Phiên sáng ngày 23/5, giá vàng miếng bất ngờ giảm sâu từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/lượng, mất mốc 90 triệu đồng/lượng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu lần thứ 9. Chênh lệch giữa chiều mua và bán duy trì tại mức 1,5 - 2 triệu đồng/lượng.
Cập nhật lúc 10 giờ 15 phút hôm nay, giá vàng miếng các thương hiệu như sau:
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức 87,8 - 89,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với phiên trước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá mua - bán vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở mức 87,8 - 89,6 triệu đồng/lượng, cùng giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và 900.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên trước.
Tại PNJ Hà Nội và PNJ TP. Hồ Chí Minh, giá mua - bán vàng miếng SJC ở mức 87,7 - 89,7 triệu đồng/lượng, giảm 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua và 800.000 đồng/lượng chiều bán so với phiên trước.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá mua - bán vàng miếng SJC niêm yết ở mức 87,85 - 89,5 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và 1 triệu đồng/lượng chiều bán so với phiên trước.
Chiều qua (ngày 22/5), NHNN phát đi thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9h30 sáng hôm nay (ngày 23/5).
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đầu thầu trong phiên này vẫn là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng. So với phiên đấu thầu vàng thứ 8 diễn ra vào ngày 21/5 trước đó, giá tham chiếu đã cao hơn 300.000 đồng/lượng.
NHNN cho biết, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa 1 thành viên được phép đặt thầu là 40 lô, tương đương 4.000 lượng.
Cùng lúc, thời điểm 10h30 sáng nay (ngày 23/5, theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.369 USD/ounce, giảm mạnh tới 52 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Giá vàng thế giới giảm khá mạnh vào phiên giao dịch vừa qua do áp lực chốt lời lớn hơn sức cầu mua vàng. Hoạt động bán ra tăng lên sau khi kim loại quý này không thể chinh phục lại ngưỡng 2.430 USD/ounce. Áp lực bán đã nhanh chóng đẩy giá vàng thế giới về dưới 2.400 USD/ounce.
Mặc dù chính sách tiền tệ của Mỹ đã trở thành yếu tố thứ yếu trên thị trường vàng, nhưng lạm phát dai dẳng có thể tạo ra thêm áp lực bán vì có thể buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất một lần nữa. Trong những ngày gần đây, các thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ đã nói rằng, mặc dù FED chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất vì lạm phát vẫn tăng cao nhưng cũng không tìm cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp mới đây cho thấy, khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất khác là có thể.
Nhiều chuyên gia lạc quan rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng hầu hết đều không chắc chắn thời điểm vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce. Động lực có thể đưa vàng lên mức đó là FED nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc cắt giảm lãi suất có thể khiến đồng USD suy yếu so với nhiều loại tiền tệ khác, điều này có thể cung cấp hỗ trợ thêm cho các tài sản thực như vàng. Tuy nhiên, trong khi FED vẫn chưa đi đến quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, các nhà đầu tư đang theo dõi cẩn thận dữ liệu kinh tế để xem có thể khiến FED phải xoay trục hay không.