Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý tài chính xanh và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Thanh Thanh| 23/02/2022 15:04
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là hai trong số các đề xuất quan trọng của Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tại VBF lần thứ 24 vừa diễn ra hôm 21/2/2022.

Tại Diễn đàn, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc kiểm soát làn sóng COVID-19 lần 4, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, đạt được GDP cả năm tăng 2,58%, duy trì vị thế tốt thu hút FDI và kỳ vọng kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022, Nhóm Công tác lưu ý một số vấn đề để Việt Nam phát huy vai trò của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch.

Hoan nghênh sự chỉ đạo và các chính sách của Chính phủ và NHNN nhằm phát huy vai trò của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch (nổi bật như: Chính sách của Chính phủ và NHNN về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, miễn giảm phí, lãi ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua Nghị quyết 63/NQ-CP và Thông tư 03 và 14/2021/TT-NHNN; Các giải pháp về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp - cá nhân - Giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được đưa ra trong Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15…).

Nhóm Công tác bày tỏ mong muốn nhận được phản hồi và chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN trong vấn đề Truy thu hồi tố thuế GTGT đối với phí Thư tín dụng (L/C). “Chúng tôi ủng hộ quan điểm của NHNN và đề xuất không truy thu hồi tố thuế GTGT trong giai đoạn 10 năm để tháo gỡ các khó khăn, gánh nặng thuế …”- đại diện Nhóm Công tác lên tiếng.

Nhóm công tác cũng đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) khi cần thiết.

Đặc biệt, liên quan đến tài chính xanh – chủ đề quan trọng đang được quan tâm nhằm đảm bảo sự phục hồi sau đại dịch, Nhóm Công tác khẳng định đây là là một trong những mang tính bao trùm, kiên trì và bền vững.

Nhắc lại việc tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 Glasgow, Việt Nam đã cam kết mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Nhóm Công tác cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cùng một số văn bản pháp lý liên quan nhằm mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế xanh và bền vững. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện còn nhiều thách thức với các vướng mắc về nhận thức hạn chế, thị trường trái phiếu/cổ phiếu xanh còn sơ khởi với sản phẩm hạn chế, nguồn tài chính eo hẹp cho các dự án xanh.

Do đó, Nhóm Công tác đề xuất một số kiến nghị để tăng cường vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tài chính xanh, kết hợp với việc hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh COVID .

Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, thu hút vốn đầu tư cho phát triển xanh. NHNN cũng cần sớm ban hành các văn bản, quy định về tín dụng xanh theo hướng cụ thể và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi cung cấp tín dụng xanh.

Thứ hai, đề nghị cho phép phát triển các giải pháp tài trợ thương mại bền vững mới của ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng các phương thức hoạt động bền vững hơn trong toàn bộ hệ sinh thái của họ cũng như xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, khuyến khích khách hàng cải thiện tính minh bạch trong công bố thông tin, báo cáo và cách sử dụng các nguồn tài nguyên, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị “ESG”. Thông qua các giải pháp như Tài trợ chuỗi cung ứng bền vững cho nhà cung cấp (SCF-Suppy Chain Finance), các ngân hàng có thể tiếp cận đa dạng các đối tượng trong chuỗi cung ứng phức tạp, hướng tới mục tiêu kép trong việc hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời khuyến khích phát triển và áp dụng tiêu chuẩn bền vững trong hoạt động kinh doanh, tăng trưởng trong dài hạn.

Trong kiến nghị của mình, Nhóm Công tác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chuyển đổi số ngành tài chính – ngân hàng trong quá trình phục hồi nền kinh tế.

“Có thể thấy, chuyển đổi số được coi là “vaccine” và động lực giúp các ngành kinh tế vượt qua đại dịch một cách hiệu quả hơn và ngành tài chính - ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt kiến tạo hệ sinh thái số về tài chính toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

“Chúng tôi đánh giá cao định hướng Chuyển đổi số của Chính phủ cũng như việc NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 với các định hướng mục tiêu và giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, thực tiễn chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và các lĩnh vực khác vẫn còn gặp một vài thách thức như thiếu đồng bộ của các quy định pháp lý liên quan, chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng để hình thành hệ sinh thái số; thách thức về thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng; đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số…”, Nhóm Công tác trình bày.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử mới, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, ban hành Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng để đưa ra những chỉ dẫn phù hợp, cụ thể hơn.

Cùng với đó, ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, nghiên cứu khung pháp lý cho phép áp dụng các sản phẩm quản lý dòng tiền – kết chuyển tiền mặt hữu hình tại Việt Nam.

Nhóm Công tác cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế phân cấp chia sẻ thông tin, cho phép ngành Ngân hàng được kết nối và khai thác thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý tài chính xanh và chuyển đổi số ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO