Nhìn lại và đánh giá hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm 2023, để có những giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, là cần thiết khách quan.
Nhìn từ góc độ quản lý, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm gắn liền với một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, quy mô tín dụng đạt: 3.331 nghìn tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ này các năm 2022; năm 2021 và năm 2019, tương đương mức tăng trưởng cùng kỳ của năm 2020.
Thứ hai, cơ cấu tín dụng giữa VND và ngoại tệ tiếp tục duy trì và diễn biến theo định hướng điều hành của ngân hàng trung ươnh (NHTW) về tín dụng ngoại tệ; về lãi suất và tỷ giá, đặc biệt là yêu cầu về chống đô la hóa và đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối. Theo đó, tín dụng VND chiếm 94,7% và tín dụng ngoại tệ chiếm 5,3% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Thứ ba, tín dụng ngắn hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng trung, dài hạn. Theo đó tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, trong khi đó tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn nợ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng, phù hợp với cơ cấu lãi suất trong mối liên hệ giữa lãi suất tiền gửi ngắn hạn, trung dài hạn và lãi suất cho vay ngắn hạn; cho vay trung dài hạn cũng như định hướng điều hành lãi suất của NHNN trong 8 tháng đầu năm.
Thứ tư, tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được tổ chức thực hiện gắn liền với chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn; và chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Theo đó, đến nay dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 188 nghìn tỷ đồng, cho 17.827 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã với lãi suất vay không quá mức quy định (hiện nay là 4%/năm).
Thứ năm, điểm nổi bật của hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 8 tháng đầu năm là gắn liền với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách về lãi suất; về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; về hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Theo đó dư nợ cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đạt trên 34.000 tỷ đồng, cho trên 25.000 khách hàng vay vốn; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt: 20.954 tỷ đồng cho 350 khách hàng thuộc các lĩnh vực hàng không; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây nhà ở xã hội; giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, với doanh số đạt gần 100% so với gói tín dụng được các TCTD đăng ký theo kế hoạch năm của Chương trình.
Như vậy, nhìn ở góc độ thực hiện nhiệm vụ và vai trò tín dụng đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm diễn biến theo tình hình kinh tế xã hội thành phố, sự phát triển sản xuất kinh doanh và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Trong đó, khó khăn thị trường hàng hóa; tiêu thụ và xuất khẩu và thị trường bất động sản có tác động nhất định. Tuy nhiên, những điểm tích cực đã bắt đầu xuất hiện: chính sách phát huy tác dụng và tín dụng tăng trở lại trong tháng 8/2023; một số ngành lĩnh vực phục hồi và tăng trưởng, cùng với yếu tố thời vụ của dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch… sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm.
Mặc dù có sự khác nhau về mức độ, điều kiện và bối cảnh, song tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2023 cũng thấp như cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên kết thúc năm 2020 tín dụng tăng tới 10,35%. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng các tháng còn lại của năm thường là rất cao. Do đó, để yếu tố này và động lực này được thực hiện hóa, nhằm thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ năm, ngành Ngân hàng thành phố cần tiếp tục tập trung những giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chấp hành và tuân thủ nghiêm quy định của NHTW trong hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ, đảm bảo chính sách tiền tệ tín dụng của NHTW phát huy tác dụng, đặc biệt là chính sách lãi suất, tỷ giá và tín dụng.
Hai là, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp nhằm khai thác sự khác biệt và ý nghĩa của chương trình mang lại: đó là hành động cụ thể, thiết thực gắn với chính sách giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất thấp để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho doanh nghiệp để thực hiện kế hoạch kinh doanh cuối năm.
Ba là, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn dịch vụ gắn với cải cách hành chính, và thực hiện những đổi mới về quy trình, thủ tục cho vay, với mức độ ứng dụng công nghệ ngày càng cao; khai thác hình thức cho vay tiêu dùng bằng phương tiện điện tử…. từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp về phí, về chi phí và thời gian giao dịch, thời gian xử lý thủ tục.
Bốn là, mỗi cán bộ nhân viên của ngành ngân hàng thành phố cần phát huy tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó không chỉ là trách nhiệm thực thi mà còn là trách nhiệm xã hội, với tinh thần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ và củng cố quan hệ ngân hàng – khách hàng để đồng hành vượt qua khó khăn, tăng trưởng và phát triển.