Dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc và cả nước, điểm trung chuyển và là cầu nối cho du lịch Đông Nam Á, nhưng Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ có sẵn. Thủ đô vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc và những khu, điểm vui chơi giải trí, quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của các “thượng đế”.
Nhắc đến Hà Nội, du khách sẽ nghĩ ngay đến thành phố ngàn năm văn hiến với Văn Miếu, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà tù Hoả Lò, Chùa Một Cột hay xa hơn là một số làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc…
Dù độc đáo nhưng Hà Nội "níu chân" du khách không lâu. Phần lớn du khách muốn trải nghiệm không khí náo nhiệt sẽ chọn các địa điểm du lịch như Hạ Long, Cát Bà hoặc Đà Nẵng, Hội An.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, bình quân mỗi khách quốc tế chỉ lưu trú tại Hà Nội là 3,67 ngày còn khách nội địa là 2,32 ngày.
Một vấn đề lớn khác của du lịch Hà Nội là mức chi tiêu của du khách vẫn còn thấp. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch khi đến Hà Nội hiện nay chỉ vào khoảng 113,5 USD/người/ngày. Đáng nói là con số này dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" suốt nhiều năm qua.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là Hà Nội hiện chỉ tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái trong khi rất thiếu các khu du lịch tổng hợp (vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng) quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn. Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần hình thành các khu mua sắm, ẩm thực có quy mô lớn, chuyên nghiệp để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Thủ đô Hà Nội cần thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Để từ đó, tất cả các hoạt động, cơ chế, chính sách cần tạo thuận lợi cho du khách, cũng như thu hút được các nhà đầu tư đến với Hà Nội.
Trước đó, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn - hồ Quan Sơn - Tuy Lai. Xây dựng 2 - 3 khu du lịch, vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực.
Có thể thấy, từ lâu Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn thành phố vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách, và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực.
Theo một số ý kiến của chuyên gia, Hà Nội nên sớm kêu gọi đầu tư, xây dựng một công viên kiểu như Disneyland Resort (California Mỹ), DreamWord (Golden Coast, Australia), Everland (Hàn Quốc), Disneyland (Paris, Pháp)… Bởi những điểm đến này không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí hàng ngày mà còn góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô.
Thêm vào đó, Hà Nội nên bổ sung số lượng về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ) và chất lượng dịch vụ tại một số khu du lịch và điểm tham quan, cũng như những bãi đỗ xe chuyên phục vụ du khách hay bến cảng du thuyền dọc sông Hồng.