Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển.
Tuần qua, khi thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch 2025, một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra các ý kiến sửa đổi Luật để tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho cả các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, nhiều công trình dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã khơi thông “mạch máu” phát triển đất nước, mang lại hiệu quả rất quan trọng. Tuy nhiên còn tồn tại những khó khăn đòi hỏi phải có các giải pháp và cơ chế để tháo gỡ.
Do vậy, các đại biểu Quốc hội mong rằng, kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến để thông qua nhiều dự án luật quan trọng, từ đó sẽ tháo gỡ vướng mắc, xóa bỏ điểm nghẽn, củng cố niềm tin và uy tín về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Trong chương trình tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Đầu tư công sửa đổi và một Luật sửa đổi bổ sung 4 luật Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… Tôi ủng hộ và cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) phát biểu.
Khuyến khích PPP trên mọi lĩnh vực
Trao đổi về việc sửa các luật lần này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Quốc Phương cho biết, sửa luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng về những khó khăn vướng mắc trong đầu tư theo phương thức PPP, Thứ trưởng Phương cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được sửa đổi tập trung vào 3 nhóm chính sách chủ yếu:
Thứ nhất: Mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP. Thực tế hiện nay một số bộ, ngành, địa phương có tiềm năng và điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP trong một số lĩnh vực khác, nhưng lại chưa được quy định tại Luật PPP. Luật đang quy định PPP thực hiện trong 5 lĩnh vực giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.
Luật PPP đang quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải, điện, thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải, chất thải; hạ tầng công nghệ thông tin là 200 tỷ đồng. Riêng dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Thực tiễn thu hút đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, hạn mức vốn này là khá cao chưa tạo cơ chế mở, thông thoáng để huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân phù hợp với điều kiện của từng ngành, địa phương, nhất là đối với các dự án có quy mô nhỏ, nhưng địa phương có nhu cầu đầu tư và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư do có khả năng kinh doanh.
Vì thế, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP và giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư... Luật sửa đổi sẽ khuyến khích đầu tư PPP trên tất cả các lĩnh vực, không còn giới hạn lĩnh vực cho dự án PPP và cũng không còn hạn mức về quy mô vốn đầu tư với dự án PPP.
Thứ hai: Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy trình, thủ tục rút gọn và đơn giản hóa nội dung các báo cáo tiền khả thi, khả thi đối với 3 nhóm dự án PPP: dự án quy mô nhỏ không sử dụng vốn nhà nước; dự án O&M; dự án BT không yêu cầu thanh toán. Những nội dung này đang đáp ứng được thực tế nhiều nhà đầu tư mong muốn thực hiện các công trình BT mà không yêu cầu thanh toán chi phí, cần có cơ chế để thực hiện.
Dự thảo cũng đề xuất cho phép thực hiện đồng thời một số thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án như: lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong quá trình trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập hồ sơ mời thầu trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi...
Thứ ba: Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Dự thảo luật sửa đổi đề xuất cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Quy định cụ thể cách thức xử lý đối với hợp đồng dự án BT căn cứ ý kiến kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước để bảo đảm xử lý dứt điểm các dự án BT chuyển tiếp, góp phần khai thông nguồn lực đất đai đang tồn đọng ở các dự án này.
Nâng tỷ lệ vốn góp của nhà nước trong dự án PPP lên 70%
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất nâng tỷ lệ vốn góp của nhà nước trong dự án PPP. Theo đó, nhà nước có thể góp tới 70% dự án PPP. Đồng thời Đề xuất Thủ tướng có thể quyết nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước vào dự án PPP lên tới 70%.
Hiện nay, để tháo gỡ vướng mắc cho một số địa phương, Quốc hội đã cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư tại Luật Thủ đô và một số Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù (TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Bình, Cao Bằng).
Với đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi sẽ cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng các luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh trình Quốc hội lần này sẽ giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài...