Kết nối

Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,65 tỷ USD

Linh Ly 27/05/2023 09:47

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 5/2023 đã có cải thiện, vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm.

fdi-1.jpg

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính tới ngày 20/5/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 7,65 tỷ USD, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm nhưng vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, cả nước có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 281,65 tỷ USD, bằng gần 62,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Cũng tính đến tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 10,86 tỷ USD, tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm và bằng 92,7% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư mới và GVMCP tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.

Như vậy, vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 66,4%).

Trong đó, về đầu tư mới, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 66,4% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ.

Về điều chỉnh vốn, có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ.

fdi-2.jpg

Đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,5%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55,1%); ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 41,3% số giao dịch).

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2023, có 1.278 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

Nhận xét về tình hình FDI 5 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà ĐTNN quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. Còn các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như: Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng,…

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 102,9 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, chiếm 74,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 102,1 tỷ USD, giảm 9,4%, chiếm 73,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 85,8 tỷ USD, giảm 14,1% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

“Xuất khẩu của khu vực ĐTNN tuy giảm song vẫn xuất siêu hơn 17,1 tỷ USD, qua đó bù đắp cho 8,9 tỷ USD nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước; và là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 8,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,65 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO