Khai thác tài nguyên trái phép nguy cơ đối mặt trách nhiệm hình sự

Bùi Trang| 28/07/2022 14:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cát là một loại khoáng sản quan trọng và có thể dễ dàng khai thác. Tuy nhiên, do đây là là một nguồn tài nguyên có hạn, việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Việc khai thác cát trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị xử lý hình sự.

Ảnh minh họa

Đơn cử như vụ án khai thác trái phép cát mà Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội truy tố gần đây. Theo đó, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh xăng dầu Minh Đạt được Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Hà Nội cấp phép khai thác cát làm vật liệu san lấp tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa phận thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội với diện tích khai thác là 7,8ha, thời gian khai thác là 12 năm kể từ tháng 7/2012.

Đến cuối năm 2019, Vương Xuân Thành (Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Đạt) và vợ là Phạm Thị Hồng Thắm (Tổng Giám đốc Công ty Minh Đạt) bàn bạc việc hút cát trái phép tại lòng sông Hồng để bán kiếm lời. Thành và Thắm đã thuê các đối tượng gồm Phạm Văn Thành (SN 1990, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội), Đặng  Thế Trường (SN 1996, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội); Phan Đình Thức (SN 1986, trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội); Phan Thị Bích Hường (SN 1987, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Viết Sơn (SN 1985, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) để quản lý, thanh toán tiền, duy trì công việc khai thác cát trái phép.

Thành và Thắm thuê 5 tàu thủy của các đối tượng Phạm Đình Liễu (SN 1972, trú tại Kim Thành, Hải Dương), Lưu Xuân Khoa (SN 1978, trú tại Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Đường Đạt (SN 1963, trú tại Đông Anh, Hà Nội), đối tượng Thi, đối tượng Dương khai thác cát để bán kiếm lời. Sau đó, thuê các đối tượng này đi hút cát trái phép rồi bán sang mạn hoặc đưa cát về tập kết tại bãi vật liệu của Thành tại thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội. Cát khai thác được bán với giá 13.000 đồng/m3 sang mạn tàu và 30.000 đồng/m2 tại bãi vật liệu.

Đến ngày 26/5/2020, khi các tàu do Thành và Thắm thuê đang hút cát và bán cho 2 tàu khác thì bị Tổ công tác thuộc các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang. Cơ quan điều tra phát hiện 16 ảnh chụp các trang sổ tay theo dõi số liệu cát hút lên và bán sang mạn từ ngày 8/4/2020 đến ngày 27/4/2020 với tổng cộng 27.895m2. Sau đó, Vương Xuân Thành, Phạm Thị Hồng Thắm và các nhân viên được thuê lần lượt ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Căn cứ vào sổ sách các bị cáo giao nộp, biên bản đo đạc hiện tường của Công ty cổ phần đo đạc và xây dựng quốc tế trên bãi tập kết khai thác trái phép của Vương Xuân Thành và kết quả thẩm định khác, cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/1/2020 đến ngày 22/5/2020, Thành và Thắm đã chỉ đạo các bị cáo Liễu, Khoa, Thi, Dương và Đạt khác khai thác cát trái phép với tổng số cát là 75.908m2 bằng 4,82 tỷ đồng.

Từ ngày 1/3/2020 đến ngày 27/4/2020, Phạm Đình Liễu khai thác trái phép 32.488m3 cát bằng 2 tỷ đồng. Từ ngày 29/4/2020 đến ngày 22/5/2020 Lưu Xuân Khoa khai thác trái phép 11.770m3 bằng 747 triệu đồng.

Đối với đối tượng Dương, đối tượng Thi, các bị can đều khai không biết họ tên, tuổi, địa chỉ. Qua xác minh chưa đủ căn cứ xác định nhân thân, cơ quan điều tra đã tách phần vụ án liên quan hành vi 2 đối tượng này để xác minh, xử lý sau.

Riêng đối tượng Nguyễn Đường Đạt, sau khi khai thác cát trái phép, Đạt đã bán tàu hút cho người không quen biết nên Cơ quan điều tra không có cơ sở thu hồi. Đạt đã khai thác trái phép 1.050m3 cát bằng 66,6 triệu đồng, chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đã chuyển phần hồ sơ liên quan đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội để xử phạt vi phạm hành chính.

Do hành vi của một số cá nhân mua cát của Thành và Thắm chưa đủ cấu thành tội Vi phạm về quy định khai thác tài nguyên trái phép nên Công an TP. Hà Nội đã xử phạt hành chính.

Đối với hành vi buông lỏng quản lý của các cấp có thẩm quyền, sau khi nhận được các văn bản yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, các cấp có thẩm quyền có những chỉ đạo, kiểm điểm kỷ luật đối với các đơn vị, cán bộ để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách.

Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Theo đó, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy mức độ phạm tội.

Pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tài nguyên trái phép nguy cơ đối mặt trách nhiệm hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO