Doanh nghiệp

Hòa Phát trước thềm ĐHĐCĐ: "Thoát hiểm” đòn thuế ở EU, đón tin vui từ thị trường trong nước

Đinh Thơm 15/04/2025 - 09:19

Đại hội đồng cổ đông của Hòa Phát diễn ra giữa thời điểm thị trường thép đang có nhiều biến động do ảnh hưởng của chính sách thuế quan và bản thân doanh nghiệp đầu ngành thép cũng đang đứng trước bước ngoặt của một chu kỳ tăng trưởng mới.

hpg.jpg
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Hòa Phát

Đến hẹn lại lên, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) luôn là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất mùa ĐHĐCĐ hằng năm, khi có lượng cổ đông dự họp đông đảo và ban lãnh đạo thường không né tránh những vấn đề cổ đông nêu ra.

Hơn thế nữa, đại hội năm nay (diễn ra vào ngày 17/4) dự kiến sẽ càng được quan tâm trong bối cảnh Hòa Phát đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 của dự án trọng điểm Dung Quất 2. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt để tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hay khả năng ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới đến doanh nghiệp ngành thép này,… cũng sẽ là những vấn đề cổ đông mong muốn ban lãnh đạo công ty làm rõ.

Diễn biến thuận lợi quý đầu năm và kế hoạch doanh thu kỷ lục

Trước thềm ĐHĐCĐ, Hòa Phát đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 24,7% so với thực hiện năm 2024.

Kế hoạch doanh thu kỷ lục của Hòa Phát năm nay được đặt ra trên đà tăng trưởng hai chữ số của năm 2024 (doanh thu thuần đạt 138.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 77% so với năm 2023). Đồng thời, dự kiến có thêm sự đóng góp của dự án Dung Quất 2. Đây là dự án trọng điểm mà Hòa Phát đã dồn lực đầu tư trong những năm gần đây, với quy mô 280ha, tổng vốn 85.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2024, Hòa Phát đã khánh thành lắp đặt dây chuyền sản xuất HRC tại nhà máy. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động từ năm nay và có thể sản xuất 1,4 triệu tấn thép HRC, tăng 47% so với năm 2024. Giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026 và có thể vận hành tối đa công suất trong năm 2028 với 5,6 triệu tấn HRC/năm. Dự án Dung Quất giai đoạn 2 sau khi hoàn thành có thể đóng góp lên tới 80.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Hòa Phát, tăng khoảng 50-60% so với trước đó.

Nguồn: HPS, SHS Research

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của Hòa Phát cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi từ thị trường bất động sản trong nước và đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm.

Quý đầu năm 2025 nhờ hoạt động xây dựng và triển khai các dự án đầu tư công, các công trình hạ tầng đường cao tốc, sân bay,… diễn ra ra khá nhộn nhịp, sản lượng bán hàng thép của Hòa Phát đã đạt 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với quý I/2024.

Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 993.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu là thị trường nội địa (tiêu thụ 874.000 tấn HRC, tăng 9% so với cùng kỳ); các sản phẩm thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 1,19 triệu tấn, tăng 25%; phôi thép đạt 198.000 tấn, tăng hơn hai lần cùng kỳ; ống thép đạt 185.000 tấn, tăng 42%; thép dự ứng lực các loại đạt 38.500 tấn, tăng 7%. Duy chỉ có sản phẩm tôn mạ giảm 9% so với quý I năm ngoái, đạt 89.000 tấn.

Tác động trái chiều từ những chính sách thuế quan

Tuy nhiên, việc Hòa Phát có đạt được kế hoạch doanh thu kỷ lục năm nay hay không một phần sẽ phụ thuộc vào những tác động trái chiều của chính sách thuế quan. Trong đó, tác động được cho là có tính chất hỗ trợ là việc Bộ Công Thương vào ngày 21/2/2025 đã công bố thuế chống bán phá giá tạm thời (trong 120 ngày) đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sau quá trình khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024 theo yêu cầu của Hòa Phát và Formosa.

Theo Chứng khoán SHS, quyết định này sẽ giúp Hòa Phát tăng sức cạnh tranh đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm công ty sắp vận hành Dung Quất 2.

Ngoài ra, một thông tin hỗ trợ khác với Hòa Phát là vào ngày 7/4, Tổng cục thương mại và an ninh kinh tế thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Ai Cập và Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo này, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được EC áp dụng đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam cụ thể như sau: Formosa Hà Tĩnh (12,1%), Hòa Phát Dung Quất (0%), các nhà xuất khẩu khác từ Việt Nam (12,1%). Như vậy, Hòa Phát một mình “thoát nạn”, đưa mức thuế chống bán phá giá tạm thời được EC áp dụng đối với thép cuộn cán nóng về 0%.

Trước đó vào tháng 3, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép nhập khẩu từ 12/3/2025 và xóa bỏ toàn bộ những ngoại lệ trước đó, Hòa Phát và một số doanh nghiệp thép Việt Nam cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi. Bởi thép Việt Nam kể từ năm 2018 đã chịu thuế 25% khi xuất khẩu sang Mỹ theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại. Cho nên quyết định mới có khả năng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn giữa thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát với các quốc gia khác vốn được hưởng ngoại lệ với mức thuế thấp hơn như Mexico, Canada, Hàn Quốc, Brazil, EU tại thị trường này.

Trong báo cáo mới đây của MBS Research, công ty chứng khoán này nhận định Hòa Phát gần như không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng 46% có thể có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày 10/9 của Mỹ do sản phẩm xuất khẩu chủ lực là thép xây dựng và HRC vốn đã bị áp thuế từ 33-36% – cao hơn mức thuế mới. Thêm vào đó, Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát, nên dư địa rủi ro là không đáng kể.

Còn theo thống kê sơ bộ của Dragon Capital, xuất khẩu thép của Hòa Phát sang Mỹ năm 2024 chỉ chiếm trên 8% tổng doanh thu, tương ứng 11.200 tỷ đồng, nên khả năng bị ảnh hưởng không lớn.

Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm hơn 8% tổng doanh của Hòa Phát trong năm 2024 - Nguồn: Dragon Capital

Dù vậy, sản phẩm tôn mạ của Hòa Phát xuất sang thị trường Mỹ có khả năng chịu ảnh hưởng khi ngày 4/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả điều tra ban đầu, tỷ lệ bán phá giá các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam lên đến 88,12%, trong đó, Công ty Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) có tỷ lệ bán phá giá ở mức 49,42%.

Chứng khoán SHS cho rằng, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác chịu tác động từ chính sách thuế mới đây của Mỹ với thép, rủi ro từ việc gia tăng các hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan đối với thép nhập khẩu trên toàn cầu có thể tác động tới hoạt động xuất khẩu thép của Hòa Phát.

Theo dự phóng của SHS, năm 2025, Hòa Phát có thể đạt 155.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 12.591 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11,6% và 4,8% so với năm 2024. Trong khi đó, Chứng khoán KBSV dự báo năm nay, Hòa Phát sẽ đạt doanh thu thuần 165.661 tỷ đồng doanh thu và 16.338 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng tăng 19,3% và 35,9% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng sức bật từ thép đường ray, thép làm tàu cao tốc

Trong lúc xuất hiện những rủi ro với hoạt động xuất khẩu thép, giới phân tích đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất thép với thị phần nội địa lớn sẽ có lợi thế trong việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu trong thời gian tới. Và Hòa Phát với thị phần số 1 trong nước có những lợi thế nhất định để giành thêm thị phần.

Trong dài hạn, lãnh đạo Hòa Phát còn đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng sản lượng tiêu thụ khi đầu tư công được đẩy mạnh, nhất là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo thông tin từ Báo Quảng Ngãi, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực hỗ trợ Hòa Phát hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất.

Phân kỳ 1 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đã được đưa vào hoạt động - Nguồn: HPG

Ngày 10/4 vừa qua, Hòa Phát và Tập đoàn Primetals đã ký kết hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm. Với dây chuyền này, Hòa Phát dự kiến sẽ đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý III/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý IV/2026.

Trước đó, hồi tháng 2, trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, làm việc với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, và đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Với năng lực hiện có, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định: “Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá cả, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới”.

Như vậy, với rất nhiều thông tin và biến động có thể tác động đến kết quả kinh doanh của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng trong năm 2025, dự kiến ĐHĐCĐ tới đây của doanh nghiệp đầu ngành thép sẽ không chỉ thu hút cổ đông của doanh nghiệp mà còn của rất nhiều người trong giới kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Phát trước thềm ĐHĐCĐ: "Thoát hiểm” đòn thuế ở EU, đón tin vui từ thị trường trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO