(thitruongtaichinhtiente.vn) - Số liệu thống kê được đưa ra tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm, được Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/9 cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14%, đạt hơn 4.315 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và phần lớn các Bộ, ngành đều đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân.

So với kết quả báo cáo tại cuộc họp diễn ra vào tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14%, đạt hơn 4.315 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, các Bộ còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, trị giá 2.671 tỷ đồng.

Bộ Tài chính ghi nhận 10/12 Bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Về đề nghị giảm kế hoạch vốn của các Bộ, ngành, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã nhận 560 hồ sơ rút vốn, trong đó đã giải quyết 554 hồ sơ, chiếm 98,8%. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền số vốn đề nghị giảm của các Bộ, ngành là 4.717,5 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả giải ngân tháng 9/2020 đã tăng so với tháng 8/2020 nhưng Bộ Tài chính cho rằng kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp là do chưa có khối lượng cho giải ngân. Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng; việc đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…

Do đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các vấn để còn vướng mắc hay chưa rõ về chính sách, các Bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển cho các bộ, địa phương khác, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định rõ là, cắt giảm của dự án nào, dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020. Dự án nào chỉ giải ngân được một phần để bổ sung kể hoạch vốn bố trí cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư 2021. Từ đó, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài.

Trường hợp kế hoạch vốn 2020 đề nghị cắt giảm của các Bộ chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do lập kế hoạch chưa sát, các bộ, ngành rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch năm 2021 và các năm sau.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu, trong phạm vi thẩm quyền của mình, các Bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn ODA tăng 3,14%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO