(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 (25th M-ATM) diễn ra ngày 19/1 tại Sihanoukville (Campuchia). Hội nghị do Campuchia làm Chủ tịch và Indonesia làm Phó Chủ tịch.

Với chủ đề “ASEAN - Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung”, Hội nghị tập trung thảo luận vào sự phát triển của ngành Du lịch kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Tại Hội nghị, các thông tin về tác động của COVID-19 đối với các nước thành viên ASEAN đã được chia sẻ và trao đổi quan điểm về con đường phía trước để phục hồi sau tác động do cuộc khủng hoảng về y tế này. Trong nửa đầu năm 2021, ngành Du lịch tiếp tục bị thiệt hại về thu nhập từ du lịch nhưng với tỉ lệ tiêm chủng tăng cao, các quốc gia thành viên ASEAN đã tạo điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa.

Bất chấp những thách thức đặt ra trong năm 2021, các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN (NTOs), các ủy ban và các nhóm công tác đã thể hiện vai trò dẫn dắt, đảm bảo Kế hoạch Chiến lược về Du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn 2016 - 2025 và các văn bản chủ yếu khác được thực hiện theo mốc thời gian đã điều chỉnh.

Các Bộ trưởng Du lịch ASEAN thể hiện quyết tâm khôi phục du lịch và thắt chặt tình đoàn kết trong Khối

Các Bộ trưởng vui mừng ghi nhận ngành Du lịch đã nhanh chóng thích ứng với các yêu cầu trong mô hình mới để đảm bảo rằng ngành Du lịch ASEAN không chỉ sẵn sàng mở cửa trở lại mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và linh hoạt hơn trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trong đó, có thể thấy tầm quan trọng của việc xúc tiến thực hiện Kế hoạch phục hồi sau COVID-19 cho du lịch ASEAN, được thông qua vào tháng 9/2021. Các Bộ trưởng khuyến khích các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN và các cơ quan trực thuộc tiếp tục củng cố hợp tác, phối hợp với tất cả các bên liên quan bao gồm cả cơ quan chuyên ngành ASEAN khác, khu vực tư nhân, các bên đối thoại ASEAN, các bên đối thoại theo ngành, các đối tác phát triển của ASEAN và cộng đồng để triển khai phục hồi ngành Du lịch một cách toàn diện hơn.

Việc mở cửa trở lại du lịch ASEAN phù hợp với các chính sách và quy định hiện hành về du lịch của từng nước thành viên ASEAN và tình hình COVID-19, tuân theo các quy định về sức khỏe, ưu tiên phúc lợi của công dân và khách du lịch ASEAN, và thích ứng với Cuộc sống “bình thường mới” trong kỷ nguyên hậu COVID-19.

Hội nghị nhấn mạnh sự tập trung đặc biệt vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong lĩnh vực du lịch và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng nhằm tăng cường việc làm cho cộng đồng địa phương, đặc biệt cho phụ nữ, thanh niên cộng đồng địa phương, thiểu số cũng như các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, cần sự cần thiết phải tận dụng lợi thế của công nghệ kỹ thuật số để nâng cao hơn nữa năng lực và khả năng của nhân viên du lịch thông qua việc đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho họ với những kiến thức và yêu cầu cập nhật.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh: “Trước bối cảnh một số biến chủng mới của COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực, tôi kêu gọi các Bộ trưởng, Trưởng đoàn Du lịch ASEAN cùng nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi thông tin để chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh và an toàn y tế, đảm bảo điều kiện an toàn và đồng bộ nhất cho hoạt động du lịch trong khu vực. Đồng thời, cùng phối hợp với nhau thúc đẩy việc mở cửa và quảng bá du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp, tùy theo điều kiện của mỗi nước. Với những nỗ lực chúng ta đã thực hiện trong hai năm vừa qua, tôi tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch ASEAN trong năm 2022”.

Hội nghị nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác liên ngành trên tất cả các trụ cột của Cộng đồng ASEAN để triển khai hiệu quả và toàn diện các chương trình; đồng thời hành động phục hồi cũng như hài hòa hóa các chính sách và hướng dẫn nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế và kích thích tăng trưởng. Các Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN đóng góp hơn nữa vào việc thực hiện Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Kế hoạch thực hiện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Hướng dẫn ASEAN về vệ sinh và an toàn cho người lao động và cộng đồng trong ngành Du lịch đã được thông qua, bao gồm 8 lĩnh vực về du lịch và liên quan đến du lịch. Cụ thể là: lưu trú, nhà hàng, cơ sở vật chất, spa và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái/du lịch cộng đồng, du lịch và điều hành tour du lịch, công viên giải trí và trung tâm hội nghị. 

Hội nghị cũng tán thành con dấu du lịch an toàn đã được phát triển để sử dụng cho các doanh nghiệp trong ngành Du lịch nhằm quảng bá như một điểm đến an toàn cho du khách. Khuyến khích các nước thành viên ASEAN xây dựng chính sách và quy định rõ ràng để thực hiện rộng rãi. Hướng dẫn và áp dụng con dấu du lịch an toàn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ASEAN như một điểm đến du lịch ưa thích. Tiêu chuẩn Du lịch Cộng đồng ASEAN (ACCSTP) phiên bản 2 đã được Hội nghị thông qua và khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét áp dụng Tiêu chuẩn cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm cung cấp sự nhất quán và chất lượng tiêu chuẩn cho khách du lịch.

Cuộc họp đã thông qua Hướng dẫn về Thừa nhận trước học tập (RPL) cho người lao động du lịch ASEAN và khuyến khích các nước thành viên ASEAN áp dụng cơ chế RPL nếu thích hợp để tăng số lượng các người lao động du lịch được chứng nhận theo mục tiêu của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN.

Hội nghị Các Bộ trưởng cũng ghi nhận sự phát triển của Thỏa thuận Hành lang Du lịch ASEAN (ATCAF), đồng thời mong muốn ATCAF đi vào hoạt động sau khi được Hội nghị lần thứ 29 của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) thông qua. Việc vận hành ATCAF sẽ đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho việc mở rộng ra ngoài các doanh nghiệp du lịch thiết yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO