Hoạt động kiểm soát nội bộ của ngân hàng Việt Nam

23/01/2019 17:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hoạt động kiểm soát đối với hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo những nội dung gì?

Hoạt động kiểm soát đối với hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 15 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 Hoạt động cấp tín dụng phải được kiểm soát xung đột lợi ích theo nguyên tắc cá nhân, bộ phận có chức năng thẩm định tín dụng độc lập với cá nhân, bộ phận có chức năng: a) Quan hệ khách hàng; b) Thẩm định lại (nếu có); c) Phê duyệt quyết định cấp tín dụng; d) Kiểm soát hạn mức rủi ro tín dụng; quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề; trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng.

Khẩu vị rủi ro là gì?

Khẩu vị rủi ro là mức độ rủi ro mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, được thể hiện bằng các tỷ lệ và chỉ tiêu quy định,  bao gồm: (i) Tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu; (ii) Chỉ tiêu về thu nhập: Tỷ suất giữa lợi nhuận so với Vốn chủ sở hữu (Returns on Equity - ROE); tỷ suất giữa lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro so với Vốn tự có (Risk Adjusted Returns on Capital - RAROC);(iii) Chỉ tiêu khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Kiểm tra sức chịu đựng là việc đánh giá mức độ tác động của biến động, thay đổi bất lợi đối với tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản trong các kịch bản khác nhau để xác định khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đảm bảo: a) Kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản định kỳ tối thiểu 06 tháng một lần và đột xuất; b) Kiểm tra sức chịu đựng về vốn định kỳ hằng năm và đột xuất.

Kiểm tra sức chịu đựng được thực hiện như sau: a) Lập tối thiểu 2 kịch bản là kịch bản hoạt động bình thường (bussiness as usual scenario) và kịch bản có diễn biến bất lợi (stress scenario) trong kỳ kiểm tra sức chịu đựng tiếp theo. Các kịch bản được lựa chọn phải đảm bảo khả năng xảy ra trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô; b) Tính toán tác động của các giả định đối với thanh khoản, tỷ lệ an toàn vốn trong từng kịch bản; c) Lập báo cáo kết quả kiểm tra sức chịu đựng (bao gồm số liệu định lượng và các phân tích, đánh giá định tính).

Căn cứ kết quả kiểm tra sức chịu đựng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải: a) Đánh giá tình hình tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, các hạn chế khác để bảo đảm an toàn trọng hoạt động theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; b) Lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản; c) Tính toán vốn kinh tế trong kịch bản có diễn biến bất lợi để xác định vốn mục tiêu.

SBV
(Theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kiểm soát nội bộ của ngân hàng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO