Sự trùng hợp của trạng thái lỗi hệ thống cùng với biến động rung lắc cần được phủ nhận và đã được thị trường nỗ lực giải quyết với một phiên "gỡ" điểm đi kèm với giao dịch tiếp tục trên 1 tỷ USD.
Định vị thị trường
Sắc xanh được duy trì ở các thị trường chứng khoán châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia trong đó chỉ số TWSE của Đài Loan đóng cửa ở mức kỷ lục điểm số mới với mức tăng 1%. Trong khi đó, thị trường mạnh nhất khu vực là Nhật Bản có sự giằng co ở ngay vùng đỉnh thời đại với phiên giảm 1,23%.
Còn VN-Index cũng cho thấy nỗ lực neo ở vùng đỉnh 18 tháng với một phiên hồi phục gần 6 điểm. Đây cũng đồng thời là nỗ lực phủ nhận lại nỗi lo của nhà đầu tư đã xuất hiện trong chiều qua khi xuất hiện rung lắc và hệ thống giao dịch bị treo lệnh.
Chất xúc tác
Trạng thái "treo" lệnh đã không xuất hiện ở phiên hôm nay dù cho thị trường tiếp tục có một phiên trên 1 tỷ USD. Mức khớp lệnh của HOSE đã bước sang phiên thứ 16 liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên.
Một số mã được giao dịch sôi động đã đạt trên 1.000 tỷ đồng như SSI, VIX kế đến là HPG và VND đạt trên 900 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tỷ trọng giao dịch 2 chiều đạt 10% trên HOSE và bán ròng với quy mô chỉ hơn 130 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng nhiều nhất là FUEVFVND (-156 tỷ đồng), VNM (-153 tỷ đồng), VHM (-88,7 tỷ đồng) trong khi chiều ngược lại VIX (+316 tỷ đồng) được mua vào đột biến.
Vận động thị trường
Nhiều nhóm ngành đã đưa ra câu trả lời với vận động giá tích cực thay vì đi theo nỗi lo rung lắc ngày hôm qua. Đó là các nhóm chứng khoán, hóa chất, khu công nghiệp với nhiều cổ phiếu tăng giá tốt.
Với nhóm chứng khoán, VIX (+5,88%) đã tăng giá mạnh khi có thêm tiền ngoại giải ngân đột biến còn tiền nội giúp đẩy quy mô giao dịch lên trên 1.200 tỷ đồng. Các mã VCI (+3,6%), AGR (+6,81%), TVS (+6,8%), ORS (+3,6%) đều bật lên mạnh mẽ trên HOSE bên cạnh BVS (+3,4%), SHS (+5,1%), VIG (+7,1%) trên HNX.
Nhóm hóa chất cũng ghi điểm với DGC (+7%) tăng trần sau khi đạt quy mô giao dịch 870 tỷ đồng. Hiệu ứng ngành lan tỏa rất tốt với SCV (+3,6%), BFC (+7%), BMP (+2,2%) cũng ghi nhận phản ứng giá.
Trong khi đó, với nhóm khu công nghiệp, BCM (+4,2%) đang được chuyển giao vai trò đầu tàu từ GVR (+0,7%). Các mã VGC (+1,3%), SIP (+1%), D2D (+1,6%) cũng tăng giá khá tốt.
Còn với nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường là ngân hàng, nhà đầu tư chưa được nhìn thấy sự quyết liệt tăng giá sau phiên kéo hụt ngày hôm qua. BID (-2%), HDB (-1,3%), MSB (-1%), PGB (-1%) giảm trên 1% còn MBB (-0,8%), CTG (-0,8%), VCB (+0,2%) giao dịch giằng co.
Nếu như ngân hàng có sự tham quyết liệt hơn, thị trường đã một phiên phủ nhận sự tiêu cực một cách thuyết phục. Dù sao, kết quả giao dịch hôm nay cũng đã giải quyết được phần lớn những lo ngại. VN-Index đóng cửa tăng 5,73 điểm lên 1.268,46 điểm (+0,45%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 25.084 tỷ đồng, tương đương 1.017 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều cố gắng hòa nhập với diễn biến này với phiên tăng 0,81% và 0,4%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 3.900 tỷ đồng.