Giữ vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu và đóng góp thiết yếu đối với sự bền vững của hệ thống tài chính nhưng tái cấu trúc nợ ngoài toà án lại là cánh cửa chưa được khai mở tại Việt Nam. Nhằm làm rõ vấn đề này, ngày 19/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã tổ chức Hội thảo Bàn tròn thảo luận về tái cấu trúc nợ ngoài tòa.
Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia Việt Nam, IFC; ông Lê Trung Kiên - Phó Cục trưởng Cục giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng và đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước; đại diện Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cùng các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng.
Cần mở rộng cánh cửa tái cấu trúc ngoài toà án
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Darryl Dong - Phó Giám đốc quốc gia, IFC khẳng định, nợ xấu là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng và không thể không có nợ xấu. Nếu ngân hàng có nợ xấu bằng 0% nghĩa là ngân hàng quá thận trọng, không tối ưu được lợi nhuận và rủi ro, đồng nghĩa với việc kinh doanh không hiệu quả.
Do vậy, theo ông Darryl Dong, vấn đề không nằm ở bản thân nợ xấu mà là làm sao để giải quyết được nó. Khi giải quyết nợ xấu thì không nên bàn về áp lực, nguy cơ hay hiểm hoạ mà cần ưu tiên đến tốc độ và quy trình xử lý nợ xấu.
Phó Giám đốc quốc gia IFC cho rằng, không nên chỉ dựa vào một hệ thống pháp lý để xử lý nợ xấu mà cần tìm ra nhiều cách thức, giải pháp khác ví như tái cấu trúc ngoài toà án. Và tái cấu trúc ngoài toà án chính là một cách thức khác để ngân hàng và doanh nghiệp "chiến đấu, tiêu diệt" nợ xấu.
"Cánh cửa tái cấu trúc ngoài toà án tại Việt Nam vẫn còn đóng kín. Nếu muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, nếu muốn trở thành khu vực tư nhân có khả năng chống chịu cao hơn và muốn ngành Ngân hàng phản ứng nhanh, xử lý tốt hơn thì cần mở rộng cánh cửa tái cấu trúc ngoài toà án", ông Darryl Dong cho biết thêm.
Khẳng định thời điểm tốt nhất để phát triển tái cấu trúc ngoài toà án là 10 năm trước và hiện tại là thời điểm tốt thứ hai để phát triển mô hình này. Do vậy, Phó Giám đốc quốc gia IFC cho rằng, với việc triển khai tái cấu trúc ngoài toà án, Việt Nam sẽ mở ra một chương mới về cuộc chiến chống nợ xấu, trong đó, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò giữ chìa khoá mở cánh cửa tái cấu trúc ngoài toà.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tái cơ cấu nợ ngoài tòa có thể giải quyết sớm các khó khăn của doanh nghiệp hiệu quả và mang lại kết quả thuận lợi hơn so với thủ tục phá sản chính thức. Tuy nhiên, mô hình này không thể thay thế cho cải cách xử lý nợ và phá sản nói chung, vốn phải cung cấp các phương án dự phòng đáng tin cậy thông qua thủ tục phá sản tập thể hoặc cưỡng chế riêng lẻ. Do vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, hội thảo cần tập trung vào việc làm rõ và giải quyết các hạn chế, bất cập khi áp dụng tái cấu trúc nợ ngoài tòa hay tái cấu trúc phi chính thức để giúp các tổ chức hội viên hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chia sẻ về tái cấu trúc nợ ngoài toà và tái cấu trúc nợ nâng cao trên thực tế, bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cao cấp, Ngân hàng Thế giới khẳng định, mô hình này có thể có sự tham gia của các cơ quan hành chính hoặc cơ quan quản lý ngân hàng nhưng không có sự tham gia của toà án ở bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình tái cấu trúc.
Và để thiết lập mô hình tái cấu trúc nợ ngoài toà, bà Nina Mocheva khuyến nghị, cần cân nhắc đến các yếu tố như: Cơ sở pháp lý, các tổ chức tham gia, các tài liệu khung. Cùng với đó, các khía cạnh như môi trường pháp lý thuận lợi, mối liên hệ với luật phá sản cũng như xây dựng ban hành tiêu chuẩn tái cơ cấu ngoài toà án hay văn hoá chủ nợ chính là những yếu tố góp phần tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc tái cấu trúc nợ ngoài toà.
Tại phần trình bày về chủ đề “Tái cơ cấu ngoài toà án ở châu Á: Các mô hình khác nhau cho các hệ thống khác nhau”, GS. Charles Booth – Chuyên gia cao cấp về phá sản của nhóm Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra ưu, nhược điểm và rào cản đối với việc tái cấu trúc nợ ngoài toà.
Liên hệ từ thực tiễn, GS. Charles Booth đã cung cấp đến hội thảo những kinh nghiệm tái cấu trúc nợ ngoài toà án ở một số quốc gia tại châu Á như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia…
Không phải là nội dung mới nhưng rất thời sự
Sau phần trình bày của hai chuyên gia quốc tế, hội thảo đã có phần thảo luận nhằm tìm ra giải pháp để áp dụng mô hình tái cấu trúc nợ ngoài toà tại Việt Nam.
Chủ trì bàn tròn, TS. Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra một ví dụ thực tiễn về việc Việt Nam đã làm và thành công trong việc tái cấu trúc nợ ngoài toà dù thời điểm đó chưa xuất hiện khái niệm này, mà chỉ làm nhằm cứu doanh nghiệp không bị phá sản.
Đó là trường hợp một nhà máy ở Bình Dương đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa và đang là con nợ của cùng lúc nhiều ngân hàng, với tổng giá trị lên đến hơn 700 tỷ đồng. Khi đó, nếu đóng cửa nhà máy thì mỗi ngày ngân hàng sẽ mất khoảng 10 tỷ đồng. Đứng trước vấn đề này, các chủ nợ đã phải tổ chức hội nghị để bàn bạc và đi đến thống nhất giãn nợ, tạm thời không thu lãi từ 7 năm thành 14 năm. Kết quả là chỉ trong 3 năm, doanh nghiệp đã phát triển, mở rộng và có thể trả nợ gốc và một phần lãi. 5 năm tiếp theo là trả hết lãi, và 7 năm sau đó trả hoàn toàn gốc và lãi. Hiện tại, nhà máy đã mở rộng quy mô và lớn mạnh.
Từ ví dụ thực tiễn đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc tái cấu trúc nợ ngoài toà không phải nội dung mới nhưng lại rất thời sự. Không mới vì bản thân các tổ chức tín dụng đã, đang và vẫn sẽ thực hiện cơ cấu nợ, điều chỉnh giãn nợ, hỗ trợ khách hàng. Trường hợp cuối cùng mới đưa ra toà để xử lý.
Khẳng định việc tái cấu trúc nợ ngoài toà án là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc thoả thuận ngoài toà án phải có hành lang pháp lý, quy định cụ thể, phù hợp để vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Đồng tình với Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện phía ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Minh - Luật sư Ngân hàng Techcombank cũng cho rằng, việc tái cấu trúc nợ ngoài toà là cần thiết, đồng thời khẳng định vấn đề giải quyết xử lý nợ ngoài toà án là hoạt động khá thường xuyên tại Việt Nam.
“Khi doanh nghiệp còn cơ hội, còn tài sản và có khả năng thì thường các tổ chức tín dụng phải vận dụng rất nhiều cách thức để giải quyết được vấn đề cho doanh nghiệp đó. Một số ngân hàng đã tham gia vào khâu quản lý của doanh nghiệp như cử người điều hành doanh nghiệp xấu, đồng thời tiến hành giãn nợ, gia hạn nợ cho doanh nghiệp khó khăn”, ông Nguyễn Tuấn Minh lý giải cho nhận định “chắc chắn ngành Ngân hàng đã làm, đang làm và sẽ còn phải làm tái cấu trúc nợ ngoài toà”.
Tại phiên thảo luận, đại diện thư ký toà án cho biết phía toà án đang rà soát để xem xét sửa đổi Luật Phá sản, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu.
So sánh với câu chuyện trọng tài thương mại, xử lý tranh chấp ngoài toà, đại diện Bộ Tư pháp - bà Lưu Thị Hương Ly khẳng định, việc tái cấu trúc nợ ngoài toà mang tính chất tự nguyện, phi chính thức, là thoả thuận dân sự, dù không cần sự tham gia của cơ quan nhà nước nhưng vẫn cần sự hỗ trợ nhất định từ phía cơ quan nhà nước.
Cục phó Cục giám sát Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN - ông Lê Trung Kiên đánh giá đây là chủ đề vô cùng ý nghĩa trong giai đoạn nợ xấu là một phần trong kinh doanh của ngành Ngân hàng. Theo ông Lê Trung Kiên, thời gian trước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực đưa ra Nghị quyết 42 để giải quyết nợ xấu. Nhưng dưới tác động của thị trường như COVID - 19, biến động kinh tế vĩ mô thì nợ xấu có xu hướng tăng trở lại. Thực tế, dù trong thời điểm nào thì việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề thường trực hàng ngày của các tổ chức tín dụng.
“Cực chẳng đã mới đưa nhau ra toà. Nên xử lý ngoài toà là đảm bảo quyền lợi cho 2 bên”, ông Lê Trung Kiên bày tỏ.
Tại buổi thảo luận, ông Lê Trung Kiên đã kể lại câu chuyện về cách làm hay của Nhật Bản để hội nghị tham khảo. Theo đó, trong giai đoạn khủng hoảng, Nhật Bản có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn là các con nợ của ngân hàng. Và Nhật Bản đã đặt ra quan điểm về giải cứu. Những doanh nghiệp lớn, nếu đổ vỡ sẽ kéo lùi phát triển của nền kinh tế sẽ được lựa chọn và lập thành danh sách những doanh nghiệp cần giải cứu. Tiếp đó, Nhật Bản thành lập ban tái cơ cấu các tập đoàn lớn do chính phủ tài trợ. Ban này không phải là cơ quan lập pháp mà chỉ đưa ra cách thức chuẩn hoá việc cơ cấu doanh nghiệp.
Dựa trên danh sách đã lựa chọn, Nhật Bản tiếp tục chọn doanh nghiệp cần được giải cứu sớm nhất, đồng thời, đứng ra làm đơn vị đầu mối thương lượng với chủ nợ. Tiếp đó, Nhật Bản đã tìm những nhà đầu tư chuyên về M&A và cơ cấu doanh nghiệp quốc tế để tiến hành tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp. Trong 1 tuần, các nhà đầu tư đứng ra thương thảo với nhà băng về thứ tự ưu tiên trả nợ. Kết quả là chỉ vài ba năm sau, các doanh nghiệp đó đã khôi phục, ông Kiên chia sẻ thêm.
Khẳng định thách thức về nợ xấu ở Việt Nam đang rất lớn và không có cá nhân đơn lẻ nào có thể giải quyết được, ông Darryl Dong cho rằng, NHNN, Bộ Tư pháp, Quốc hội hay các cơ quan, bộ, ngành, đều phải phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp mới.
Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với IFC và các bộ, ngành, đơn vị, nhằm tổ chức toạ đàm các cấp, sau đó xây dựng khung pháp lý chung. Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cùng các hội viên và mong muốn đồng hành cùng NHNN, Bộ Tư pháp, toà án trả lời cho câu hỏi về hiệu quả, lợi ích, hệ quả, khả năng khắc phục của tái cấu trúc nợ ngoài toà.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng mong muốn, tất cả sẽ cùng tham gia vào lĩnh vực này để thời gian tới có quy hoạch triển khai và tái cấu trúc nợ sâu rộng hơn nhằm hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp phá sản.