Hòa giải trực tuyến: Thêm mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả

Thanh Thanh| 31/03/2021 15:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bên cạnh việc vận hành quy trình hòa giải thương mại (HGTM) truyền thống, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chính thức vận hành nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp.

Hình thức hòa giải mới này được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm một mô hình gải quyết tranh chấp (GQTC) hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số.

Ngày 30/3/2021, VMC đã tổ chức Tọa đàm “GQTC trực tuyến và giới thiệu nền tảng hòa giải trực tuyến”.

 

Chương trình diễn ra với sự góp mặt của các chuyên gia về GQTC, đại diện các doanh nghiệp (DN) và Hiệp hội DN, luật sư, giảng viên, chuyên gia pháp luật cùng nhiều người quan tâm khác v.v. theo cả hình thức trực tiếp tại chỗ và trực tuyến trên các kênh truyền thông của VMC.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC chia sẻ rằng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trên toàn thế giới và của mạng internet kết nối toàn cầu tạo ra một thế giới ảo đang dần có tầm quan trọng tương đương với thế giới thực của chúng ta hiện nay, điều này cũng ảnh hưởng và làm thay đổi căn bản cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khằng định việc triển khai nền tảng hòa giải online sẽ là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc  trong cắt giảm chi phí cho DN , người dân, cho nhà nước và cho cả xã hội. Từ đó tạo môi trườngg kinh doanh tốt hơn, lành mạnh hơn.

Đại diện Bộ Tư pháp kêu gọi các Cơ quan nhà nước, DN và những người sử dụng HGTM  hãy dũng cảm, hãy khuyến khích hình thức hòa giải này bằng phạm vi thẩm quyền, bằng pháp luật, bằng hoạt động của mình; hãy là “bà đỡ” cho hoạt động HGTM này bằng cách nâng cao nhận thức và ủng hộ hơn nữa việc đưa các  dịch vụ HGTM nói chung và dịch vụ hòa giải trực tuyến phát triển.

Xu hướng dịch chuyển số nêu trên có thể thấy rõ nét qua việc hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày ra đời, các DN kinh doanh truyền thống cũng nắm bắt và tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và tận dụng được ưu điểm mà số hóa mang lại.

Hòa chung với xu hướng thế giới, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng đã có những bước tiến lớn. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2020 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) chỉ ra rằng mức tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 15% và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo.

“Với bản chất là một loại hình dịch vụ phục vụ GQTC thương mại, HGTM cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng nói trên. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình GQTC được đánh giá là hướng đi tối ưu và là xu hướng phù hợp…”, ông Dương khẳng định.

Theo ông Vũ Ánh Dương, là phương thức có nhiều ưu điểm vượt trội, HGTM dễ dàng hấp thụ các tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng; hay nói theo thuật ngữ của thời đại kinh tế số hiện nay, là “nâng cao trải nghiệm người dùng”.

Tuy vậy, để có thể triển khai phương thức GQTC trực tuyến nói chung và hòa giải trực tuyến nói riêng, bên cạnh điều kiện cần - “mở cửa” khung pháp lý về GQTC trực tuyến, phải hội tụ thêm điều kiện đủ - sự nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp GQTC trực tuyến và sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng DN, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng.

Song song với việc vận hành quy trình HGTM truyền thống, VMC đã tiến hành xây dựng nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp nhằm cung cấp thêm một mô hình GQTC hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số.

“Là những người quyết tâm “phá đá mở đường”, VMC nhận thức sâu sắc rằng, để hòa giải trực tuyến nói riêng hay HGTM nói chung được cộng đồng DN đón nhận rộng rãi và phát huy hiệu quả của mình, giúp GQTC một cách nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho xã hội thì thực sự cần, đầu tiên, là sự chung tay từ “bà đỡ” là Nhà nước, trực tiếp nhất là Bộ Tư pháp, và từ các tổ chức như Hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề, từ các DN, các luật sư và các cơ quan truyền thông; và quan trọng nữa, là sự phát triển đầy đủ của các chỉ số TMĐT khác, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới các trao đổi trên không gian mạng; chữ ký điện tử hay định danh và xác thực điện tử…” ông Vũ Ánh Dương nhấn mạnh.

Ông Dương cũng lạc quan khi cho rằng, là quốc gia có một nền văn hoá lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, hòa giải ở Việt Nam không chỉ là một phương thức GQTC, mà còn là nét văn hóa truyền thống.

“Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, chắc chắc hòa giải sẽ là phương thức GQTC quan trọng tại Việt Nam, góp phần giúp các bên tranh chấp duy trì được quan hệ kinh doanh và làm cho xã hội trở lên tốt đẹp hơn…” Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC khẳng định.

MedUp là nền tảng GQTC trực tuyến được vận hành độc lập bởi VMC với quy trình hòa giải truyền thống được đưa lên môi trường trực tuyến, được tự động hóa tối đa các bước với các thời hạn quy định được rút ngắn, mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp. Đây là một trong số ít các nền tảng GQTC trực tuyến bằng ADR tại Việt Nam tính tới thời điểm này.

Với việc phát triển MedUp, VMC hy vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu GQTC giữa DN với người tiêu dùng (B2C, bao gồm các tranh chấp tín dụng, các tranh chấp thông qua sàn TMĐT) thông qua hòa giải trực tuyến, từ đó mở rộng ra trở thành công cụ thu hẹp khoảng cách tiếp cận công lý đối với cả các tranh chấp ngoại tuyến khác – thay vì chỉ giới hạn đối với lĩnh vực TMĐT. Hay nói cách khác, Medup hoàn toàn có thể là nền tảng để hòa giải tranh chấp trong các lĩnh vực thương mại khác.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải trực tuyến: Thêm mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO