Học tập và làm theo Bác phải thiết thực, hằng ngày, suốt đời, cả việc lớn và việc nhỏ

PGS.TS Bùi Đình Phong| 24/05/2021 17:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một kết luận quan trọng giúp toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nhìn lại kết quả cũng như hạn chế, tồn tại sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ cần phải thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chúng đã biết, trong công cuộc đổi mới, theo tinh thần Đại hội IX (4-2001), Bộ Chính trị có Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27/3/2003 về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”. Năm 2006, thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 12 khóa IX, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo tinh thần Đại hội XI (1-2011), Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực hiện Chỉ thị 05 có các chủ đề sau. Chủ đề năm 2016: “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chủ đề năm 2017: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Chủ đề năm 2018: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chủ đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chủ đề năm 2020: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Như vậy, Chỉ thị 05 chứa đựng nội dung lớn hơn các chỉ thị trước đó rất nhiều. Mặt khác, cách tiếp cận của Chỉ thị 05 cũng có những điểm mới rất đáng quan tâm. Chỉ thị 06 bắt đầu “tổ chức cuộc vận động”, đến Chỉ thị 03 là “tiếp tục đẩy mạnh”. Cả hai chỉ thị đó mới dừng lại ở học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị 06 và Chỉ thị 03 đều thực hiện trong từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng X và XI.

Nhận thức và cách tiếp cận của Chỉ thị 05 có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, bàn thẳng trực tiếp “đẩy mạnh học tập và làm theo”, không dừng lại ở “tổ chức cuộc vận động” hay “tiếp tục đẩy mạnh”.

Thứ hai, nội dung không chỉ học tập và làm theo đạo đức, mà cả tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh. Có thể coi nội dung Chỉ thị 05 là một tập đại thành trong nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, di sản Hồ Chí Minh. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh; nhờ sức dân, trí, dân, lòng dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ ba, Chỉ thị 05 không giới hạn trong một nhiệm kỳ Đại hội Đảng, mà là một chỉ thị “mở” để tiếp tục học tập và làm theo Bác.

Thứ tư, Chỉ thị 05 đề cập trong học tập và làm theo Bác là “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau” là muốn nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Nhìn lại một số vấn đề cốt yếu từ Chỉ thị 06 đến Chỉ thị 03 và những điểm mới trong Chỉ thị 05 để nhận thức sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn rằng Kết luận của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, rất cần thiết. Kết luận không chỉ có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về nội dung, chỉ ra cái được và cái chưa được trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, mà điều quan trọng hơn, quan trọng nhất là sắp tới mỗi cán bộ, đảng viên phải làm gì. Đánh giá thực trạng là cần thiết, nhưng đó chỉ là cơ sở để thực hiện trong hiện tại và tương lai. Nhận thức đó có ý nghĩa chung khi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào công cuộc đổi mới. Nó có ý nghĩa cụ thể, rất thiết thực khi bàn về Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị.

Trong phần đánh giá những việc làm được, Kết luận của Bộ Chính trị đặt lên hàng đầu sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trên hai phương diện chủ yếu thể hiện qua cách làm mới, sáng tạo, thiết thực và gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII. Vì vậy, kết quả là khá toàn diện, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội.

Nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời và có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nên việc thực hiện Chỉ thị 05 từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Đúng như hai từ “đẩy mạnh” trong Chỉ thị 05, việc thực hiện Chỉ thị 5 năm qua như một “sức bật nội sinh” tự giác, không còn phải “vận động”. Chính vì vậy, việc thực hiện Chỉ thị 05 không đơn thuần hay tách bạch là học để hiểu về Bác, mà thật sự đã có sự đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó cho thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn rất chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, thấm nhuần lời dạy của Bác “học đi đôi với hành”, lý luận phải gắn với thực tế.

Kết luận của Bộ Chính trị đánh giá cao việc thực hiện Chỉ thị 05 đã thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

Tóm lại về ưu điểm, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, chúng ta đạt được cả hai mặt “xây” và “chống”. Cái “xây” lớn nhất là góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng đề ra, góp phần vào thành công Đại hội XIII, của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Về “chống” là chúng ta đã kiềm chế và ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Kết luận của Bộ Chính trị chỉ ra một số hạn chế trên các mặt như trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thường xuyên, thậm chí có những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Việc thực hiện Chỉ thị 05 chưa gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, giải quyết các khâu đột phá, cấp bách. Khen thưởng, kỷ luật chưa thật sự có sức thuyết phục. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái còn bị động, chưa có kết quả cao. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.

Hạn chế có tính chất chi phối là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế; một số người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm nêu gương, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

Trên cơ sở đánh giá ưu điểm, hạn chế, Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện bảy nhiệm vụ, có thể chia thành ba nhóm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, nâng cao nhận thức nội dung, giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc vận dụng và phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới. Làm tốt điều này giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn quan điểm chỉ đạo đầu tiên của Đại hội XIII là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Điều quan trọng nhất là phải nhận thức đúng đắn rằng tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Trong học phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức học tập.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa “học tập” với “làm theo” theo quan điểm của Bác là trong học có làm, trong làm có học. Trong “làm theo”, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chú ý rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao trách nhiệm nêu gương theo lời Bác “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. “Xây” cái đúng, cái tốt, cái đẹp, tập trung vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. “Chống” cái sai, cái ác, cái xấu, tập trung vào chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện. Phải quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, “không kiểm tra coi như không lãnh đạo”, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 nghiêm túc, hiệu quả, thực chất. Kiểm tra gắn với khen thưởng, xử lý kỷ luật.

Quán triệt, thực hiện tốt Kết luận của Bộ Chính trị là một trong những cách tốt nhất góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học tập và làm theo Bác phải thiết thực, hằng ngày, suốt đời, cả việc lớn và việc nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO