Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam

Anh Lê| 24/01/2022 18:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 24/01/2022, Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) đã diễn ra. Hội nghị do Ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, và Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện cho các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng như các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Đại sứ quán, đối tác phát triển, học viện, tổ chức phi chính phủ, và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam

Hội nghị cấp cao tổng kết những thành tựu và đóng góp tích cực của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam trong suốt hơn 4 năm hoạt động với vai trò là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao kết nối Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển và các bên liên quan nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam. Hội nghị đồng thời giới thiệu năm nhóm công tác kỹ thuật mới bao gồm: Quy hoạch chiến lược ngành điện, Năng lượng Tái tạo, Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện, Hiệu quả Năng lượng và Thị trường Năng lượng.

“Cùng nhau, chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam” - khẩu hiệu mới của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam khẳng định rõ mục tiêu của Nhóm là tiếp tục đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia.

Trong phiên thảo luận chuyên đề cấp cao, đại biểu từ các tổ chức uy tín đã tích cực tham gia trao đổi ý kiến xoay quanh các chủ đề như Quy hoạch điện VIII theo định hướng của Chính phủ về chuyển dịch năng lượng bền vững, cũng như những kết quả, tác động của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đối với định hướng của ngành năng lượng Việt Nam. Nhiều kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cũng được chia sẻ tại cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn về kỹ thuật và đầu tư cho chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII với các nội dung bám sát các định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55, đặc biệt chú trọng những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện, và đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện. Phát biểu về vai trò của VEPG, ông khẳng định: “Trong những năm qua Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế, kết nối sự hỗ trợ quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trong năm 2021, VEPG đã tái cơ cấu các nhóm Công tác kỹ thuật, xác định các chủ đề trọng tâm phù hợp với nhu cầu cấp thiết của quốc gia cũng như tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Cùng với các Bộ, Ban, Ngành và các đối tác trong và ngoài nước, VEPG sẽ hỗ trợ Chính phủ xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết thêm: “Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xây dựng cơ cấu năng lượng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn là một đóng góp quan trọng, không chỉ phục vụ sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Liên minh Châu Âu - cũng như các đối tác phát triển khác có mặt ở đây hôm nay - để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng này, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở cấp địa phương cũng như quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho hoạt động của VEPG và sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng lộ trình tài chính bền vững và lâu dài cho quan hệ đối tác này, bao gồm chiến lược huy động sự đóng góp của các đối tác công, tư và các đối tác phát triển để duy trì hoạt động của VEPG. Tôi tin tưởng rằng với cấu trúc mới, VEPG sẽ tiếp tục là nền tảng hữu ích và độc đáo trong việc điều phối hoạt động đối thoại và các hành động giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu chuyển dịch năng lượng của mình.”

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tuyên bố: “Trong vài thập kỷ qua, ngành năng lượng đã đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng và bao trùm tại Việt Nam. Trong thập kỷ tới, ngành năng lượng cần phát thải ít các-bon hơn và dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguồn nhiên liệu tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất. Và chúng ta sẽ phải làm điều này trong bối cảnh vừa phải duy trì đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng với chi phí hợp lý, đồng thời vẫn đảm bảo được sự ổn định về tài chính, tạo động lực phát triển ngành. Để thực hiện được những mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn.”

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là năm đầu tiên triển khai, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Trong bối cảnh đó, ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn cho các ngành kinh doanh, biến đổi khí hậu khó lường và thiên tai xuất hiện thường xuyên và có sức tàn phá lớn hơn. Trong khi đó, Việt Nam cần tập trung vào việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện năng, đầu tư và phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Để đạt đươc mục tiêu này đòi hỏi sự song hành của ngành năng lượng, đảm bảo tiến trình chuyển dịch bền vững, hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO