Hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp

TS. Nguyễn Thị Gấm| 14/11/2019 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết tìm hiểu thực trạng hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động này.

Ngày nhận bài: 25/10/2019 - Ngày biên tập: 28/10/2019 - Ngày duyệt đăng: 30/10/2019

Tóm tắt: Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại (NHTM) là việc mua bán và sáp nhập (M&A). Qua đó phát huy và tận dụng các cơ hội tạo nguồn lực lớn hơn về vốn, công nghệ, nhân sự và thị phần, đồng thời hạn chế những khó khăn về thanh khoản nợ xấu cũng như các hạn chế, tồn tại khác. Thực tiễn hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam diễn ra ngày càng sôi động, tuy nhiên bên cạnh cơ hội, hoạt động này cũng đối mặt không ít những thách thức. 

Bài viết tìm hiểu thực trạng hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động này.

Từ khóa: mua bán và sáp nhập, M&A, ngân hàng thương mại

MERGERS AND ACQUISITIONS IN BANKING IN VIETNAM - CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Abstract: One of the most effective measures in restructuring commercial banks is the mergers and acquisitions (M&A), thereby promoting and taking advantage of opportunities to create greater resources in capital, technology, personnel and market share, while limiting difficulties of bad debt liquidity as well as other limitations and shortcomings. The reality of banking M&A activities in Vietnam is getting more and more exciting, but besides opportunities, this activity also faces with challenges.

The article explores the current status of banking M&A activities in Vietnam and suggests some solutions to develop this activity.

Key words: mergers and acquisitions, M&A, commercial banks

Ngân hàng thương mại (NHTM) đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm gắn với sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Sự phát triển của hệ thống NHTM có tác động rất lớn, quyết định đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Vai trò của NHTM không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, NHTM liên tục tái cơ cấu và cấu trúc lại hoạt động của mình, đó là việc làm thường xuyên và liên tục.

Lợi ích và khó khăn của hoạt động M&A ngân hàng

Thuật ngữ Mua bán và sáp nhập  (Merger and Acquisitions) xuất hiện nhiều trong các tài liệu trong nước và quốc tế, có rất nhiều tên gọi khi dịch ra tiếng Việt như “mua bán và sáp nhập”, “sáp nhập và mua lại”, “mua lại và sáp nhập”, hay “thâu tóm và hợp nhất”. Các thuật ngữ “mua bán” và “sáp nhập” thường không có sự phân biệt rõ ràng về nội hàm và thường được sử dụng thay thế lẫn nhau.

Mua bán, mua lại hay thâu tóm (Acquisitions), theo từ điển Investopedia, là hoạt động thông qua đó các ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận kinh tế nhờ quy mô, hiệu quả và khả năng chiếm lĩnh thị trường. Các ngân hàng thâu tóm sẽ mua ngân hàng mục tiêu, không có sự thay đổi về chứng khoán hoặc sự hợp nhất thành ngân hàng mới. Theo David L.Scott (2003), mua lại có thể là việc mua một bộ phận hay thậm chí toàn bộ ngân hàng. Một ví dụ điển hình của hoạt động mua lại đó là tháng 1/2009, Tập đoàn Bank of America mua lại Ngân hàng Meril Lynch. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước mua lại 100% cổ phần của ba ngân hàng để tái cơ cấu là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Xây dựng (CBBank).

Sáp nhập (Mergers), theo từ điển Investopedia là sự kết hợp của hai hay nhiều ngân hàng để trở thành một ngân hàng lớn hơn, hoặc dưới sự kiểm soát của một ngân hàng. Những hoạt động này thường dựa trên cơ sở tự nguyện và bao gồm việc chuyển đổi hoặc thanh toán bằng tiền mặt cho các ngân hàng mục tiêu; hoặc khi các cổ đông của một hoặc nhiều ngân hàng sáp nhập trao đổi cổ phiếu tự nguyện; hoặc dùng một hoạt động pháp lý để trở thành cổ đông của ngân hàng nhận sáp nhập; hoặc bởi tất cả các cổ đông của ngân hàng mua lại cổ phần của mình trao đổi trên cơ sở tự nguyện hoặc một hoạt động hợp pháp để đổi lấy cổ phần của ngân hàng mới thành lập. Sáp nhập có thể là một sự tiếp quản, nhưng kết quả là việc hình thành một ngân hàng với một tên mới hoặc tên thương mại mới. Một ví dụ điển hình năm 1996, thương vụ trị giá 25 tỷ USD giữa Union Bank sáp nhập với Bank of California để trở thành Union Bank of California.

Cũng như các doanh nghiệp khác, M&A ngân hàng đem lại những lợi ích cho ngân hàng:

(i) Góp phần cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng. Sau M&A, ngân hàng sẽ được tăng nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. Một trong những yêu cầu đặt ra cho đổi mới, tái cơ cấu ngành Ngân hàng Việt Nam là nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thông qua việc tăng vốn điều lệ. Do đó, M&A ngân hàng diễn ra sôi động và đáp ứng nhu cầu cải thiện nguồn vốn kinh doanh.

(ii) Giúp ngân hàng đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi ngân hàng có thêm công nghệ mới, có thêm nguồn nhân lực từ giao dịch hay có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động, chi nhánh, phòng giao dịch… Bên cạnh đó, quy mô lớn giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lắp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý. Sau khi thực hiện M&A, các bên trong giao dịch cũng có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Tuy nhiên, hoạt động M&A ngân hàng còn vấp một số khó khăn, đầu tiên có thể kể đến đó là việc tìm kiếm đối tác. Mặc dù Chính phủ khuyến khích các ngân hàng tiến hành M&A nhưng không phải ngân hàng nào cũng “may mắn” tìm kiếm được đối tác phù hợp để sáp nhập. Thực tế còn có ngân hàng không thiện chí khi cung cấp thông tin tài chính cho đối tác. Điều này làm cản trở quá trình thực hiện giao dịch.

Khó khăn tiếp theo đó là sự xáo trộn, những bất ổn về nhân sự trước, trong và sau quá trình M&A ngân hàng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Thực trạng hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam

Ở Việt Nam, hoạt động M&A được quan tâm kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời và trở nên sôi động hơn trong những năm gần đây với sự phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Các giao dịch M&A năm sau gấp 5-6 lần năm trước về tổng giá trị và gấp 2-3 lần về số lượng. Hoạt động M&A ngân hàng có thể phân ra thành các giai đoạn, cụ thể:

(1) Giai đoạn từ năm 1986 đến trước năm 2005

Đây là giai đoạn sơ khai của hoạt động M&A tại Việt Nam khi khung pháp lý cho hoạt động này chưa có. Ở giai đoạn này, hoạt động M&A ngân hàng diễn ra rất ít và mang tính bắt buộc nhiều hơn tự nguyện, chủ yếu thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM theo Đề án “Chấn chỉnh và sắp xếp lại các NHTM cổ phần Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 212/1999/QĐ-TTg ngày 29/10/1999 và Quyết định số 241/1998/QĐ-NHNN5 ngày 15/7/1998 của NHNN về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng (TCTD) cổ phần Việt Nam. Có thể lấy Ngân hàng TMCP Phương Nam là ví dụ điển hình về hoạt động M&A thời kỳ này,  cụ thể: năm 1999, Ngân hàng TMCP Phương Nam tiếp tục sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Nam (trước đó vào năm 1997, Ngân hàng TMCP Phương Nam tiến hành sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp); năm 2001 sáp nhập với Ngân hàng Châu Phú; năm 2002 mua lại Quỹ Tín dụng Định Công (Hà Nội); năm 2003 sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nông thôn Cái Sắn (Cần Thơ). Nếu như trước khi sáp nhập, Ngân hàng TMCP Phương Nam chỉ có 1 Hội sở chính và 1 chi nhánh thì sau sáp nhập, ngân hàng này có hệ thống mạng lưới phát triển mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Thuận, với 32 đơn vị: 1 sở giao dịch, 29 chi nhánh các loại, 1 phòng giao dịch, 1 công ty quản lý quỹ và khai thác tài sản.

(2) Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2011

Đây có thể coi là giai đoạn hình thành thị trường M&A tại Việt Nam. Dấu mốc quan trọng của giai đoạn này là việc các văn bản pháp lý quan trọng như: Luật Cạnh tranh (2005); Luật Doanh nghiệp (2005); Luật Đầu tư (2005); Luật Chứng khoán (2006) được ban hành tạo khuôn khổ pháp lý cho việc mua bán, chuyển nhượng vốn góp, đặc biệt với Quyết định 1577/QĐ-NHNN ngày 09/8/2006 của NHNN về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP nông thôn, cùng với sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào 7/11/2006, hoạt động M&A ngân hàng mới thực sự diễn ra tại Việt Nam.

M&A ngân hàng giai đoạn này diễn ra nhằm chỉnh sửa mô hình Ngân hàng TMCP cho đúng quy định của Luật các TCTD, tạo điều kiện để các ngân hàng được hoạt động trong một “sân chơi” bình đẳng, tránh tình trạng chia cắt thị trường bằng các quy định hành chính; Giảm bớt số lượng các NHTM cổ phần nhỏ, từng bước hình thành những ngân hàng có tiềm lực vốn lớn, công nghệ hiện đại, có đủ năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đó là nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam.

Các hình thức chủ yếu M&A ngân hàng giai đoạn này: Ngân hàng trong nước bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, tập đoàn nước ngoài; hoặc các NHTM cổ phần trong nước mua, bán cổ phần lẫn nhau; tuy nhiên chưa có trường hợp nào ngân hàng của Việt Nam mua lại ngân hàng nước ngoài.

Cùng với quá trình tái cơ cấu, ngành Ngân hàng có một số thương vụ lớn như SCB được hợp nhất từ ba Ngân hàng TMCP: Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa.

Ngoài ra, M&A chính thức trở thành kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn của Nhật Bản đóng góp đến 2,5 tỷ USD vào M&A ngân hàng tại Việt Nam. Tiêu biểu là thương vụ Vietcombank phát hành 15% cổ phần cho Mizuho; Bảo Việt và NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng là điểm đến của Sumitomo Life và UFJ Mishubishi Bank. Hay Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đến tháng 6/2007 ký thỏa thuận bán 500 tỷ đồng vốn điều lệ cho 16 đối tác chiến lược là các tập đoàn kinh doanh có uy tín trong nước, giá bán gấp 8 lần mệnh giá, tương đương 4.000 tỷ đồng. Tháng 8/2007, ngân hàng này tiếp tục bán 25% cổ phần cho 4 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (15%), nhà đầu tư VOF Investment Limited - British Virgin Island (5%), Mirae Asset Hàn Quốc (4,5%), Mirae Asset Maps (0,5%) với giá bán 6,43% lần mệnh giá cổ phiếu Eximbank, thu về gần 400 triệu USD. Qua đây, Eximbank vừa tăng sức mạnh về năng lực tài chính, vừa tiếp nhận cách thức quản trị điều hành, công nghệ ngân hàng hiện đại, vừa có thể nâng cao sức cạnh tranh trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại (thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, kiều hối...), trở thành một trong những NHTM cổ phần lớn tại Việt Nam lúc bấy giờ.

(3) Giai đoạn từ năm 2012 đến nay

Giai đoạn này chứng kiến sự phục hồi hoạt động M&A. Khung pháp lý cho hoạt động này tiếp tục được cải thiện nhờ việc sửa đổi một số Luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bất động sản. Quy định nới “room” cho khối ngoại (Nghị định số 60/2015/NĐ-CP) góp phần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp nội.

Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015”. Đây được xem là một nỗ lực về mặt pháp lý sớm nhất và quan trọng nhất trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tạo hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một lộ trình cho đến năm 2015. Theo đó, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các TCTD có quy mô lớn hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng thì hệ thống các TCTD cũng cần phải được củng cố và phát triển để có đủ khả năng tận dụng cơ hội phát triển mới và đối phó với những thách thức, “cú sốc” từ bên ngoài, chẳng hạn khủng hoảng, biến động bất lợi của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế.

M&A ngân hàng giai đoạn này diễn ra theo hướng “tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng” như đã được đề cập trong Quyết định 254/QĐ-TTg và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc M&A các TCTD trong tương lai.

Một số thương vụ M&A tiêu biểu trong giai đoạn này là Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank), Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP  Phát triển TP. HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) được hợp nhất từ Công ty CP Tài chính Dầu khí (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Hoạt động M&A gắn với hoạt động tái cơ cấu ngân hàng. Trong số 9 ngân hàng TMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại (1 ngân hàng đang trong quá trình đàm phán giai đoạn cuối cùng với một ngân hàng nước ngoài). Một số ngân hàng TMCP yếu kém xác định trong năm 2013 được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được NHNN chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN. Đến nay, hầu hết các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại. NHNN đã kiểm soát được tình hình của các Ngân hàng TMCP yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, TCTD tiếp tục hoạt động hiệu quả đóng góp vào thành công chung của ngành Ngân hàng.

Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa ngân hàng. Việc Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng tạo ra nhiều room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán phát triển khả quan. Thủ tục hành chính trong khâu phê duyệt cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp cũng ngày càng cải thiện; Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh… Tất cả các yếu tố này sẽ khiến hoạt động M&A ngân hàng sôi động hơn. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng Việt Nam. Hàng chục nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ được nhà đầu tư nước ngoài đổ vào các ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2019-2020. Việc đàm phán nhiều thương vụ đang diễn ra thuận lợi. Sau khi bán thành công 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng cuối năm 2018, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần đến năm 2020. Lộ trình này đã được Vietcombank thông qua. Một ngân hàng lớn khác là BIDV đã chốt văn kiện giao dịch cho Keb HanaBank với tổng giá trị giao dịch hơn 20.295 tỷ đồng.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị G20, đại diện Ngân hàng J.Trust cho biết, họ đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN Việt Nam. Họ kỳ vọng sẽ cải tổ được CBBank đưa ngân hàng này lấy lại vị thế trước đây. Không chỉ J.Trust, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Công ty Srisawad Corporation (Thái Lan), Tập đoàn Clermont (Singapore)… mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, có nhiều yếu tố khiến ngân hàng yếu kém có thể “đắt hàng” thời gian tới là do kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, chỉ số tài chính của các ngân hàng đang tốt lên. Ngoài ra, Chính phủ đã tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020 nhằm tập trung xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém trong nước và tích cực kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài các ngân hàng yếu kém hay các ngân hàng lớn kể trên, nhiều ngân hàng TMCP khác cũng đang lộ trình tìm đối tác nước ngoài như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…

Tại Việt Nam, những năm gần đây, hoạt động M&A ngân hàng đã và đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với lĩnh vực này. Có thể kể đến:

Một là, các quy định về hoạt động M&A ngân hàng được quy định tại nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chưa có hệ thống chi tiết. Điều này làm cho các ngân hàng tham gia hoạt động M&A gặp khó khăn trong việc thực hiện, vừa làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát hoạt động M&A ngân hàng.

Hai là, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước còn ở mức cao, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh. Thêm nữa, việc định giá cao trong một số trường hợp; tình trạng báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch gây ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại trong hoạt động M&A.

Ba là, các ngân hàng tham gia hoạt động M&A còn thiếu kỹ năng, kiến thức đầy đủ về M&A. Công tác truyền thông nhận biết cho cộng đồng về hoạt động M&A còn yếu. Thông tin liên quan đến các thương vụ này chưa được công bố rộng rãi và đầy đủ nên rất khó khăn để các bên liên quan tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm.

Giải pháp phát triển hoạt động M&A ngân hàng

Để hoạt động M&A ngân hàng phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý điều chỉnh hoạt động M&A ngân hàng. Hiện nay, một trong những vấn đề gây nhiều vướng mắc cho hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam là hành lang pháp lý, bởi thiếu một khung pháp lý chuẩn là cơ sở xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch. Hiện nay, các quy định về M&A nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy định chung, chưa có hệ thống chi tiết.

Hệ thống pháp lý cần có quy định chi tiết để điều chỉnh trên cả hai phương diện: (i) các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia… (ii) các tình huống xử lý tài chính, nhân lực và các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện các thương vụ M&A ngân hàng.

Thứ hai, cung cấp, cập nhật kiến thức về hoạt động M&A để ngân hàng nhận thức rõ được điểm mạnh, điểm yếu của mình trong thời kỳ hội nhập. Các bên cần suy nghĩ theo mô hình hợp tác phát triển và cùng có lợi khi đàm phán, thương thảo các thương vụ M&A ngân hàng.

Thứ ba, nâng cao trình độ của các nhà quản trị, đội ngũ nhân sự, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu… để trở thành nhà thiết lập thị trường M&A ngân hàng cho bên mua và bên bán gặp nhau được thuận tiện cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho các bên.

Có thể nói, cùng với quá trình đổi mới và tái cấu trúc nền kinh tế, hoạt động M&A ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua con đường này. Bức tranh M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới sẽ rất đa dạng, không chỉ mua bán, sáp nhập mà còn xuất ngoại bán vốn, như hình thức phát hành trái phiếu quốc tế mà VPBank, SHB, TPBank, SeABank… đã, đang và sẽ triển khai thực hiện. Tất nhiên, để gọi được vốn thành công trên sàn quốc tế, có rất nhiều việc cần làm, trong đó có việc ngân hàng phải được các tổ chức uy tín xếp hạng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO