HPG cùng với một số cổ phiếu ngân hàng là những nhân tố chủ đạo giúp VN-Index có phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Đáng chú ý, khối ngoại đã liên tục mua ròng HPG trong vòng 15 phiên liên tục, với tổng giá trị ròng hơn 1.600 tỷ đồng.
Định vị thị trường
Chỉ số chứng khoán mạnh nhất châu Á là NIKKEI 225 đã phản ứng quyết liệt với đường xu hướng ngắn hạn với việc tăng hơn 2% trong phiên giao dịch hôm nay. Diễn biến tương đồng cũng xảy ra với các chỉ số chứng khoán Mỹ khi cả NASDAQ (+1,65%), S&P 500 (+1,15%), Dow Jones (+0,63%) đều tăng điểm khá tốt.
Như vậy, đã có sự phủ nhận xu hướng điều chỉnh của các chỉ số chứng khoán hàng đầu, qua đó giúp cho thị trường Việt Nam bớt đi sự lo lắng. VN-Index tiếp tục nối dài mạch tăng điểm lên con số 7.
Chất xúc tác
Thống kê về giao dịch của khối ngoại ghi nhận phiên mua ròng trở lại hơn 100 tỷ đồng trên 3 sàn. 2 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất phiên hôm nay (ngày 28/6) là HPG (+241,5 tỷ đồng) và SHS (+41,2 tỷ đồng).
Trong đó, HPG đang có phiên mua ròng thứ 15 liên tiếp với tổng giá trị ròng đạt 1.630 tỷ đồng còn SHS là phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị ròng khoảng 170 tỷ đồng.
Đây là những tín hiệu tích cực với riêng những cổ phiếu trên trong bối cảnh khối ngoại vẫn chủ yếu rút tiền HOSE. Ngoài ra, HPG cũng ghi nhận sự tham gia sôi động của tiền nội, giúp khối lượng vượt bình quân 20 phiên.
Cùng với NVL đạt giá trị khớp lệnh hơn 1.100 tỷ đồng, HPG đã kéo thanh khoản HOSE tăng trở lại, đạt 14.993 tỷ đồng khớp lệnh.
Vận động nhóm ngành
Nhờ có sự hậu thuẫn tích cực, HPG tiếp tục có phiên chiều tăng giá, biên độ đạt 3,1% và đóng cửa tại 26.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong bức tranh chung, cổ phiếu này cũng cần sự kết hợp với các cổ phiếu Bluechips khác tương tự các diễn biến trong phiên chiều qua.
Ở phiên chiều nay, các cổ phiếu ngân hàng lớn nhất đã được dòng tiền lớn vào "phá băng" tâm lý giúp cho BID (+2,4%), CTG (+2,2%), VCB (+1,1%), đều tăng trên 1%.
Hiệu ứng tăng của nhóm ngân hàng cũng đồng đều hơn khi MBB (+3%), MSB (+1,2%), SHB (+1,2%), TCB (+1,1%), STB (+1%), đều tỏ ra đồng thuận.
Vì vậy, bất chấp thị trường phân hóa, VN-Index vẫn tiếp tục tăng điểm. Chỉ số đảo chiều từ sau 14h, chốt phiêngiao dịch ngày 28/6 tại 1.138,35 (+0,35%). Biên độ của VN30 (+0,59%) lớn cho VN-Index đã phản ánh rõ vai trò của các cổ phiếu Bluechips.
Nhà đầu tư có thể đánh giá trạng thái phân hóa của thị trường qua độ rộng của HOSE với 42% mã so với 47,5% mã giảm giá. Dù vậy, biên độ giao dịch cả 2 chiều đều chưa phát ra tín hiệu cảnh báo. Một số trường hợp giảm như KBC (-2,31%), GEX (-2,01%), CII (-2,65%), DIG (-1,97%), VCG (-1,39%), mang tính chất điều chỉnh do bị chốt lời. Trong khi đó, vẫn có những cổ phiếu cá biệt như HBC (+7%), BFC (+7%).
Hiện đang có những động thái hợp tác của HBC với các đối thủ trong ngành xây dựng như Coteccons, Central để hình thành liên minh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Với sàn HNX, APS, IDJ, API vẫn có một phiên giảm sàn và hiện đã có thêm thông tin bắt tạm giam các lãnh đạo của APEC. Chỉ số HNX-Index kết phiên giảm 0,25% với giá trị giao dịch đạt 1.714 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index nhờ VTP (+2,3%), MSR (+4,2%), QTP (+1,8%), giữ được sắc xanh một cách trọn vẹn. UPCoM-Index tăng 0,4% lên 85,99 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 971 tỷ đồng.