(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 43) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP (Nghị định số 26) về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin giới thiệu hai trong số những nội dung quan trọng sửa đổi bổ sung sau:
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
Điều 9. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong Nghị định số 26 quy định như sau:
1. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố đối với các đối tượng quản lý, thanh tra và giám sát ngân hàng trên địa bàn theo sự phân công, phân cấp, ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và theo quy định của pháp luật.
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về công tác, nghiệp vụ thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.
2. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có con dấu riêng.
3. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, các Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, các thanh tra viên ngân hàng và công chức khác.
Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ý kiến thống nhất của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phù hợp với Điều 10 Nghị định này; quyết định giải thể Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng.
Nay Nghị định 43 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9 của Nghị định 26 như sau:
“1. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố đối với các đối tượng quản lý, thanh tra và giám sát ngân hàng trên địa bàn theo sự phân công, phân cấp, ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và theo quy định của pháp luật. Riêng Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tương đương Chi cục thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về công tác, nghiệp vụ thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.”
Nội dung, hình thức giám sát ngân hàng
Theo Điều 23 của Nghị định 26, nội dung, hình thức giám sát ngân hàng bao gồm:
1. Nội dung giám sát ngân hàng:
a) Thu thập, tổng hợp và xử lý các tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát; kết hợp giám sát an toàn toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng với giám sát an toàn của từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng;
c) Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, rủi ro mang tính hệ thống; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng hằng năm theo mức độ an toàn;
d) Phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng; các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng;
đ) Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2. Hình thức giám sát ngân hàng:
a) Giám sát ngân hàng được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua giám sát an toàn vĩ mô, giám sát an toàn vi mô và sử dụng các phương pháp, tiêu chuẩn, công cụ giám sát và hệ thống thông tin, báo cáo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định;
b) Giám sát an toàn vi mô là hình thức giám sát an toàn đối với từng đối tượng giám sát riêng lẻ, được thực hiện trên cơ sở hệ thống xếp hạng, đánh giá đối tượng giám sát ngân hàng; hệ thống thông tin, báo cáo phục vụ giám sát an toàn vi mô; các chuẩn mực an toàn; hệ thống quy trình, công cụ, tiêu chuẩn và các kỹ năng phân tích tài chính, hoạt động; đánh giá, giám sát và cảnh báo các loại rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng;
c) Giám sát an toàn vĩ mô là hình thức giám sát an toàn toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu phản ánh mức độ lành mạnh tài chính và an toàn hoạt động; hệ thống thông tin, báo cáo phục vụ phân tích và giám sát an toàn vĩ mô; hệ thống phương pháp, công cụ, quy trình phân tích, giám sát, cảnh báo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về an toàn và ổn định hệ thống.
Nay Nghị định 43 sửa đổi, bổ sung Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Nghị định 26 như sau:
“b) Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; việc thực hiện khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng và biện pháp khắc phục khi bị áp dụng can thiệp sớm theo quy định tại Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng;
c) Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, rủi ro mang tính hệ thống; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hằng năm theo mức độ an toàn”.
(Theo Nghị định số 43/2019/NĐ-CP của Chính phủ)