Tại một số nước, việc xây dựng nhà ở cho người bình dân nhiều khi hướng đến mục đích cho thuê để đảm bảo phần đông người dân có chỗ ở chứ không chỉ dành cho mục đích bán.
Sáng ngày 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Như ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần quy định đối với nhà ở xã hội là 100% cho thuê, trong khi tại Việt Nam chỉ cho phép 20% cho thuê.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có thống kê đối tượng nhà ở xã hội. Cần có những nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng xây nhà ở xã hội vô cùng tốn kém nhưng lại phục phục không đúng đối tượng.
TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, nếu không nghiên cứu kỹ, sẽ dễ gặp hệ lụy, bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay.
Rủi ro nữa là bán nhà sai đối tượng. Vì thế, không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà, họ mới có tiền mua nhà ở xã hội.
Dẫn kinh nghiệm phát triển nhà ở vừa túi tiền tại nhiều nước trên thế giới, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cho biết, sau 2 năm COVID-19, thế giới trải qua nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều nước trên thế giới gặp khủng hoảng về nhà ở, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia và vùng lãnh thổ Mỹ, châu Âu, trong đó có Đức hay Trung Quốc đều đang đối mặt với vấn đề này.
Ví như ở Mỹ, Liên minh Nhà ở Thu nhập thấp Quốc gia (National Low-Income Housing Coalition) cho biết, nước này hiện đang thiếu 5,5 đến 7,3 triệu căn nhà ở vừa túi tiền. Còn theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ (NAR), thị trường đang thiếu 320.000 căn dưới mức giá 256.000 USD. Do đó, mỗi năm nước Mỹ sẽ phải xây thêm 550.000 căn nhà để bù vào số lượng căn còn thiếu. 3 bang là California, Florida và Texas chiếm 40% số căn hộ này.
Vậy chính quyền Mỹ đã làm gì để giải quyết vấn đề nhà ở vừa túi tiền? Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho biết, chính quyền Mỹ đã sử dụng các quỹ trong Kế hoạch Giải cứu Người Mỹ (American Rescue Plan) nhằm tạo lập thêm nhiều nhà ở cho thuê vừa túi tiền.
Trong khi đó, chính quyền bang California tài trợ chuyển đổi các không gian văn phòng sử dụng không hiệu quả thành nhà ở vừa túi tiền; hỗ trợ 8.000 USD cho người thu nhập thấp thuộc diện được thuê nhà ở vừa túi tiền để trả các loại chi phí như thẩm định giá, phí luật sư…; ưu đãi thuế cho các nhà phát triển dành 20% số căn hộ để làm nhà vừa túi tiền... Đặc biệt, ngân hàng cho vay thế chấp 100% giá trị hợp đồng.
Còn tại Đức, đất nước giàu có hàng đầu châu Âu nhưng tỷ lệ sở hữu nhà ở khá thấp, chỉ 46%. Chính phủ Đức cũng phải can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính để giải quyết vấn đề nhà ở vừa túi tiền cho người dân.
Tại châu Á, Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu bổ sung 6,5 triệu căn nhà ở mới cho thuê thu nhập thấp ở 40 thành phố chính đến năm 2025, đồng thời áp dụng 17 giải pháp tài chính và phi tài chính, các ngân hàng cũng nắn dòng chảy tài chính cho nhà ở vừa túi tiền.
Từ các dẫn chứng trên Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, phát triển nhà ở vừa túi tiền càng ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước trên thế giới.