Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 15h ngày 5/9, xăng E5 RON 92 tăng 132 đồng/lít và xăng RON 95 tăng 270 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu tăng trừ dầu mazut.
Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 23.471 đồng/lít, tăng 132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; xăng RON95-III không cao hơn 24.871 đồng/lít, tăng 270 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Đối với các mặt hàng dầu: Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.645 đồng/lít, tăng 291 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 22.814 đồng/lít, tăng 505 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.704 đồng/kg, giảm 277 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.871 | +270 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.471 | +132 |
Dầu điêzen | 22.645 | +291 |
Dầu hỏa | 22.814 | +505 |
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Đây là kỳ tăng lần thứ 6 liên tiếp, gần chạm mốc 25.000 đồng/lít - mức cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/8/2023-4/9/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn do Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và việc Ả rập xê út được dự đoán sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/8 đến 4/9 có biến động tăng giảm đan xen nhưng có xu hướng chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/8/2023 và kỳ điều hành ngày 5/9/2023 là: 103,246 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 0,483 USD/thùng, tương đương tăng 0,47% so với kỳ trước); 109,126 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,743 USD/thùng, tương đương tăng 0,69% so với kỳ trước); 118,817 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,289 USD/thùng, tương đương tăng 1,96% so với kỳ trước); 117,710 USD/thùng dầu điêzen (tăng 0,988 USD/thùng, tương đương tăng 0,85% so với kỳ trước); 530,472 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 13,845 USD/tấn, tương đương giảm 2,54% so với kỳ trước).
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian tới.
Công điện nêu rõ: Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, yếu tố nền tảng và là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên, việc cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn; trong đó xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối mùa khô năm 2023 và thiếu hụt xăng dầu tại một số địa bàn vào cuối năm 2022.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao