Tin Hiệp hội Ngân hàng

Kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trong ngân hàng, xây dựng lại niềm tin của khách hàng

Minh Ngọc 20/07/2023 20:09

Ngày 20/7/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Công ty LUCID Groupe Pte.Ltd (LUCID) và đối tác Feedzai tổ chức Hội thảo “Xây dựng lại niềm tin, khôi phục lợi nhuận: Phòng chống lừa đảo trong hoạt động ngân hàng”.

ngan-hang-giam-sat-la-gi.jpg
toan-canh.jpg
Quang cảnh hội thảo

Niềm tin của khách hàng là “tài sản” quan trọng 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các dịch vụ ngân hàng số, tài chính số ngày càng phát triển đã đem lại lợi ích to lớn, giúp cho mọi người dân có nhiều trải nghiệm với sản phẩm mới, với chi phí hợp lý đặc biệt là người yếu thế, nhờ đó cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành và tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và gắn kết khách hàng..

vnba.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh những thuận lợi, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: (i) Kiến thức về công nghệ, kiến thức về sản phẩm dịch vụ ngân hàng của khách hàng còn hạn chế; (ii) Quy định về ngân hàng số, tài chính số của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có sự điều chỉnh kịp thời với tốc độ phát triển của sản phẩm dịch vụ nên khi có các rủi ro xảy ra thì cách thức giải quyết và xử lý chưa hiệu quả; (iii) Tình trạng lừa đảo liên quan đến các dịch vụ ngân hàng số ngày càng tinh vi, phức tạp và gia tăng. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến uy tín danh tiếng của TCTD.

Mức độ thành công, giá trị và uy tín của một doanh nghiệp được đo đếm bằng niềm tin của khách hàng, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng và xem đây là “tài sản” quan trọng không kém doanh thu hay lợi nhuận. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, khách hàng càng trở nên thận trọng hơn trong lựa chọn và sử dụng các dịch vụ, thương hiệu. Niềm tin và sự hài lòng đối với một thương hiệu tác động trực tiếp đến lựa chọn này.

“Tôi hy vọng rằng, hội thảo sẽ là cơ hội để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để phòng chống lừa đảo trong ngân hàng, xây dựng lại niềm tin của khách hàng, qua đó giúp các TCTD phát triển ổn định, bền vững”, ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

chuyen-gia.jpg
Các chuyên gia chia sẻ về phòng ngừa rủi ro gian lận tại hội thảo

Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp hơn

Thông tin về tình hình gian lận tại Việt Nam, ông Tuck Chan – Nhà sáng lập và CEO của LUCID cho biết, theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã dần trở nên tinh vi và chuyên nghiệp hơn. Riêng về lừa đảo qua email, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á.

Dữ liệu của Securelist cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phần mềm độc hại trực tuyến bị tấn công cao nhất Đông Nam Á. Thiệt hại tại Việt Nam được ghi nhận lên tới 374 triệu USD vào năm 2021. Như vậy, trung bình mỗi vụ lừa đảo tại Việt Nam gây thiệt hại lên tới 4.200 USD.

Dẫn chứng về hậu quả của các chiêu trò gian lận, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chuyên gia Feedzai đánh giá là “tàn khốc” bởi không chỉ tác động tiêu cực đến tài chính và con người, mà thậm chí là danh tiếng của ngân hàng. Theo dữ liệu từ Feedzai, tại Việt Nam, lừa đảo trực tuyến 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt thủ đoạn lừa đảo mới như giả danh nhân viên ngân hàng, gọi video để lấy thông tin hình ảnh, kích hoạt nhận dạng ngân hàng, giả dạng thu hồi nợ... đã khiến niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng suy giảm, với 37% khách hàng đóng tài khoản hoặc giảm đáng kể mức sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Khảo sát toàn cầu của PwC về tội phạm kinh tế và gian lận cho thấy, các tội phạm chính thực hiện các hành vi gian lận nghiêm trọng nhất là tội phạm bên ngoài (43%), tội phạm nội bộ (31%), thông đồng giữa nội bộ và bên ngoài (26%). Nguyên nhân được nhận diện tại các ngân hàng, tổ chức tài chính là do: Chức năng giám sát rủi ro tội phạm tài chính chưa hiệu quả; cách tiếp cận chưa mang tính chiến lược, mô hình đơn lẻ chưa có sự phối hợp nhất quán; công tác KYC chưa hiệu quả dẫn đến gia tăng rủi ro tội phạm tài chính; chức năng quản trị rủi ro gặp khó khăn khi lượng giao dịch tăng đột biến trong thời gian ngắn; công tác truyền thông nội bộ yếu; dữ liệu không đầy đủ; chưa có nền tảng công nghệ hỗ trợ công tác quản trị rủi ro gian lận hoặc môi trường hệ thống phát hiện gian lận không đủ linh hoạt…

Phương pháp phòng chống gian lận hiệu quả nhất là công nghệ và chuyên môn

Chia sẻ về giải quyết gian lận, chuyên gia Feedzai cho biết, công ty liên tục triển khai các mô hình và bản nâng cấp mới trong đám mây để bảo vệ khách hàng. Cụ thể, công ty sử dụng các dịch vụ làm giàu dữ liệu, tận dụng trí thông minh của các dịch vụ dữ liệu ngân hàng thích hợp, cộng với thiết bị và sinh trắc học và xác thực trong các mô hình của Feedzai. Trong đó, hơn 200 tính năng được lựa chọn cẩn thận đã được đưa vào các mô hình lừa đảo của Feedzai.

Chuyên gia Feedzai cũng nhấn mạnh, phương pháp phòng chống gian lận hiệu quả nhất là công nghệ và chuyên môn.

818502c9-2dad-4d12-b6c6-3604028d0234-.png.jpg
Nguồn: Báo cáo của Feedzai ngày 20/7/2023

Chia sẻ về xu hướng pháp lý, các phương pháp hiệu quả để phòng chống gian lận tại Việt Nam, chuyên gia PwC Việt Nam nhận định, công tác kiểm toán nội bộ đóng vai trò quan trọng, cùng với việc xây dựng một môi trường tin cậy và chủ động theo dõi các hoạt động đáng ngờ sẽ giúp nhận diện gian lận hiệu quả hơn.

Theo đó, chức năng giám sát và cơ chế phối hợp cần thực sự vận hành hiệu quả, thường xuyên rà soát và cập nhật các quy tắc và mô hình giám sát giao dịch. Bên cạnh đó, cần thiết lập và triển khai công tác đánh giá rủi ro gian lận để hỗ trợ cho các tổ chức nhận biết được các đe dọa tiềm ẩn, từ đó có những hoạt động phù hợp để quản trị và giảm thiểu rủi ro.

Hiện nay, hình thái gian lận ngày càng tinh vi và thay đổi một cách nhanh chóng, do đó, hệ thống phát hiện gian lận cần có khả năng linh hoạt và tương tác tốt với các ứng dụng/hệ thống nghiệp vụ.

“Các tổ chức cần xem xét dữ liệu như dữ liệu sẵn có, dữ liệu chính xác, dữ liệu hoàn chỉnh… đã sẵn sàng để đưa vào hệ thống phát hiện chưa? Đồng thời thường xuyên đánh giá và cập nhật các KRI cho gian lận để hiểu được tác động và trạng thái rủi ro gian lận thực sự của tổ chức”, chuyên gia PwC nói thêm.

Cơ chế tố giác tội phạm cũng góp phần không nhỏ trong việc phát hiện gian lận với số vụ việc phát hiện tăng từ mức 6% lên mức 11%. Cùng đó là việc dựa vào các phần mềm công nghệ giám sát giao dịch đáng ngờ đã giúp phát hiện gian lận từ mức 13% lên mức 17% nhờ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). 

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi và làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến đảm bảo  phòng ngừa rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn.

Trong kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: Hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến an toàn hoạt động tại các ngân hàng hiện nay, giúp  các ngân hàng có cái nhìn cụ thể, thực tế hơn về phòng chống lừa đảo trong hoạt động ngân hàng.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trong ngân hàng, xây dựng lại niềm tin của khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO