(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý cũng như TCTD để các phương thức cấp tín dụng này được phát triển lành mạnh và an toàn cho các TCTD.
Ngày nhận bài: 3/10/2019 - Ngày biên tập: 7/10/2019 - Ngày duyệt đăng: 16/10/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20/2019
Tóm tắt: Cho vay, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm và chiết khấu các giấy tờ có giá mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, các phương thức cấp tín dụng này cũng đã gây ra một số rủi ro nhất định cho các TCTD. Mặt khác, các phương thức cấp tín dụng này cũng đã bị lạm dụng vào những mục đích không được cơ quan quản lý mong muốn. Do đó, cần phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý cũng như TCTD để các phương thức cấp tín dụng này được phát triển lành mạnh và an toàn cho các TCTD.
Từ khóa: cho vay, thấu chi, cầm cố, sổ tiết kiệm, kiểm soát
STRICT SUPERVISION OF CREDIT SECURED BY SAVINGS
Abstract: Loans and overdrafts that are secured by savings and discounted valuable papers bring many benefits to customers and credit institutions. However, the fact shows that these forms of credit have also caused certain risks for credit institutions. On the other hand, these forms of credit have been used for unexpected purposes. Therefore, it is necessary to have strict supervision from the state agencies as well as from credit institutions so that these forms of credit could be developed in a healthy and safe manner for credit institutions.
Key words: loans, overdraft, mortgages, passbook, control
GIỚI THIỆU
Cho vay, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm và chiết khấu các giấy tờ có giá là các phương thức cấp tín dụng truyền thống quen thuộc của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Đây là các phương thức cấp tín dụng được các TCTD và khách hàng ưa thích sử dụng.
Đối với khách hàng, các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm giúp cho khách hàng thỏa mãn được nhu cầu vốn cho những mục đích đầu tư hay tiêu dùng cấp bách mà không cần phải rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn. Nói cách khác, các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm giúp cho khách hàng không bỏ lỡ những cơ hội đầu tư hấp dẫn hay tiêu dùng cấp bách mà vẫn bảo toàn được toàn bộ tiền lãi tiết kiệm đến ngày đến hạn. Các phương thức cấp tín dụng này cũng đơn giản về mặt thủ tục và thời gian xét duyệt cấp tín dụng của các TCTD cũng nhanh hơn so với các phương thức cấp tín dụng được bảo đảm bằng bất động sản hay các động sản như xe cộ và máy móc thiết bị. Do quan niệm cho rằng các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm ít rủi ro và khá an toàn vì đã có tài sản bảo đảm và nguồn hoàn trả vốn vay từ chính tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nên nhiều TCTD cũng không yêu cầu khách hàng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn vay hay khả năng tài chính để hoàn trả vốn vay cho các TCTD.
Đối với các TCTD, các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm được xem là khá an toàn vì khả năng xảy ra rủi ro rất thấp, vừa giúp các TCTD tăng trưởng được dư nợ, vừa không bị sụt giảm nguồn vốn huy động. Ngoài ra, còn giúp cho TCTD giữ chân được khách hàng gửi tiền (đặc biệt là các khách hàng VIP có số dư tiền gửi lớn và thường xuyên), bán chéo được nhiều sản phẩm. Chính vì quan niệm cho rằng các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm khá an toàn cho nên nhiều TCTD đã không ngần ngại chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào từ phía khách hàng có tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD, do đó, cũng đã xảy ra một số rủi ro cho các TCTD. Ngoài ra còn có hiện tượng lạm dụng các phương thức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm của các TCTD vào những mục đích không được cơ quan quản lý mong muốn.
Trước hiện tượng có một số TCTD cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay, ngày 6/9/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 7031/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cảnh báo về vấn đề này. Trong công văn này, NHNN cho biết qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Điều 7, Thông tư 39/2016/TT-NHNN, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay. Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD:
1. Kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.
2. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
3. Các TCTD phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
CÁC PHƯƠNG THỨC CẤP TÍN DỤNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CỦA TCTD
Các TCTD có thể thực hiện bằng các phương thức cấp tín dụng như cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm và chiết khấu các giấy tờ có giá (GTCG) là sổ tiết kiệm của khách hàng do các TCTD phát hành.
Cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm
Phương thức cấp tín dụng này còn được các TCTD ở Việt Nam gọi là cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Theo đó, khi khách hàng có tiền gửi tiết kiệm tại TCTD có nhu cầu vay cầm cố sổ tiết kiệm, khách hàng sẽ làm thủ tục vay vốn đồng thời chuyển giao sổ tiết kiệm còn trong thời hạn (chưa đến ngày đến hạn) cho TCTD cho vay để làm tài sản bảo đảm. TCTD cho vay sau khi kiểm tra đầy đủ các điều kiện cho vay sẽ nhập kho sổ tiết kiệm, đồng thời phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vay và giải ngân vốn vay cho khách hàng. Định kỳ hoặc đến ngày trả nợ cuối cùng được quy định trong hợp đồng tín dụng, khách hàng sẽ phải trả lãi và hoàn trả nợ gốc cho TCTD cho vay, hoặc TCTD cho vay sẽ bù trừ giữa nghĩa vụ nợ và số tiền nhận được vào ngày thanh toán nợ vay hoặc ngày đến hạn sổ tiết kiệm.
Phương thức cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm của các TCTD có thủ tục đơn giản. Các TCTD thường yêu cầu người vay chỉ cần cung cấp: (i) chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (còn thời hạn) hoặc Căn cước công dân; (ii) Bản gốc sổ tiết kiệm (nếu được TCTD phát hành); và (iii) Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án vay vốn. Đối với sổ tiết kiệm do TCTD khác phát hành, cần có thêm văn bản xác nhận phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của TCTD nhận tiền gửi. Ở một số TCTD, hợp đồng tín dụng kiêm hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá và kiêm biên bản định giá tài sản bảo đảm. Thời gian xét duyệt cho vay trong vòng 1 ngày.
Thời gian cho vay tùy theo đề nghị của khách hàng nhưng trong mọi trường hợp đều không vượt quá thời gian đến hạn còn lại của số tiết kiệm. Một số TCTD giới hạn thời hạn cho vay theo quy định riêng. Chẳng hạn như thời hạn cho vay bằng thời gian đến hạn còn lại của sổ tiết kiệm nhưng tối đa 12 tháng.
Mức cho vay của các TCTD đối với khách hàng tối đa bằng mệnh giá sổ tiết kiệm cộng tiền lãi nhận được khi đến hạn (nếu có) trừ đi lãi vay phải trả trong thời gian vay vốn. Một số TCTD cũng quy định tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 90% hay thậm chí 100% mệnh giá sổ tiết kiệm.
Lãi suất cho vay có thể được cố định hay được thả nổi tùy theo quy định của các TCTD và thông thường lãi suất cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng thấp hơn lãi suất cho vay có bảo đảm bằng động sản hay bất động sản. Lý do là vì cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có rủi ro thấp, đồng thời TCTD không tốn nhiều chi phí cho khâu thẩm định và xét duyệt cho vay.
Ở Việt Nam, phương thức cho vay này hiện đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó tại điều 7 quy định các TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
a. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
b. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
c. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
d. Có khả năng tài chính để trả nợ.
Đối chiếu thủ tục vay vốn của các TCTD với những quy định về điều kiện vay vốn của NHNN cho thấy khách hàng vay theo phương thức bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm còn thiếu những điều kiện vay vốn như nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ. Do đó khách hàng cần phải bổ sung phương án sử dụng vốn vay để các TCTD xem xét: (i) mục đích sử dụng vốn vay có hợp pháp hay không?; (ii) phương án sử dụng vốn vay có khả thi hay không?; và (iii) khả năng tài chính để trả nợ của khách hàng.
Thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm
Nhiều TCTD cũng đang cung cấp sản phẩm thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng. Điều kiện để sử dụng phương thức cấp tín dụng này là khách hàng phải có tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại TCTD cho vay. Để tạo thuận lợi cho khách hàng, nhiều TCTD cho phép khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm thấu chi trực tuyến (online) để giải ngân và trả nợ hoàn toàn trực tuyến. Tuy nhiên khách hàng có thể đề nghị được rút tiền mặt tại quầy giao dịch của TCTD hoặc tại các máy rút tiền mặt tự động (ATM). Hồ sơ thấu chi cũng giống như hồ sơ vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm (cho vay cầm cố sổ tiết kiệm). Thời gian xét duyệt cho thấu chi trong vòng 30 phút.
Hạn mức thấu chi được giới hạn ở mức tối thiểu (chẳng hạn 10 triệu đồng) hoặc tối đa (chẳng hạn 500 triệu đồng) tùy theo nhu cầu thấu chi của khách hàng nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 100% tổng giá trị các khoản tiền gửi tiết kiệm được bảo đảm cho hạn mức thấu chi.
Thời hạn thấu chi căn cứ vào thời gian đến hạn còn lại của các sổ tiết kiệm, nhưng cũng có thể không căn cứ thời gian đến hạn còn lại của các sổ tiết kiệm, mà được xác định như thời hạn thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán thông thường (tối đa 12 tháng).
Lãi vay tính trên dư nợ thấu chi và số ngày thấu chi thực tế và được thu lãi từ tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng vào cuối tháng, dư nợ gốc thấu chi được thu nợ vào thời điểm kết thúc thời hạn thấu chi.
Phương thức thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN Việt Nam về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. So với phương thức cho vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm, phương thức thấu chi có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có thủ tục vay vốn giống nhau nhưng thời gian xét duyệt cho vay thì nhanh chóng hơn nhiều.
Chiết khấu giấy tờ có giá là sổ hay thẻ tiết kiệm có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm
Thực chất của phương thức cấp tín dụng này là TCTD ứng trước tiền cho khách hàng và mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi GTCG của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
Mặc dù Thông tư 04/2013/TT-NHNN của NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, GTCG khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chỉ quy định các loại GTCG được các TCTD chiết khấu bao gồm trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do Chính phủ, chính quyền địa phương, NHNN, TCTD và các tổ chức khác phát hành. Tuy nhiên, vẫn có TCTD ban hành quy định nội bộ về các loại GTCG được chiết khấu bao gồm cả Sổ tiết kiệm.
Mặt khác, nếu so với Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có quy định về điều kiện vay vốn đối với khách hàng, thì Thông tư 04/2013/TT-NHNN của NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, GTCG khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng không có quy định về điều kiện chiết khấu đối với khách hàng, mà chỉ quy định về GTCG khác (không phải là công cụ chuyển nhượng) được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận chiết khấu khi có đủ các điều kiện sau:
a) Được phát hành hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của khách hàng; không có tranh chấp, không sử dụng để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ khác;
c) Được phép giao dịch (mua, bán, tặng, cho, chuyển đổi, chuyển nhượng, cầm cố, bảo lãnh và các giao dịch hợp pháp khác) theo quy định của pháp luật;
d) Chưa đến hạn thanh toán;
đ) Còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa.
Tuy vậy, hầu như TCTD nào trong quy định nội bộ của mình cũng đều quy định điều kiện đối với khách hàng khi thực hiện chiết khấu bao gồm những điều kiện như sau mà không yêu cầu phải có phương án sử dụng số tiền chiết khấu:
a. Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;
b. Sở hữu hợp pháp GTCG;
c. Sử dụng số tiền chiết khấu để thanh toán các giao dịch mà pháp luật không cấm;
d. Có khả năng tài chính để mua lại GTCG hoặc thanh toán đầy đủ số tiền chiết khấu, lãi chiết khấu và các chi phí hợp pháp khác cho TCTD theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng chiết khấu.
RỦI RO VÀ NHỮNG BIẾN TƯỚNG CỦA CÁC PHƯƠNG THỨC CHO VAY CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CỦA CÁC TCTD
Rủi ro đầu tiên là rủi ro người vay làm giả sổ tiết kiệm và thông đồng với cán bộ ngân hàng rút tiền gửi tiết kiệm hoặc dùng sổ tiết kiệm giả để cầm cố/thế chấp để vay tiền gây thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp và gây mất lòng tin của người gửi tiền.
Rủi ro thứ hai là lợi dụng lòng tin của khách hàng gửi tiền đưa sổ tiết kiệm cho cán bộ ngân hàng giữ và chính những người này lại quay ra làm giả hồ sơ để vay vốn bằng phương thức vay cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiết kiệm.
Rủi ro thứ ba là tiền gửi tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp được sử dụng để bảo đảm cho khoản vay gây thiệt hại cho ngân hàng cho vay mà vụ án Phạm Công Danh là một minh chứng.
Rủi ro khác bao gồm tiền gửi tiết kiệm đứng tên chung nhưng bị một trong các đồng sở hữu giả thủ tục để rút tiền hay cầm cố sổ tiết kiệm để vay, người đứng tên trên sổ tiết kiệm không phải là đại diện theo pháp luật của pháp nhân sở hữu tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tiết kiệm của cha mẹ nhờ con cái đi gửi tiết kiệm …
Bên cạnh những rủi ro như vừa kể trên thì do thủ tục cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm khá đơn giản và các TCTD cũng không mất nhiều thời gian, công sức cho khâu thẩm định tín dụng nên trong thực tế, các phương thức cấp tín dụng này đã bị lạm dụng cho nhiều mục đích không được cơ quan quản lý mong muốn.
Biến tướng đầu tiên là việc người gửi tiền tiết kiệm dùng một hoặc nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm để bảo đảm cho một hoặc nhiều khoản vay, rồi sau đó dùng các khoản tiền vay được để đầu tư vào các công cụ tài chính có lãi suất cao hơn như chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu doanh nghiệp, làm dịch chuyển nguồn vốn huy động giữa các TCTD và làm tăng chi phí vốn cho các TCTD, mặt khác tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn cho người gửi tiền do các công cụ đầu tư không được xếp hạng tín nhiệm và không có bảo đảm.
Biến tướng thứ hai là việc đơn giản hóa về thủ tục và dễ dãi trong khâu thẩm định ở một số trường hợp vô tình các TCTD tiếp tay cho khách hàng sử dụng vốn vào các mục đích đầu cơ như đầu cơ vàng, ngoại tệ ở thị trường phi chính thức, đảo nợ hay đầu cơ vào bất động sản đang sốt ảo.
Biến tướng thứ ba là để đạt được các chỉ tiêu kinh doanh được giao, các chi nhánh của các TCTD có thể tư vấn hay nhờ vả khách hàng gửi tiền tiết kiệm dùng tiền gửi tiết kiệm đang có tại TCTD làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngắn ngày, giúp cho các chi nhánh đạt được các chỉ tiêu kinh doanh vào những thời điểm nhạy cảm như cuối tháng, cuối quý hay cuối năm. Qua những thời điểm đó, khách hàng sẽ được tất toán khoản vay và lãi vay sẽ được TCTD chia sẻ với khách hàng. Việc làm này vô hình trung tạo ra tăng trưởng tín dụng ảo trong hệ thống, đồng thời không có tác động làm tăng hiệu quả kinh doanh thật sự cho các TCTD.
KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ CÁC KHOẢN CẤP TÍN DỤNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM
Trước đây, khi khách hàng gửi tiền có kỳ hạn được rút trước hạn, khách hàng có thể được TCTD trả bằng lãi suất có kỳ hạn tương ứng với kỳ hạn mà khách hàng đã gửi được cộng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tương ứng với số ngày còn lại tính đến ngày khách hàng đề nghị rút trước hạn. Cách trả lãi này có ưu điểm là khuyến khích khách hàng gửi các kỳ hạn dài, tuy nhiên, nhược điểm của nó là có thể gây ra rủi ro thanh khoản cho các TCTD và phá vỡ kế hoạch kinh doanh của các TCTD khi có quá nhiều khách hàng gửi tiền đề nghị rút trước hạn.
Để hạn chế rủi ro thanh khoản cho các TCTD, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-NHNN quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD. Theo đó trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn, TCTD áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD theo từng đồng tiền. Quy định này có ưu điểm là buộc người gửi tiền phải cân nhắc cẩn thận kỳ hạn chọn gửi nếu không muốn bị mất gần như toàn bộ tiền lãi tiết kiệm nhận được trong trường hợp rút trước hạn, đồng thời, cũng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khách hàng đề nghị rút trước hạn trong trường hợp TCTD có thỏa thuận cho khách hàng được rút trước hạn, giảm thiểu rủi ro thanh khoản cho các TCTD. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ khiến khách hàng gửi tiền dè dặt hơn trong việc chọn gửi các kỳ hạn dài, trong khi các TCTD đang muốn gia tăng được nguồn vốn huy động dài hạn để đáp ứng được tỷ lệ cho vay trung dài hạn của các TCTD theo quy định của NHNN.
Do đó, để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm ở những kỳ hạn dài, hầu hết các TCTD đều có thỏa thuận về việc khách hàng được rút trước hạn và trong trường hợp cần vốn đột xuất hay cấp bách để đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng, thanh toán hay trả nợ đều được các TCTD sẵn sàng cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Trong trường hợp này, khách hàng được lợi kép là vừa bảo toàn được toàn bộ tiền lãi tiền gửi tiết kiệm đến hạn, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, thanh toán, trả nợ hay đầu tư, kinh doanh kiếm lời mà chỉ phải trả cho các TCTD một khoản tiền lãi vay không đáng kể so với tiền lãi tiết kiệm và lợi nhuận đầu tư, kinh doanh kiếm được. Nói cách khác, so với việc TCTD cho khách hàng rút trước hạn và trả lãi cho khách hàng bằng lãi tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, lợi nhuận các TCTD thu về khi cho khách hàng vay có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm sẽ thấp hơn. Hầu như TCTD nào cũng đều biết rõ việc này nhưng vẫn sẵn sàng cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm khi khách hàng có yêu cầu để cạnh tranh, giữ chân khách hàng, ổn định được nguồn vốn huy động và tăng trưởng tín dụng cho chi nhánh, giúp cán bộ ngân hàng đạt được các chỉ tiêu kinh doanh (KPI), từ đó gây ra một số rủi ro và biến tướng trong các hoạt động cấp tín dụng này.
Để hạn chế rủi ro và những biến tướng không mong muốn, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giúp cho các hoạt động cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm nói riêng, các loại GTCG nói chung được an toàn và phát triển lành mạnh.
Trước hết đối với TCTD, cần ban hành đầy đủ các quy định nội bộ về các hoạt động cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và các loại GTCG, trong đó cần quy định đầy đủ và rõ ràng về các điều kiện và các thủ tục cấp tín dụng phù hợp với Thông tư quy định về hoạt động cho vay và chiết khấu các GTCG của NHNN. Nghiêm cấm cán bộ tín dụng không được đề nghị cấp tín dụng cho những mục đích không hợp pháp như đảo nợ, cho vay nặng lãi, đầu cơ vào các công cụ có độ rủi ro cao, không đề nghị cấp tín dụng cho khách hàng cầm cố/thế chấp tiền gửi tiết kiệm quá 2 lần. Quy định cụ thể các biện pháp kiểm soát trước khi giải ngân vốn vay nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng giả mạo sổ tiết kiệm, chứng từ gửi tiền, tình trạng thông đồng giữa cán bộ của TCTD với người phạm tội để cầm cố/thế chấp tiền gửi tiết kiệm gây thiệt hại cho người sở hữu và/hoặc các TCTD. Quy định hạn mức cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm cho toàn hệ thống TCTD. Tăng cường kiểm soát nội bộ các khoản cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm ở những thời điểm nhạy cảm như cuối tháng, cuối quý, cuối năm. Quy định chỉ tiêu kinh doanh (KPI) cho cán bộ tín dụng tính trên dư nợ bình quân tháng hoặc ngày.
Đối với cơ quan quản lý, cần gia tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD khác, các khoản tái cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm, các khoản cấp tín dụng có bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm có thời hạn đã gửi thấp hơn ½ kỳ hạn gửi tiết kiệm để tính hệ số an toàn vốn của các TCTD, giảm tỷ lệ khấu trừ đối với tài sản bảo đảm là các GTCG để tính dự phòng cụ thể. Giao hạn mức tín dụng hàng năm cho các TCTD tính trên dư nợ tín dụng bình quân ngày của năm vừa qua. Tăng cường thanh tra các khoản cấp tín dụng có bảo đảm bằng GTCG ở những thời điểm nhạy cảm như cuối tháng, cuối quý, cuối năm.
Tài liệu tham khảo:
- NHNN (2011), Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10 tháng 03 năm 2011 của NHNN Việt Nam quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại TCTD;
- NHNN (2013), Thông tư 04/2013/TT-NHNN ngày 01 tháng 03 năm 2013 của NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, GTCG khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
- NHNN (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của NHNN Việt Nam về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
- NHNN (2018), Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của NHNN Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm.
- NHNN (2019), công văn số 7031/NHNN-TTGSNH về cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay;
- Anh Vũ (2019), Cảnh báo tình trạng giả sổ tiết kiệm, https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/canh-bao-tinh-trang-gia-so-tiet-kiem-1041655.html; truy cập ngày 2/19/2019.