VTV đưa tin, bất chấp thời tiết nắng nóng 40 độ C, hàng nghìn người đã xếp hàng bốc thăm 149 suất mua nhà ở xã hội tại Hà Nội vào cuối tuần qua. Đây là một sự kiện chưa từng có trên thị trường khi tỷ lệ bốc thăm trúng lên tới 1 chọi 9, nguyên nhân do nhu cầu quá lớn nhưng các dự án nhà ở xã hội mới lại quá hiếm hoi... Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi vẫn chưa thể giải ngân.
Chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nguyên nhân từ đâu?
Buổi bốc thăm giành quyền mua các căn hộ nhà ở xã hội ít ỏi vừa diễn ra tại 1 dự án trên đường Tố Hữu, Hà Nội, có giá dưới 20 triệu đồng/m2, tức là mỗi căn hộ 2 ngủ sẽ chỉ có giá hơn 1 tỷ đồng, chỉ bằng 1 nửa so với giá bán các căn hộ trung bình khác cùng vị trí. May mắn chỉ đến với hơn 100 người, còn lại khoảng 1.000 người đã bốc thăm trượt. Rõ ràng, nhu cầu các căn hộ nhà ở xã hội, đặc biệt ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rất lớn và được đánh giá sẽ là phân khúc chủ lực, giúp kéo thị trường nhà đất thoát khỏi cảnh ảm đạm, đóng băng như hiện nay khi thực sự chạm tới nhu cầu ở thật.
Có 3 nguyên nhân rất đơn giản để lý giải hiện tượng này.
Một là, gần 3 năm, Hà Nội mới chỉ có duy nhất dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn đủ điều kiện mở bán.
Hai là, dự án này nằm ở vị trí giao thông, hạ tầng rất thuận lợi. Giá bán các căn hộ xung quanh phải lên tới 40-50 triệu đồng/m2 rồi trong khi dự án này chỉ chưa tới 20 triệu đồng/m2.
Ba là, chủ đầu tư của dự án này vốn đã triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội thành công, đúng hạn bàn giao, có chất lượng tốt.
Một câu hỏi được đặt ra là, nhu cầu người dân lớn như vậy, tại sao lại có quá ít dự án nhà ở xã hội? Một phần do thiếu quỹ đất, vì Hà Nội ngày càng đất chật, người đông. Một phần do chủ đầu tư và người mua nhà gặp khó khi nguồn vốn cho vay đối với bất động sản thời gian qua hạn chế.
Từ đầu năm tới nay, đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy phát triển xây dựng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, trong đó, một chính sách quan trọng là Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ ngày 1/4 năm nay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại trên thị trường. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay. Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư đang được vay 8,7%/năm và người mua nhà 8,2%/năm. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, sau hơn 1 tháng triển khai, gói này vẫn chưa phát sinh dư nợ. Điều này có nghĩa chưa có đồng vốn nào được cho vay ra.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết: "Các dự án được phê duyệt thì mới đem hồ sơ tới cho ngân hàng vay, hồ sơ được hoàn thiện thì ngân hàng cấp vốn. Hiện mỗi ngân hàng dành 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Chúng tôi xin khẳng định, bất kể lúc nào doanh nghiệp lên cũng có vốn cho doanh nghiệp vay, vấn đề là doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay không? Tôi đặt vấn đề ngược lại là tiền có, tại sao chúng ta không được cho vay được? Đây là vấn đề về mặt cơ chế cần giải pháp để tháo gỡ".
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, nói: "Chúng tôi đã nghiên cứu qua, thấy khó vay. Ngoài chấp nhận chủ trương, cấp phép, chủ đầu tư còn phải thẩm định giá bán, đối tượng mua và nhiều quy định khác. Trong khi đó, người mua nhà cũng phải đáp ứng 1 loạt điều kiện như chưa có nhà ở và ở dưới mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân".
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định: "Các tổ chức tín dụng đã hướng dẫn chi nhánh triển khai thực hiện, một vấn đề hiện nay phụ thuộc vào nguồn cung nhà ở xã hội, tức là danh mục các dự án mà Bộ Xây dựng và địa phương sẽ cung cấp".
Có thể thấy, đại diện Hiệp hội Ngân hàng khẳng định: Bất kể lúc nào doanh nghiệp cần, thì ngân hàng cũng có vốn cho doanh nghiệp vay. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Tại Hội nghị trực tuyến về phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng tổ chức cuối tuần vừa qua, phía Ngân hàng Nhà nước đã có lý giải cụ thể hơn, nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Còn phía Bộ Xây dựng trước đó cho biết, để thúc đẩy nhanh gói ưu đãi, Bộ Xây dựng đã xin Thủ tướng ủy quyền cho UBND các tỉnh chủ động công bố danh mục các dự án. Đây sẽ cách nhanh nhất để giải ngân gói ưu đãi. Vậy các địa phương nói gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Trên địa bàn tỉnh có 6 dự án đăng ký và đáp ứng điều kiện cho vay, tổng mức 6.500 tỷ đồng. Về cơ bản, văn bản chỉ đạo của Bộ Xây dựng đã tháo gỡ về mặt hành chính. Uỷ quyền cho UBND tỉnh rà soát, công bố danh mục. Tuy nhiên, mới đang giai đoạn đầu thực hiện, trong quá trình triển khai, sẽ tiếp tục phản ánh".
Hy vọng là trong vài ngày tới, danh mục các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói ưu đãi sẽ nhanh chóng được cập nhật và gửi tới các ngân hàng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã chia sẻ rằng, khó khăn của họ không chỉ nằm ở vốn vay, mà còn ở cách làm bởi mỗi địa phương có có đặc thù riêng, nhu cầu riêng. Việc xây nhà ở xã hội phải phù hợp, tránh cảnh xây xong không bán được hàng.
Khó khăn khi xây dựng nhà ở xã hội
Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho biết, một số dự án tại Bắc Ninh đã xây xong, nhưng chưa thể bán hết vì giá bán vẫn còn cao.
Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường, cho biết: "Chúng tôi có hai dự án ở KCN Yên Phong, toàn bộ các công trình hạ tầng đô thị nằm trong dự án, chi phí đầu tư của dự án cao, phân bộ vào giá bán nhà, người mua nhà ở xã hội phải gánh chịu. Các chủ đầu tư có thể đầu tư nhưng sau đó bán cho ai vì những người có nhu cầu lại không có tiền mua nhà".
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, hiện nay mới chỉ có duy nhất một dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Dù quy mô lên tới 4 tòa chung cư, nhưng hiện nay, chủ đầu tư mới xây 1 tòa. Nguyên nhân vì số lượng khách mua ít, dù giá bán trung bình mỗi căn hộ 60m2 chỉ khoảng 700 triệu đồng. Lãnh đạo tỉnh cho biết, theo quy định hiện nay, một số người có nhu cầu thì lại không nằm trong đối tượng được mua.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nói: "Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, có đối tượng là hợp đồng 68, làm các nhiệm vụ như tạp vụ, dọn dẹp, bảo vệ chưa được mua nhà ở xã hội".
Các doanh nghiệp, địa phương đề xuất, các chương trình, gói tín dựng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội cần có cách làm mới, phù hợp với nhu cầu thực tế hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để gói vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, cần có sự sửa đổi các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung bố trí quỹ đất, sớm công bố danh mục các dự án để những đối tượng thụ hưởng có thể tiếp cận vốn vay.
Thực tế, với sức nóng từ "cơn sốt" bốc thăm dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội vừa qua, chúng ta có thể thấy, nếu được phát triển xây dựng kịp thời, nhà ở xã hội sẽ giải tỏa "cơn khát" nhà ở giá rẻ, phù hợp túi tiền cho thị trường bất động sản, đồng thời cũng là hướng đi phù hợp cho các chủ đầu tư đã mải mê xây nhà giá cao, đang lâm vào tình trạng ế ẩm như hiện nay.