(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều tối ngày 3/3/2022, tại Họp báo thường kỳ tháng 2/2022, ông Trần Văn Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 (diễn ra cùng ngày) đã đánh giá tình hình kinh tế xã hội đã có sự ổn định, thương mại dịch vụ khởi sắc. Cũng tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét thảo luận về tình hình triển khai phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong 2 tháng đầu năm 2022.
Ảnh: VGP |
Theo đó, các số liệu cho thấy tình hình kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực địa phương đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn được đảm bảo.
Thị trường tiền tệ tỷ giá ổn định, tín dụng, ngoại hối lãi suất duy trì mặt bằng thấp, thanh khoản tốt. Tính đến ngày 25/2/2022, huy động vốn tăng 1,29%, tín dụng tăng trưởng 2,52% so với cuối năm 2021.
Về thu, chi ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toàn năm.
Về đầu tư phát triển, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đến hết ngày 28/2/2022 là hơn 44 nghìn tỷ đồng, đạt 8,61% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 20/2/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) ước đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% trong 2 tháng đầu năm.
Xuất nhập khẩu tháng 2 tăng 17,6%, tính chung 2 tháng đâu năm tăng 13% so với cùng kỳ. Đặc biệt là 3 đột phá chiến lược được chú trọng: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính; thương mại dịch vụ khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa đặc biệt là doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3.1% và khách quốc tế tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169% so với cùng kỳ.
Ba đột phá chiến lược được chú trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính. Thương mại, dịch vụ khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1%. Khách quốc tế tăng 49,6% so với tháng trước, tăng 169% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng. Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã hỗ trợ hơn 57,81 triệu lượt đối tượng chính sách, người lao động với tổng kinh phí là 9.287 tỷ đồng; xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân trong dịp Tết và giáp hạt.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 24/2 đã hỗ trợ cho 35,64 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 86/NQ-CP với tổng kinh phí khoảng 39,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP với tổng kinh phí gần 38,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như dự án ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, thị trường xuất nhập khẩu chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga, lạm phát chịu sức ép từ thiếu nguồn cung, giá xăng tăng cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn, thương mại dịch vụ cũng đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Cụ thể, riêng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,42% và 2 tháng đầu năm tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ.
Sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá tình hình tháng 3/2022 và những tháng tới sẽ có những khó khăn, thách thức; đương nhiên cũng đan xen nhiều thuận lợi và thời cơ và diễn biến không dự báo được.
Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan địa phương theo dõi dự báo sát tình hình và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2022, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý I/2022.
"Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Đồng thời nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, xăng dầu trong nước bảo đảm ổn định thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng và điều chỉnh vốn của các Bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.