Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 trực tuyến bất thường bàn giải pháp đối phó với tác động của đại dịch Covid-19

HTQT| 25/03/2020 19:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 23/3/2020, tại Ả-rập Xê-út, nước Chủ tịch G20 năm 2020 đã triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 trực tuyến bất thường để bàn về tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu và sự phối hợp hành động giữa các quốc gia và các tổ chức để vượt qua những thách thức này. Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách khách mời đại diện cho ASEAN.

Ảnh: g20.org

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang xấu đi nghiêm trọng kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hồi tháng 02/2020 và việc đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã và đang tác động tiêu cực tới các yếu tố ở cả phía cung và phía cầu. Nhiều nước đã và đang triển khai các giải pháp quyết liệt về tài khóa và tiền tệ để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch tới nền kinh tế, trong đó, chính sách tài khóa tập trung vào các giải pháp kích thích kinh tế, và chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo thanh khoản hệ thống.

Về phần các tổ chức quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sẵn sàng hỗ trợ các nước gặp khó khăn về cán cân thanh toán dưới tác động của đại dịch từ nguồn lực cho vay có quy mô 01 nghìn tỉ USD của Quỹ. Cùng với đó, IMF cũng sẵn sàng triển khai các công cụ hỗ trợ tài chính khẩn cấp, đồng thời tiến hành theo dõi, đánh giá diễn biến của đại dịch và đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các nước. Bên cạnh đó, IMF khuyến khích Ngân hàng Trung ương các nước thành viên thực hiện hoán đổi tiền tệ song phương, đặc biệt là với các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho biết tổ chức này đã thông qua gói giải pháp trị giá 14 tỉ USD để ứng phó với Covid-19. Theo đó, 8 tỉ USD sẽ được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dành để hỗ trợ nhanh cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, 6 tỉ USD còn lại sẽ được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) sử dụng hỗ trợ hệ thống y tế các nước. Đồng thời, WB và IMF cũng đang phối hợp trong vấn đề giảm nợ cho những nước thu nhập thấp phải chịu gánh nặng nợ nặng nề. Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng và thị trường tài trợ bằng USD, cũng như bảo đảm chất lượng tài sản thế chấp. Các ngân hàng cần được cho phép sử dụng linh hoạt đệm vốn và thanh khoản để đảm bảo chức năng trung gian tài chính. Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhóm Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế khác để triển khai tất cả các nguồn lực sẵn có và tìm kiếm các biện pháp bổ sung cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giảm bớt căng thẳng thanh khoản cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động G20 nhằm ứng phó với Covid-19. Bên cạnh đó, Hội nghị nhất trí cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của đại dịch Covid-19, tác động của nó tới các điều kiện kinh tế và tài chính, và tiếp tục thực hiện các hành động nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong và sau đại dịch. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành động phối hợp trong việc ứng phó với đại dịch và khẳng định cần tiếp tục phối hợp các nỗ lực trên bình diện song phương và đa phương để xử lý những rủi ro, bất ổn trong vấn đề nợ bắt nguồn từ Covid-19, đặc biệt là tại các nước thu nhập thấp. Đồng thời, Hội nghị cho rằng bên cạnh các hành động ứng phó khẩn cấp, các nước cần đặt ra tầm nhìn cho các hành động trong trung và dài hạn nhằm thúc đẩy phục hồi nhanh chóng nền kinh tế và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng.

(Nguồn: sbv.org.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 trực tuyến bất thường bàn giải pháp đối phó với tác động của đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO