Khai mạc Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

P.Anh - Trần Huấn| 17/11/2021 09:21
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 16/11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội), Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc.

Dự lễ khai mạc có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, các Vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, các Hội VHNT Trung ương...

Quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên (24/11/1946), lời dạy của Bác: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Để góp phần khẳng định vai trò của văn hóa, tuyên truyền quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong thời kỳ đổi mới, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp chỉ đạo Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân điTriển lãm diễn ra từ 16 -27/11 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bác khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật cũng như công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng toàn bộ sáng tạo phát minh đó là văn hóa". Và cách đây 75 năm về trước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác tiếp tục khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan triển lãm

Bộ trưởng khẳng định, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nhân kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và để triển khai, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị đã chỉ đạo Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong đó xác định, triển lãm văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện nhằm quảng bá những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giữ gìn văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi được chuẩn bị công phu, có quy mô lớn, trưng bày và giới thiệu tới người xem 320 tác phẩm ảnh tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý với sáu nội dung chuyên đề, theo dòng chảy văn hóa từ truyền thống tới hiện đại:

Chuyên đề thứ nhất: Văn hóa Việt Nam trước năm 1930, giới thiệu khái quát sơ lược về lịch sử văn hóa Việt Nam qua những hình ảnh về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.

Chuyên đề thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm tới di sản văn hóa của dân tộc của Bác Hồ kính yêu.

Chuyên đề thứ ba, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, triển lãm tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong đó, có Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.

Chuyên đề thứ tư, Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chuyên đề thứ năm, Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao trong nước cùng các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Chuyên đề thứ sáu, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua.

Những hiện vật, hình ảnh truyền cảm hứng và sức mạnh

Triển lãm được tổ chức trực tiếp từ ngày 16-27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, trưng bày trực tuyến trên website của Trung tâm từ ngày 16/11-31/12/2021.

 

 

Một số hiện vật tại Triển lãm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, hy vọng qua triển lãm sẽ giới thiệu tới đông đảo công chúng những nội dung cốt lõi về sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc, tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước; từ nhận thức sẽ chuyển thành hành động, qua đó thiết thực triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định:“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi lần đầu tiên đã trưng bày một cách hệ thống, khái quát dòng chảy của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Với những hình ảnh, hiện vật trưng bày về mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, người xem đều có thể đúc rút diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”. Đặc biệt, nhiều hiện vật lịch sử vô giá đã mang đến những cảm xúc đối với người xem, đặc biệt trong bối cảnh hôm nay, khi những giá trị của văn hóa, nghệ thuật luôn tạo nên nguồn sức mạnh cho cả dân tộc cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đó là Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943-văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Đó là Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Văn hóa, ngày 28/2/1957; Sách Con người Xã hội chủ nghĩa, xuất bản năm 1961; là những hiện vật thể hiện phong cách, lối sống giản dị của Bác: bộ quần áo lụa; đôi guốc mộc; gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hàng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc Kết đoàn tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960)…

Nhiều hiện vật đã nhuốm màu thời gian, năm tháng nhưng ở đó vẫn còn vẹn nguyên giá trị của những bài học lịch sử, những thông điệp truyền lửa sức mạnh, niềm tin từ văn hóa.

Có mặt tại triển lãm, NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Lệ Ngọc) chia sẻ những cảm xúc khi được tiếp cận trực tiếp với những hình ảnh, hiện vật mang tiếng nói của lịch sử dân tộc được trưng bày. NSND Lệ Ngọc bộc bạch, rất nhiều những hình ảnh, hiện vật tại đây đã mang đến một ý nghĩa đặc biệt đối với người xem, đó là nhận thức sâu sắc về giá trị của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Đối với các văn nghệ sĩ, đây là những hình ảnh, hiện vật vô cùng giá trị, không chỉ truyền lửa cho những cảm hứng sáng tạo mà còn giúp cho các văn nghệ sĩ có thêm niềm tin và sức mạnh để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO