Hệ thống sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ

Ngô Hải| 28/06/2021 08:21
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Áp lực đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II, khiến cho “cuộc chạy đua” tăng vốn điều lệ ở các ngân hàng thương mại chưa bao giờ hết nóng. Nếu thành công với các kế hoạch tăng vốn, vốn điều lệ của toàn hệ thống sẽ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngày 22/6, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng vốn điều lệ trong năm 2021. Theo đó, SeABank được phép tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.697 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên gần 14.785 tỷ đồng.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2021, các cổ đông SeABank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng trong năm 2021 thông qua các hoạt động: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên của SeABank năm 2021 (ESOP 2021).

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Trước đó vài ngày, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lên hơn 19.260 tỷ đồng và điều này được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động của SHB.

Không chỉ vậy, SHB đã hoàn thiện hồ sơ trình xin NHNN phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28, giá chào bán dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu để thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 26.674 tỷ đồng năm 2021.

Trước đó, NHNN cũng có văn bản chấp thuận về việc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BACABANK) tăng vốn điều lệ tối đa thêm khoảng 446 tỷ đồng, từ mức vốn điều lệ hơn 7.085 hiện nay; hay chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Việt Á lên hơn 4.449 tỷ đồng…

Không chỉ các ngân hàng trên, hàng loạt ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ ngay trong năm 2021, có thể kể đến như: MB lên kế hoạch tăng thêm hơn 10.600 tỷ đồng, qua đó đưa vốn điều lệ của ngân hàng lên 38.675 tỷ đồng (tăng tới 38%); ACB cũng đặt kế hoạch tăng hơn 5.400 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên hơn 27.000 tỷ đồng; HDBank có kế hoạch tăng hơn 4.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên hơn 20.100 tỷ đồng; OCB có kế hoạch tăng hơn 3.400 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên hơn 14.400 tỷ đồng; VIB có kế hoạch tăng hơn 4.900 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên gần 16.000 tỷ đồng; MSB có kế hoạch tăng hơn 3.500 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 15.200 tỷ đồng...

Với việc một số ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong thời gian qua, góp phần giúp tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng nhẹ so với cuối năm 2020. Cụ thể, số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2021, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 664.529 tỷ đồng, tăng khoảng 0,6% so với cuối năm 2020.

Thực ra, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng không còn mới trong những năm gần đây khi mà buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng vốn điều lệ cũng giúp các ngân hàng tự tin hơn với các kế hoạch kinh doanh của mình.

"Với mức vốn điều lệ mới sẽ giúp các ngân hàng tăng năng lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng", một đại diện lãnh đạo của SHB chia sẻ.

Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hệ số CAR có sự tăng giảm nhẹ ở từng nhóm TCTD, cụ thể: CAR của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,16%, giảm 0,25% so với cuối năm 2020; CAR của nhóm ngân hàng áp dụng thông tư 22/2019/TT-NHNN đạt 10,86%, tăng 0,45% so với cuối năm 2021; CAR của nhóm TCTD áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN đạt 20,32%, tăng 1,29%.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong nhóm ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, thì CAR của nhóm NHTM nhà nước chỉ đạt ở mức 9,08%; CAR của nhóm NHTM cổ phần đạt 10,99%... Như vậy, hệ số CAR tại các ngân hàng hiện nay chỉ nhỉnh hơn một chút so với tiêu chuẩn của Basel II.

Giới chuyên môn đánh giá, vốn chủ sở hữu càng lớn, sẽ giúp các ngân hàng an tâm hơn khi đối mặt với các rủi ro thị trường, rủi ro về nợ xấu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mà vẫn đảm bảo hệ số CAR. Do vậy, tăng vốn sẽ giúp tăng "gối đệm" ứng phó với những rủi ro, cũng như có thêm nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh, tăng vốn là giải pháp cần thiết đối với các ngân hàng.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong vòng 10 năm qua luôn ở mức tương đối cao (khoảng 14%/năm), trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng từ 9 - 10% nên nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng là hợp lý. Hơn nữa, việc tăng vốn của các ngân hàng là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng quy định Basel II.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO