Giới chuyên gia dự đoán giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022

Thanh Hải| 24/01/2022 18:02
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2021 giá dầu trên thị trường toàn cầu phục hồi mạnh, đảo ngược đà giảm của những năm trước đó. Đà tăng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2022.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Số liệu thống kê được đưa ra trong báo cáo Tổng hợp kinh tế - Tài chính tuần từ ngày 17 – 21/1, vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố cho biết, trong năm  2021, giá xăng RON95-III tăng khoảng 6.365 đồng/lít; trong khi xăng E5-RON92 tăng khoảng 6.602 đồng/lít.

Thời điểm điều chỉnh cuối cùng của năm (ngày 25/12), xăng E5 RON92 có giá trần là 22.550 đồng/lít; xăng RON95-III là 23.295 đồng/lít. “Tính hết năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 19 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần”, báo cáo cho biết.

Đà tăng trong năm 2021 được tiếp nối trong những ngày đầu năm 2022 khi cuối tuần qua, Liên Bộ Công Thương –  Tài chính vừa thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng từ ngày 21/1/2022. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 484 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 436 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 664 đồng/lít; dầu hỏa tăng 655 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 23.595 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.360 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S là 18.903 đồng/lít. Thống kê cho thấy, đây là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp trong năm 2022 và là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá xăng dầu.

Còn trên thị trường thế giới, tính chung cả năm 2021, giá dầu Brent tăng 50,5%, mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2016; đồng thời, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI tăng 55,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, khi giá loại dầu tiêu chuẩn này tăng hơn 70%.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong năm 2021 do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 gia tăng, các quy định hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng và kinh tế thế giới phục hồi khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhanh hơn nguồn cung. Sản lượng dầu tăng chậm hơn nhu cầu trong năm 2021 chủ yếu là do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) bắt đầu vào cuối năm 2020.

Điển hình, theo những ước tính trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn mà Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra vào tháng 12/2021, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm vừa qua đã giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với năm 2020 và giảm 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Ngoài ra, thời tiết lạnh giá vào tháng 2/2021 và các trận bão vào tháng 8/2021 cũng góp phần vào sự suy giảm này.

Thêm vào đó, đại dịch đã khiến một loạt các nước xuất khẩu dầu phải cắt giảm đầu tư. Các tính toán cho thấy, các nước xuất khẩu dầu phải đầu tư khoảng 600 tỷ USD/năm nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu dầu của thế giới nhưng tổng đầu tư vào ngành công nghiệp dầu và khí đốt năm 2021 chỉ còn ở mức 341 tỷ USD.

Nhu cầu gia tăng và nguồn cung dầu thô suy giảm đã khiến lượng nhiên liệu dự trữ trên toàn cầu liên tục giảm xuống từ tháng 2/2021 đến hết tháng 12/2021, từ đó góp phần khiến giá dầu thô gia tăng. EIA ước tính lượng dầu dự trữ đã giảm 469 triệu thùng trên toàn cầu trong năm 2021, mức giảm theo năm mạnh nhất kể từ năm 2007.

Ngày 4/1/2022 vừa qua, sau một cuộc họp trực tuyến ngắn, 23 thành viên của OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng Hai, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Đây là mức mà tổ chức này đã thực hiện từ tháng 5/2021.

Dự báo cho năm 2022, giới chuyên gia cho rằng, giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu nhiên liệu cho hoạt động vận tải phục hồi. Hiện tại, cả 3 tổ chức là OPEC, EIA và IEA đều cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới không chỉ quay lại mức tiêu thụ 100 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2019 mà còn đạt đến mức cao nhất mọi thời đại 101 triệu thùng/ngày trong cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của OPEC nhận định biến thể Omicron chỉ tác động nhẹ đến nhu cầu và đà tăng của giá dầu được dự đoán vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Trong khi đó, mặc dù hạn ngạch sản xuất của OPEC+ được tăng thêm 400.000 thùng/ngày, nhưng tổng sản lượng thực tế của nhóm sẽ không thể cao như kỳ vọng khi một số quốc gia trong nhóm đang chưa thể tăng sản lượng theo kế hoạch do gặp phải khó khăn trong khâu sản xuất và giảm đầu tư.

Việc gián đoạn đột ngột của nguồn cung, khi tồn kho dầu của OECD đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm cũng khiến giá dầu có khả năng tiếp tục tăng cao. Với các nguyên nhân trên, JPMorgan Chase nhận định giá dầu có thể vọt lên 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm tới; Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng dự báo giá Brent trong năm 2022 – 2023 lên mức 100 – 110 USD/thùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giới chuyên gia dự đoán giá dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO