Kinh nghiệm Trung Quốc về mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt

TS. Lê Đình Hạc| 23/01/2019 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Một trong các giải pháp để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)  trong nền kinh tế là mở rộng thanh toán trên các thiết bị di động, vì tiện lợi, nhanh chóng và xu hướng người dân sử dụng các thiết bị di động ngày càng rộng rãi và tăng nhanh. Kinh nghiệm của Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới và có nhiều đặc điểm kinh tế - xã hội tương đồng, là sự tham khảo tích cực cho Việt Nam trong thực hiện phát triển TTKDTM.

Các hệ thống thanh toán tại Trung Quốc

Trong những năm gần đây, sự phát triển của các hệ thống thanh toán tại Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển TTKDTM, nhất là dịch vụ thanh toán di động ở Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán ở Trung Quốc đã làm tăng nhanh tốc độ chu chuyển luồng vốn và trao đổi thương mại, thúc đẩy quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá, tiền tệ, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trung Quốc đã thiết lập được một hệ thống thanh toán bao gồm 3 cấp: Ngân hàng Trung ương (NHTW), ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức phi tài chính, tạo thành một hệ thống đồng bộ, ngày càng hoàn thiện và thống nhất trên toàn quốc, với nòng cốt là hệ thống thanh toán giá trị cao (HVPS) và hệ thống thanh toán điện tử giá trị thấp theo lô (BEPS), cùng với hệ thống thanh toán séc (CIS), hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH), hệ thống thanh toán nội bộ của các NHTM, hệ thống thanh toán bù trừ thẻ liên ngân hàng (CUP), hệ thống thanh toán ngoại tệ trong nước (CDFCPS) là những cấu phần quan trọng trong hệ thống thanh toán quốc gia. Trong đó, NHTW (PBOC) giữ vai trò là Nhà vận hành hệ thống HVPS và BEPS, CIS, đồng thời là người quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán khác. Đặc biệt, đối với hệ thống thanh toán CUP, PBOC tuy không trực tiếp vận hành, nhưng đã định hướng trực tiếp và có nhiều hỗ trợ trong quá trình hình thành và phát triển.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu thế kết nối giữa các hệ thống thanh toán và quyết toán tại Trung Quốc ngày càng được tăng cường mở rộng với nòng cốt là Hệ thống HVPS. Hệ thống HVPS đã kết nối trực tiếp tới các hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng, hệ thống trái phiếu Trung ương, hệ thống giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ thẻ liên ngân hàng của CUP, hệ thống xử lý giấy tờ có giá của các NHTM,... Do đó, sự an toàn và ổn định trong vận hành của các hệ thống thanh toán tại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào sự vận hành của Hệ thống thanh toán HVPS.

Việc phát triển các hệ thống thanh toán tại Trung Quốc hiện nay tuy chịu sự chi phối của các động lực thị trường, nhưng vai trò của Nhà nước và Chính phủ vẫn là nhân tố đặc biệt quan trọng. Việc đầu tư phát triển các hệ thống thanh toán và tạo lập hệ thống thanh toán cốt lõi, xương sống trong nền kinh tế đòi hỏi cần phải có sự can thiệp của Nhà nước và Chính phủ. Trên cơ sở đó, các hệ thống thanh toán khác như hệ thống thanh toán bán lẻ, hệ thống thanh toán chứng khoán, hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng,... sẽ được kết nối với hệ thống thanh toán cốt lõi nhằm đảm bảo thông suốt cho hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Sự phát triển các hệ thống thanh toán đã giúp cho các phương tiện thanh toán qua ngân hàng ở Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng nhanh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế tiền mặt.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và Internet, hoạt động thanh toán điện tử của Trung Quốc đã duy trì đà tăng trưởng mạnh, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thương mại điện tử. Đặc biệt, hoạt động thanh toán qua Internet phát triển rất nhanh với mức tăng đột biến về khối lượng giao dịch. Hiện tăng trưởng phát hành thẻ ngân hàng đã chậm lại do gần tới ngưỡng, nhưng tỷ lệ thẻ tín dụng được phát hành đang tăng nhanh hơn. Các ngân hàng cũng tập trung vào chất lượng và hiệu quả của thẻ, đặc biệt chất lượng của các dịch vụ thẻ, thay vì chạy theo số lượng như trước đây.

Môi trường chấp nhận thẻ ngân hàng tại Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, tính tiện ích và tiện lợi đối với người dân đang ngày càng rõ ràng hơn. Việc phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng được thực hiện theo quy chế quản lý nghiệp vụ thẻ ngân hàng của NHTW Trung Quốc, trong đó quy định rõ các ngân hàng thương mại muốn phát hành thẻ phải có đủ điều kiện và được NHTW cho phép. Để bảo đảm an toàn hoạt động các máy móc, thiết bị phục vụ thanh toán thẻ như ATM, POS,... PBOC phối hợp với Bộ Công an nhằm điều tra và trấn áp tội phạm liên quan tới việc làm thẻ giả và gian lận thẻ, trừng trị nghiêm khắc đối với các hoạt động gian lận thẻ.

Trong đẩy mạnh phát triển TTKDTM, vai trò của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc là rất quan trọng; cần thiết phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, kể cả các biện pháp hành chính bắt buộc trong quan hệ thanh toán đối với một số lĩnh vực cụ thể, nhất là trong chi tiêu ngân sách nhà nước. Những kinh nghiệm trong việc phát triển hoạt động TTKDTM tại Trung Quốc là bài học cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển TTKDTM.

Kinh nghiệm phát triển thanh toán trên các thiết bị di động ở Trung Quốc

Ở các nước phát triển, hầu hết người dân đều có các tài khoản ngân hàng và việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thanh toán cho hàng hoá và dịch vụ đã trở nên rất thông dụng. Vì vậy, thanh toán di động hay ví tiền điện tử khó có thể “chen chân” vào một thị trường đã bão hoà. Tuy nhiên, ở các quốc gia mà một phần không nhỏ dân cư không có tài khoản ngân hàng trong khi các công ty viễn thông lại phủ sóng rộng rãi như Trung Quốc thì thanh toán qua điện thoại di động hay ví tiền điện tử có cơ hội phát triển nhanh chóng.

Thành công của thanh toán trên thiết bị di động ở Trung Quốc thể hiện rõ ràng nhất qua 3 lĩnh vực:

Thứ nhất, thanh toán qua điện thoại di động: Mua sắm trực tuyến được đẩy mạnh cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh. Điều tra tại Trung Quốc cho thấy, có 95% người sử dụng internet bằng điện thoại di động.

Alipay, dịch vụ thanh toán của Alibaba đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn cho ví tiền điện tử, tuy nhiên nó cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi Tencent - một công ty game và tin nhắn trình diện chức năng thanh toán cho ứng dụng của điện thoại Wechat với số người sử dụng lên tới 889 triệu tài khoản vào quý IV/2016 (Statista, 2017).

Thứ hai, ví tiền thông minh: Ví tiền thông minh là sự cải tiến đặc biệt, khi ứng dụng trên điện thoại di động có thể kết nối trực tuyến tới các giao dịch bán lẻ trực tiếp. Mã vạch có dạng ma trận (QR code) đã có mặt khắp nơi ở các cửa hàng bán lẻ hay quán ăn sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc. Người sử dụng chỉ đơn giản mở ứng dụng Wechat hay Alipay chụp QR code và thanh toán hay là người bán hàng thu tiền của khách hàng bằng việc chụp ma trận mã vạch của khách hàng.

Thứ ba, thương mại điện tử giúp tiếp cận các khách hàng nhỏ lẻ. Hầu hết các ngân hàng ở Trung Quốc đã bỏ qua những người vay tiền số lượng ít mà chỉ tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước vay. Thêm vào đó, sự thiếu vắng hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân đã khiến cho các ngân hàng lưỡng lự khi cho các cá nhân vay.

Với sự ra đời của thương mại điện tử, xếp hạng tín dụng cho khách hàng đã được tạo ra nhờ sử dụng các thông tin cá nhân và lịch sử các giao dịch mua sắm trực tuyến. Alibaba và JD.com, hai cổng thanh toán điện tử lớn nhất của Trung Quốc cho phép người tiêu dùng có thể vay với số tiền nhỏ hơn 10.000 NDT.

Các yếu tố tác động đến mô hình thanh toán di động tại Trung Quốc

Yếu tố cơ bản tác động đến các mô hình thanh toán di động ở Trung Quốc chính là các quy định thắt chặt yêu cầu về giấy phép hoạt động tài chính cho các công ty nhận tiền gửi hoặc cung cấp các dịch vụ thanh toán. Các tổ chức phi tài chính muốn cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử bắt buộc phải có giấy phép tài chính hoặc là đối tác với một công ty đã được cấp giấy phép nếu không muốn bị chấm dứt hoạt động.

Yếu tố thứ hai là cạnh tranh giữa những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và các ngân hàng tại Trung Quốc. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại có lợi thế về số lượng thuê bao và cơ sở hạ tầng của mạng di động thì các ngân hàng Trung Quốc lại có lợi thế về vốn và vị thế trên thị trường.

Một yếu tố khác có tác động tích cực là thị trường dành cho thanh toán qua điện thoại di động ở Trung Quốc có tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng lên trong những năm gần đây, góp phần mở rộng thị trường thanh toán di động trong tương lai gần và tạo ra những cơ hội cho người chơi cũng như các mô hình hoạt động.

Thực trạng thanh toán di động tại Trung Quốc

Các nhà cung cấp mạng di động: Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cải cách và thành lập ba nhà cung cấp mạng di động China Mobile, China Telecom và China Unicom (giảm số lượng các nhà cung cấp từ 6 xuống còn 3). Nhiệm vụ chính của các nhà mạng là đẩy mạnh thị trường viễn thông của Trung Quốc, đặc biệt khi công nghệ 3G được cấp phép vào cuối 2008. Ba nhà mạng này đã tạo nên một thế độc quyền chặt chẽ có vị thế lớn trên thị trường và theo đuổi chiến lược hội nhập theo chiều dọc hoặc là trực tiếp mua lại, hoặc là đầu tư vào các công ty hay hình thành các liên minh chiến lược.

Các ngân hàng thương mại: Đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược thị trường của họ trong ngành công nghiệp thanh toán qua mạng di động là sự non trẻ của thị trường tín dụng tiêu dùng, sự thiếu kinh nghiệm trong tín dụng tiêu dùng và thiếu tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng qua hệ thống mạng nơi mà các nhà cung cấp dịch vụ di động thống trị. Giải pháp cho các ngân hàng chính là kết hợp với các nhà mạng hoặc tự xây dựng cơ sở hạ tầng tín dụng của riêng họ bằng cách thu hút các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp bán lẻ.

Các ngân hàng Trung Quốc đã theo đuổi cả hai chiến lược trên. Ngoài ra, các ngân hàng còn thử tạo ra một hệ thống tín dụng song song. Năm 2009, PBOC đã phát triển một nền tảng dịch vụ tài chính liên ngân hàng tiêu chuẩn qua mạng, thế hệ thứ hai của hệ thống thanh toán qua mạng được gọi là Super Internet Bank hay là Super e bank.

Thanh toán qua bên thứ ba: Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và suy thoái của thẻ tín dụng, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán qua mạng di động. Những nhà cung cấp dịch vụ thứ ba này đã chiếm lĩnh thị trường với thị phần tương ứng cho Alipay và TenPay là 54% và 37% (đến quý IV/2016), đe dọa những nỗ lực của các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Alibaba thậm chí còn xây dựng mạng lưới riêng của mình kể cả ở nước ngoài, trong đó 110.000 cửa hàng chấp nhận Alipay (Louise, 2017).

Thanh toán di động sẽ là giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh nghiệm phát triển TTKDTM của Trung Quốc là kinh nghiệm lớn cho Việt Nam trong việc phát triển TTKDTM qua ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan cần phải nỗ lực hơn nữa để TTKDTM qua ngân hàng tại Việt Nam ngày càng lành mạnh và hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội vì để phát triển các phương tiện TTKDTM qua ngân hàng trong nền kinh tế cần có sự phối hợp và được sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc ban hành hệ thống văn bản quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ giúp cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hệ thống thanh toán được bảo vệ quyền lợi, tạo ra sự an tâm và tin tưởng, từ đó sẽ giúp cho việc sử dụng các phương tiện TTKDTM qua ngân hàng ngày càng phổ biến hơnu

Tài liệu tham khảo:

- Chính phủ, 2016, Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành “Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.

- Chính phủ, 2007, Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành “Về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN”.

- Chính phủ, 2012, Nghị định số  101/2012/NĐ-CP ngày 27/12/2012 của Thủ Tướng Chính phủ ban hành về “Thanh toán không dùng tiền mặt”.

- Chính phủ, 2016, Nghị đinh số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Thủ Tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số  101/2012/NĐ-CP ngày 27/12/2012 của Thủ Tướng Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2015, Định hướng, giải pháp phát triển thanh toán điện tử đến năm 2020.

- Kim Darrah (2017). Top five most innovative digital banks. Địa chỉ: [https://www.worldfinance.com/banking/top-five-most-innovative-digital-banks [truy cập 10/10/2017]

- http://www.dbs.com/awards/best-digital-bank.page (Truy cập 10/10/2017)

- China pament system development report (2006) website: http://euro.ecom.cmu.edu/resources/elibrary/epay/ChinasPaymentSystems.pdf

- Mobile Pament usage in China report (2017) website: https://www.ipsos.com/sites/default/files/ct/publication/documents/2017-08/Mobile_payments_in_China-2017.pdf

Các trang web khác:

- https://www.sbv.gov.vn

- https://www.vietinbank.vn

- https://www.vnba.org.vn

- https://www.cafef.com.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm Trung Quốc về mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO