Dù VN-Index vẫn còn cách kỷ lục điểm số từng ghi nhận trước đó khoảng 300 điểm nhưng trên thị trường vẫn có không ít những cổ phiếu vừa phá kỷ lục giá hoặc còn cách đỉnh thời đại khoảng cách không đáng kể.
Thành tích hiện tại của VN-Index từ đầu năm 2023 tới hết ngày 14/9 đạt 21,52%, là một những chỉ số tăng tốt nhất khu vực châu Á. Sự hồi phục ấn tượng có thể chưa giúp cho chỉ số trở lại gần kỷ lục điểm số khi còn cách khoảng 300 điểm. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể xuất hiện ở một số cổ phiếu trên thị trường.
Theo thống kê từ cả 3 sàn, số lượng cổ phiếu có khoảng cách với mức giá cao nhất thời đại dưới 10% đang là 117 mã, tương đương khoảng 7,3% trên hơn 1.600 mã đã niêm yết và đăng ký giao dịch.
Tuy nhiên, với nhiều gương mặt đến từ UPCoM như: VMT, MBN, MQB, LNC, CK8, HHC, HFX, LBC, phần lớn sẽ nằm ngoài tầm với của nhà đầu tư trên thị trường với lý do không có thanh khoản, khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất của các cổ phiếu này đều gần như bằng không.
Vì vậy, cũng cần phải xét thêm cả yếu tố thanh khoản khi nói về những cổ phiếu đang ở gần ngưỡng "cửa thiên đường". Theo thống kê, với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất trên 500 nghìn đơn vị, chỉ có đúng 7 mã cổ phiếu có thị giá gần mức cao nhất thời đại với khoảng cách dưới 10%.
2 sàn UPCoM và HNX đóng góp 1 mã/sàn trong khi HOSE có tới 5 mã. Với UPCoM, đó là cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á, mức giá đóng cửa ngày 14/9 chỉ còn cách giá cao nhất từng ghi nhận vào năm 2021 hơn 2%.
Riêng trong năm 2023, NAB đã tăng tới 117,38%, vượt xa hàng loạt cổ phiếu cùng ngành khác trên HOSE và HNX. Được biết, sau nhiều lần trì hoãn, vừa qua, ban lãnh đạo NAB đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu NAB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) trong quý IV/2023.
Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử với ngân hàng và cả cổ phiếu NAB bởi HOSE sẽ yêu cầu những chuẩn mực cao hơn về công bố thông tin cùng sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn. Theo thống kê, NAB chính là trường hợp duy nhất trong 7 cổ phiếu có mức thanh khoản bình quân 20 phiên gần nhất dưới 1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu duy nhất đến từ HNX là PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Hiện PVS còn cách kỷ lục giá được ghi nhận vào ngày 9/3/2022 chưa đến 5% và là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trong 7 cổ phiếu.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của PVS đạt 8.414 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 559 tỷ đồng, bằng 111% và 147% so với cùng kỳ 2022.
PVS được nhà đầu tư đánh giá cao về triển vọng kinh doanh trong những tháng cuối năm 2023 và đặc biệt từ năm 2024 trở đi khá sáng sủa với nhiều dự án trong ngành dầu khí nói riêng và lĩnh vực năng lượng tái tạo trên biển nói chung như: Lô B, Cá Voi Xanh Điện gió Hải Long, Điện gió La Gàn…
Cùng với PVS, 5 cổ phiếu còn lại đến từ HOSE là: GMD, FPT, BID, VCB, KDC cùng đảm bảo được yếu tố thanh khoản, với quy mô bình quân 20 phiên đạt trên 1 triệu đơn vị.
Với GMD, cổ phiếu của Công ty CP Gemadept đang trong năm tăng giá thứ 13 trong lịch sử 22 năm niêm yết trên HOSE. 2 mảng kinh doanh cốt lõi của GMD là Cảng và Logistics đều gây ấn tượng với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt trên 40%. Nhờ đó, bất chấp bức tranh toàn ngành tiêu cực, tỷ suất lợi nhuận gộp của GMD vẫn cải thiện lên 47% trong 6 tháng đầu năm 2023, so với mức 42% trong 6 tháng đầu năm 2022.
GMD đã thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ và ghi nhận 1.844 tỷ đồng vào quý II/2023. Trong khi đó, GMD vẫn duy trì sự hiện diện tại khu vực Hải Phòng với cảng Nam Đình Vũ 1 và Nam Đình Vũ 2 mới đi vào khai thác.
Với nguồn lực tài chính từ bán Nam Hải Đình Vũ, công ty sẽ sẵn sàng triển khai xây dựng Cảng Nam Đình Vũ 3 và đặc biệt chuẩn bị cho dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD. Trong chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước vừa qua của Tổng thống Joe Biden, dự án Cái Mép Hạ cũng đã được đề cập. Theo đó, Công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle) và Công ty Gemadept sẽ hợp tác phát triển trên quy mô 2.200 ha, đưa Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.
Cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT cũng mới vừa ghi nhận giá cao nhất vào phiên 7/9 là 100.800 đồng/cổ phiếu. Được biết, trong quý II/2023, FPT đạt lợi nhuận trước thuế 2.218 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động của tập đoàn này.
Tập đoàn liên tục có các đợt trả cổ tức trong vài tháng trở lại đây. Trong tháng 7, FPT đã trả cổ tức bằng tiền 10% cùng với cổ phiếu tỷ lệ 20:3. Cuối tháng 8, FPT lại chốt tạm ứng cổ tức năm 2023 tỷ lệ 10% tiền mặt và đã hoàn tất chi trả vào ngày 12/9. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, cổ đông kiên trì nắm giữ FPT đã thực nhận lượng cổ tức tiền mặt là 21,5% cùng với 15% cổ phiếu.
2 cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán là VCB của Vietcombank và BID của BIDV cũng góp mặt trong danh sách. Mức giá cao nhất của VCB mới được thiết lập gần đây vào ngày 27/7 là 93.700 đồng/cổ phiếu ngay sau đợt chốt trả cổ tức bằng cổ phiếu. Còn BID đang trên đường trở lại chinh phục mức giá cao nhất lịch sử 49.950 đồng/cổ phiếu được xác lập vào ngày 26/1/2022.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt gần 20.500 tỷ đồng và BID là 13.862 tỷ đồng, lần lượt đạt 50% và 51,7% kế hoạch.
Gương mặt cuối cùng của HOSE là cổ phiếu KDC của Công ty CP Tập đoàn Kido có khoảng cách với giá cao nhất lịch sử là 8,7%. Tuy nhiên, khoảng cách này thực tế vẫn được duy trì kể từ tháng 5/2023 cho thấy KDC gần như là đi ngang trong 4 tháng trở lại đây thay vì thể hiện tham vọng chinh phục đỉnh cao.
Diễn biến vẫn có phần gây thất vọng bởi trong quý II/2023, KDC đã thoái vốn các khoản đầu tư vào Calofic, KIDO Foods. Lợi nhuận trước thuế quý II/2023 ghi nhận đột biến đạt hơn 721 tỷ đồng, tăng 164,1% so với cùng kỳ năm trước.