, ngôn ngữ ấy biểu hiện ở mỗi hướng nhìn của nghệ nhân và của người thưởng lãm. Ở từng không gian khác nhau tượng gỗ sẽ biểu thị chức năng của mình một cách rõ nét hoặc để phục vụ người chết hoặc để phục vụ người sống. Trong xu thế phát triển hôm nay, các nghệ nhân dân gian dù làm tượng cho người sống hay người chết đều hướng đến việc làm cho đẹp cho vui mắt, không còn nhiều ràng buộc kiêng cữ khi tạc tượng và sắp đặt tượng như thời xưa và dù xã hội phát triển nhanh mạnh theo hướng đô thị hóa thì khả năng thích nghi sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của nghệ nhân dân gian vẫn bắt kịp, vẫn duy trì tồn tại và chỉ cần có yêu cầu nghề tạc tượng gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai lại được phát huy và những lớp tượng mới lại ra đời và với ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng thể loại điêu khắc gỗ, từng nhóm tượng, từng bức tượng lại cất lên tiếng nói riêng biệt độc đáo có một không hai của mình trong dòng chảy văn hóa của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.

CHÚ THÍCH:

 1. Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1981), Các dân tộc thiểu số Gia Lai –Kon Tum, NXB Khoa học –Xã hội, tr55, 56.

 2. Triệu Thế Việt (2014), Mỹ thuật, NXB Văn hóa – Thông tin, tr.15.

3. Triệu Thế Việt (2014), Mỹ thuật, NXB Văn hóa – Thông tin, tr.18.

4. Triệu Thế Việt (2014), Mỹ thuật, NXB Văn hóa – Thông tin, tr103.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Ngô Văn Doanh (1993), Nhà mồ và tượng mồ Giarai, Bơhnar, Sở văn hóa thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai.

 - Rơ Chăm Oanh ( 2003), Nét đặc trưng văn hóa cổ truyền của người Jơ Rai ở Tây Nguyên, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

- Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1981), Các dân tộc thiểu số Gia Lai –Kon Tum, NXB Khoa học –Xã hội.

- Triệu Thế Việt (2014), Mỹ thuật, NXB Văn hóa – Thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị nghệ thuật tượng gỗ dân gian Jrai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO