Hà Nội ngày đầu thực hiện Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Bùi Trang| 19/07/2021 11:48
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong ngày đầu tiên thực hiện Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhìn chung người dân nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, hạn chế ra đường, đeo khẩu trang khi tiếp xúc, thường xuyên rửa tay, hàng ăn chỉ bán mang về…. Mọi người đều thấy cần phải có ý thức chung tay cùng thành phố trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.

Đường La Thành thường xuyên tắc nghẽn nay vắng vẻ...

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ở Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng, trong đó một số ca chưa xác định được nguồn lây, thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện và nhân dân triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo chỉ thị của UBND TP. Hà Nội, từ 0h ngày 19/7/2021, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, thực hiện nghiêm quy tắc 5K, không tụ tập quá 5 người, tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, hàng ăn chỉ bán mang về, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu/cụm công nghiệp phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch...

Ngay từ sáng sớm ngày đầu tiên (ngày 19/7) thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng ở trên địa bàn Hà Nội đã ra quân nhắc nhở người dân, các cửa hàng, quán ăn thực hiện đúng quy định. Ghi nhận trên một số tuyến phố sầm uất của Hà Nội cho thấy lượng người lưu thông vắng vẻ hơn ngày thường, nhiều cửa hàng đóng cửa, một số cửa hàng phục vụ các mặt hàng thiết yếu tiếp tục hoạt động, nhân viên đều đeo khẩu trang đầy đủ, quán ăn treo biển bán mang về.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp (trú tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cho biết hôm qua con gái bà đã đi siêu thị mua đầy đủ thực phẩm và những đồ dùng cần thiết khác để hạn chế phải ra ngoài. Đợt này, dịch bệnh bùng phát và kéo dài, mức độ lây lan nhanh chóng, bà đã nhiều tuổi nên càng phải cẩn thận, không ra ngoài, không tiếp xúc, bảo vệ cho bản thân và cả gia đình.

Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu từ năm ngoái, để giải quyết những bất tiện khi hạn chế ra ngoài, đi chợ, đi mua sắm, gia đình bà thường xuyên mua hàng online. Bà thường thanh toán qua các app như Momo, Airpay, VNPay… để giảm tiếp xúc với nhân viên giao hàng. Khi nhận hàng, bà luôn đeo khẩu trang, đứng cách xa, do không phải thanh toán tiền mặt nên thời gian tiếp xúc chỉ mất 1 phút. Theo đánh giá của bà Diệp, các sàn thương mại điện tử lớn đều có dịch vụ khá tốt, nếu hủy đơn hoặc hoàn tiền, các đơn vị trung gian thanh toán sẽ trả tiền vào ví điện tử nhanh chóng…

“Năm ngoái Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm giãn cách xã hội rồi. Tôi không lo thiếu thực phẩm nhưng tôi vẫn mua nhiều thực phẩm hơn so với thường ngày để giảm tần suất ra ngoài” – bà Nguyễn Ngọc Diệp cho biết.

Được biết, chỉ thị của UBND TP Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các trường hợp cần thiết được nêu rõ là đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… Trong quá trình hoạt động, người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

Hàng quán chỉ bán mang về

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động

Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... Yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.

Chị Nguyễn Thị Tú, chủ một cửa hàng trên đường La Thành (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần này kéo dài khá lâu, từ ngày 29/4 đến nay khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Bây giờ, thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn chắc chắn việc kinh doanh còn khó hơn nữa. Tuy nhiên, chị Tú vẫn thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch, cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay cho khách hàng, tăng cường bán online để duy trì hoạt động cửa hàng.

“Dịch bệnh bùng phát nặng thì còn khó khăn hơn nữa, chưa kể nguy cơ trở thành F0, F1 nên giãn cách cũng tốt. Tôi hy vọng qua đợt giãn cách này, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và việc kinh doanh có thể hồi phục” – chị Nguyễn Thị Tú cho biết.

Đối với các cơ quan, công sở trên địa bàn, Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến.

Đối với khối nhân viên công sở, trong 2 năm qua, nhiều người đã quen với nếp làm việc online khi có đợt dịch bùng phát nghiêm trọng và sẽ làm việc bình thường trở lại khi các yêu cầu giãn cách được hủy bỏ. Chị Đỗ Thị Mến (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trong 2 năm qua, chị thường xuyên làm việc online và việc này đã thành thói quen, không có gì bất tiện. Chị chỉ ra ngoài khi cần thiết, hạn chế tiếp xúc, nếu có tiếp xúc thì đảm bảo các biện pháp phòng tránh dịch đầy đủ khẩu trang sát khuẩn tay…  

“Không ai thích giãn cách, nhưng thà giãn cách xã hội còn hơn đi cách ly. Với việc làm nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tôi mong là chúng ta sớm có thể ra ngoài và gặp nhau” – chị Đỗ Thị Mến chia sẻ.

 

 

 

 

Là một hoạt động thiết yếu, các ngân hàng vẫn mở cửa phục vụ khách hàng đến giao dịch bình thường.

Qua quan sát của phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, tại các điểm giao dịch của Ngân hàng VietinBank, BIDV, VPBank, CBBank, BACABank… đều có dung dịch sát khuẩn, nhân viên đo thân nhiệt.

Khách hàng đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K, đeo khẩu trang, sát khuẩn, phối hợp đo thân nhiệt, chú ý giãn cách… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ngày đầu thực hiện Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO