Các Hiệp hội ngành, nghề

Khách hàng Trung Quốc, Mỹ tăng mua tôm và cá tra

Nguyễn Huyền 12/03/2024 - 13:03

Nhu cầu nhập khẩu tôm đang tăng cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông. Các khách hàng tiềm năng ở Mỹ đã “kết nối lại” đặt hàng cá tra phi lê. Viêc cá minh thái, cá tuyết xuất xứ từ Nga vừa bị EU áp thuế 13,7%, đang tạo thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam. Hội chợ thủy sản quốc tế cũng là cơ hội tăng đơn hàng cho doanh nghiệp thủy sản.

anh-nha-may-che-bien-ts.jpg
Cá minh thái, cá tuyết xuất xứ từ Nga, bị áp thuế 13,7% tạo thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam tại EU

Kỳ vọng sẽ có nhiều đơn hàng sau các Hội chợ thủy sản Quốc tế

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này vẫn là con số tích cực vì tháng 2 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính tới hết tháng 2/2024, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%. Riêng xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm nhẹ 1%. Xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia.

Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt, trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng biển Đỏ cũng khiến nhập khẩu tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.

Cuối năm 2023, giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU đều chạm đáy nhưng đã phục hồi nhẹ vào tháng 1/2024, dù vậy, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn thấp đáng kể so với những năm trước. Vấn đề tồn kho và dư cung vẫn đang tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu các loài thủy sản chính như tôm, cá tra…

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản từ quý IV/2023 có chiều hướng tích cực hơn và đột phá mạnh mẽ vào tháng 1/2024 khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á. Một phần trong đó cũng phục vụ cho người tiêu dùng là cộng đồng người Việt và người châu Á ở các thị trường khác. Nhờ vậy, xuất khẩu đã bứt phá trong tháng đầu năm, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Sau Tết Nguyên đán, thông thường nhu cầu sẽ chững lại một chút nên xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không tăng mạnh như trong tháng 1.

“Trong tháng 3 và tháng 4 tới đây, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tham gia các chương trình Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Boston, Mỹ và Barcelona, Tây Ban Nha, kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn cho đơn hàng của doanh nghiệp sau các sự kiện này. Mặt khác, căng thẳng biển Đỏ gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khu vực Bắc Mỹ và châu Âu nhưng sẽ là cơ hội cho những ngành hàng như hàng khô, đồ hộp, những ngành hàng có bảo quản được lâu, phù hợp trong bối cảnh lạm phát vừa giá rẻ vừa để được lâu. Trong lạm phát và trong chiến tranh thì những sản phẩm này sẽ có sức hút đặc biệt”, bà Hằng nói.

Khách Trung Quốc và Mỹ tăng mua tôm, cá tra Việt Nam

Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) chuyên xuất khẩu mặt hàng tôm cho biết, thị trường nhập khẩu tôm đang có nhu cầu cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông.

“Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đang bán hàng trực tiếp cho khách lẻ qua kênh thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng cao nên cần lượng hàng lớn. Họ đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn”, ông Khoa nói.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng cho biết, các khách hàng tiềm năng ở Mỹ đã “kết nối lại” đặt hàng cá tra phi lê sau gần một năm ảm đạm. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung giảm sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam như Vĩnh Hoàn, Nam Việt (mã chứng khoán ANV), Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (I.D.I, mã chứng khoán IDI).

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I dự kiến sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá mới là 0,14 USD/kg, giảm 94% so với năm ngoái, theo bản dự thảo POR19 của Bộ Thương mại Mỹ. Yếu tố này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cá tra của I.D.I vào Mỹ.

Ngoài ra, nhà máy chế biến cá tra fillet số 3 của I.D.I dự kiến hoàn thiện trong quý III/2024 sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet thêm 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ngày. Tự chủ được nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng nuôi trồng thủy sản tốt, nâng cao năng suất là lợi thế lớn để kết quả kinh doanh của I.D.I năm nay tăng trưởng.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc bán hàng Tập đoàn Nam Việt cho biết, năm 2023 xuất khẩu cá tra ít khởi sắc nhưng những tháng đầu năm 2024, thị trường suôn sẻ trở lại vì các nước bắt đầu đặt đơn hàng lớn. Doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thêm cơ hội ở EU, khi mới đây EU quy định cá minh thái (mặt hàng thay thế cho cá tra ở phương Tây) và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khách hàng Trung Quốc, Mỹ tăng mua tôm và cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO