Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh giảm một loạt lãi suất, các ngân hàng cũng đang giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tín dụng trong nền kinh tế.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Nếu so sánh với tốc độ tăng 5,04% của quý I/2022, thì tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 thấp hơn khá nhiều. Tín dụng tăng chậm cho thấy khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế ở mức thấp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, trong tháng 3/2023 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần điều chỉnh hạ các loại lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, quyết định này đã có tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất cho vay thị trường. Thực tế là, mặt bằng lãi suất cho vay đang được các ngân hàng điều chỉnh giảm, thậm chí có những khoản vay ưu đãi với khách hàng (không thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ) đã giảm xuống mức 7%/năm.
Nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay dưới 10%/năm
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, cùng ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã triển khai chương trình giảm lãi suất, hoặc các gói tín dụng với quy mô lớn với lãi suất thấp.
Ví như, BIDV vừa triển khai hai gói tín dụng với quy mô lên tới 170.000 tỷ đồng. Gói tín dụng thứ nhất là 100.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 9,5%/năm cho khách hàng cá nhân; gói tín dụng còn lại có giá trị 70.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh mới, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Agribank cũng vừa dành gói tín dụng có quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Gói tín dụng này có lãi suất ưu đãi thấp hơn tới 1,5%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành.
Song song với gói tín dụng trên, Agribank cũng công bố triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, với lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng/lần. Đến thời điểm này, Agribank cũng là ngân hàng đầu tiên trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 Chính phủ, công bố gói vay và mức lãi suất.
VietinBank cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, có thể kể đến như: căn cứ theo từng thời hạn khoản vay và tổng hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng, VietinBank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 7,9%/năm đối với VND và từ 5,4%/năm đối với USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành thương mại phân phối, VietinBank áp dụng chương trình ưu đãi với lãi suất cho vay VND từ 8,0%/năm với kỳ hạn đến 90 ngày.
Đặc biệt, VietinBank dành gói ưu đãi có quy mô tới 20.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn đến 2,0%/năm so với quy định cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực/ngành nghề có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như lúa, gạo, thủy sản, nông nghiệp... Còn với nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới, VietinBank triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng, với các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 30/6/2023 sẽ được ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, việc điều chỉnh giảm lãi suất cũng diễn ra mạnh mẽ. Ví như Vietbank vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 10,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trên toàn quốc.
Trước đó, VIB cũng công bố chương trình giảm đến 2%/năm lãi suất cho khách hàng vay kinh doanh. Theo đó, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ có giao dịch thường xuyên tại VIB sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ từ 9,5%/năm khi vay bổ sung vốn lưu động.
Hay, OCB cũng vừa tung gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn với mức lãi suất giảm đến 2% so với thông thường. Lãnh đạo của OCB chia sẻ: “Song song với việc giảm lãi suất, chúng tôi cũng chủ động giảm các điều kiện và thủ tục cho vay để doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong thời gian tới với điều kiện lãi suất huy động theo định hướng của NHNN sẽ giảm nhanh thì tôi tin rằng mức lãi suất về 8-9% là điều hoàn toàn có thể”.
Kỳ vọng tín dụng phục hồi
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2 vừa qua đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4%/ năm. Thực tế cho thấy, việc giảm lãi suất cho vay trên thị trường vẫn đang diễn ra, thị trường kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn trong thời gian.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: “Khi chúng ta giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng thúc đẩy doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay – nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng".
Cũng có những nhận định tích cực về tăng trưởng tín dụng thời gian tới, phân tích mới nhất vừa được CTCK Yuanta Việt Nam đánh giá, các quyết định cắt giảm lãi suất trong tháng 3/2023 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, tăng trưởng GDP chậm và lạm phát trong tầm kiểm soát.
Theo Yuanta Việt Nam, lãi suất giảm cũng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho người đi vay, từ đó giảm áp lực suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá các quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là chủ động và linh hoạt trong bối cảnh các NHTW lớn trên thế giới vẫn đang thực hiện tăng lãi suất (như FED, ECB, BoE).
Dù vậy, các chuyên gia của BVSC cũng cho rằng, áp lực tỷ giá giảm xuống và lạm phát hạ nhiệt là những yếu tố cho phép Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. “Kỳ vọng sự thay đổi này sẽ có tác động tích cực đối tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”, BVSC kỳ vọng.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, các quyết định giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các TCTD tiết giảm chi phí vốn và lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, qua đó sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.