Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021): Lê Đức Thọ - Người thi sĩ nặng tình nước non

Nguyễn Văn Thanh| 09/10/2021 18:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong quá trình hoạt động cách mạng qua các thời kỳ với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng về nhiều mặt và nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao; nhà thơ đầy tâm huyết, thơ ông nặng tình về đất nước,về chiến trường, về những người chiến sĩ.

Lê Đức Thọ tên chính là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông bắt đầu sáng tác từ thời kỳ đầu tham gia hoạt động cách mạng. Thơ đã đăng trên các báo trong nhà tù, trên các báo chí bí mật của Đảng.

Với những tập thơ đã xuất bản: “Trên những nẻo đường (1968), Đường ngàn dặm (1977), Nhật ký đường ra tiền tuyến (1978), Thơ tuyển Lê Đức Thọ (1983), Gửi anh bộ đội (1984). Ngoài ra, thơ Lê Đức Thọ có mặt trong nhiều tập thơ, tuyển thơ Việt Nam hiện đại…

Trên những nẻo đườngNhật ký đường ra tiền tuyến, Lê Đức Thọ viết  không nhiều nhưng “chưa bao giờ đứt đoạn với thơ”. Duyên thơ vẫn bền, vẫn thắm trong giờ gian truân, hiểm nghèo của cảnh lao tù:

 Thời gian qua lớp sống cồn

Mực chưa cạn hết những nguồn thơ hay

Đời chưa hết kiếp đọa đày

Tơ lòng giăng mắc biết ngày nào thôi

(Duyên Văn-Lê Đức Thọ)

Trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1936 - 1945, mặc dù nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam nhưng đồng chí Lê Đức Thọ luôn giữ vững lý tưởng, ý chí kiên cường của người cộng sản. Những vần thơ thơ Lê Đức Thọ đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào tương lai đang đến rất gần với dân tộc ta, như trong bài “Ý Xuân” ông rất lạc quan và tin tưởng:“Những ngày tươi sáng không xa nữa/ Xuân mới đương về khắp thế gian”.  Mùa xuân cũng đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ước hẹn:“Mai hẹn xuân về mai lại nở/ Khách còn hẹn trước với chông gai” (Rừng mai). Mùa xuân cũng lóe ánh sáng lên từ lòng người, thổi ngọn lửa tin yêu hy vọng vào những mùa xuân cách mạng đang tới: "Xuân ở lòng ta đã khác rồi/ Bao nhiêu mơ mộng bạn đời ơi” (Lòng xuân chiến sĩ).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, trên hành trình công tác từ Bắc vào Nam, đồng chí đã đi qua nhiều chiến trường, có nhiều cuộc gặp gỡ cảm động. Chân dung bà mẹ kháng chiến tuổi cao nơi chiếc lều hẹp quán nước bên đường, được Lê Đức Thọ phác họa lại bằng những dòng thơ ấm áp nghĩa nước tình dân: “Đâu biết ngày nào mong gặp lại/ Miếng trầu bát nước tiễn đưa con/ Tuổi già vui với gian lều hẹp/ Một chút lòng thành gửi nước non” (Người mẹ).  Rồi một em liên lạc gầy yếu xanh xao nhưng hồn nhiên dũng cảm của vùng chiến khu U Bò-Ba Rền phía Tây Bố Trạch, Quảng Bình với bao da diết bùi ngùi: “Nhìn em đôi mắt long lanh/ Căm hờn đã bén tuổi xanh những ngày/ Em ngồi gần nữa lại đây/ Cho bừng lửa hận cho say đôi lòng…” (Em bé liên lạc).

Miền Nam, nửa đất nước còn trong con đau khổ luôn da diết trong tâm trí của anh: “Miền Nam hỡi nhớ thương thiết tha lắm!” (Xuân về với những niềm tin). Nỗi nhớ thương ấy cũng là tình cảm chung của mọi người dân sống trên đất Bắc. Nỗi nhớ thương ấy biến thành sức mạnh cụ thể. Trong thơ ông luôn nhấn mạnh một lời hẹn ước: “Tôi sẽ về nam/Giữa một mùa xuân thắm”.

Mùa xuân 1975 lời hẹn ước ấy đã trở thành sự thật. Cuộc hành trình Bắc Nam lần thứ hai này đem đến nhiều cảm hứng cho thơ. Khi qua Đèo Ngang, nơi địa danh và phong cảnh thiên nhiên nhiều chất thơ này không khỏi xúc động đến tác giả. Bài thơ Qua đèo ngang họa vần lại bài thơ của Bà huyện Thanh Quan gợi lại một kỷ niệm bên cạnh một trách nhiệm của cuộc đời hiện tại: “Quân vượt đèo Ngang quyết diệt tà/Chiến công nối tiếp nở như hoa/Bom rơi chật đất thù muôn thuở/Máu đổ tràn sông hận mỗi nhà/Đã quyết hy sinh cho đất nước/Quản gì nát thịt với tan da/ Ngày vui thống nhất không xa nữa/Nam Bắc sum vầy ta gặp ta”.

 Đồng chí Lê Đức Thọ 

Chiều qua sông Nhật Lệ, trái tim nhà thơ xao động nỗi niềm nhớ mẹ Suốt – Người Mẹ đã bất chấp hiểm nguy hàng ngày chèo đò đưa bộ đội qua sông:  “Đò xưa vắng bóng mẹ rồi/Nhìn sông nhớ mẹ ngậm ngùi xót xa/Quân thù đã giết mẹ ta/Một đêm mưa gió máu hòa dòng sông/Mẹ về với những chiến công/ Ghi trang sử đẹp anh hùng Bảo Ninh” (Nhớ mẹ).

 Đồng chí Lê Đức Thọ đã có mặt trên biên giới Tây Nam mùa Xuân năm 1979 cùng với những chiến sĩ tiếp tục đứng ở tiền tuyến chống bọn phản động diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary đang gây đổ máu trên biên giới hai nước anh em từng “miếng cơm manh áo xẻ làm đôi”. Ở nơi đây, Lê Đức Thọ đã gặp gỡ những người dân Campuchia bên dòng sông Sở Thượng. Sự giúp đỡ chí tình, mối cảm thông thầm lặng mà sâu sắc đã được ông ghi lại trong những câu thơ đầy xúc động: “Anh đem gạo củi/ Để thổi bửa cơm chiều/Lửa hồng trong bếp đang reo/ Lòng tôi như cả một triều sóng dâng…Hai bàn tay siết chặt/ Thầm lặng hiểu nhau rồi” (Tình Miên- Việt).

Những mối tình anh em ấy không thể để kẻ thù phá hoại. Những anh bộ đội Việt Nam lại tiếp tục cuộc đời chiến đấu gian khổ hy sinh vì mối tình quốc tế cao cả:Lại hầm trú ẩn xưa kia/Lại cơm trộn bắp nước khe mát lòng/Lại liều căng tấm ni lông/Sương khuya lanh ngắt gió lồng bốn bên” (Biên giới Tây Nam).

Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi giữ rừng Lộc Ninh trên con đường tiến về giải phóng Sài Gòn, lòng anh bồn chồn vì thương những người lính, vì mong những chuyến tăng, chuyến pháo, trên đường tiến vào trận cuối cùng lịch sử: “Nghe chim tu hú gọi/ Rừng Lộc Ninh sáng rồi/ Suốt đêm qua không ngủ/ Nằm đếm tiếng mưa rơi/ Lo cho anh bộ đội/ Lầy lội quãng đường dài/ … Đừng mưa nữa mưa ơi/ Để đường mau khô ráo” (Mưa rơi).

Nhật ký đường ra tiền tuyến của Lê Đức Thọ có lẽ là chùm thơ có tại mặt trận sớm nhất, bắt được nhanh nhất những hình ảnh, những cảm xúc mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ phút lịch sử: Đèo Ngang 9/2, Nhật Lệ 10/2, Tây Nguyên 5/4 đến Tân Sơn Nhất ngày 2/5…Những địa danh, ngày tháng ghi cuối mỗi bài thơ nói rất nhiều về cảm xúc tràn đầy của nhà thơ suốt dọc hành trình và trên mỗi mảnh đất.

Và rồi, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trận thắng quét sạch kẻ thù ra khỏi hang ổ cuối cùng, cờ đỏ cắm trên dinh độc lập, quần chúng như biển người vui dâng trào: “Cờ đỏ thắm trên Dinh Độc lập/ Quần chúng reo ho, niềm vui tràn ngập…/ôi những phút giây mừng đến rơi nước mắt/Suốt đời người chỉ có hôm nay” (Trận thắng cuối cùng).

Nhiệm vụ quan trọng sau chiến thắng cuối cùng là xây dựng lại đất nước để thỏa lòng mong ước của Bác Hồ và khát vọng của toàn dân: “Quyết xây dựng lại tương lai đất nước-Cho Tổ quốc ta giàu đẹp gấp ngàn lần” (Lê Đức Thọ).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021): Lê Đức Thọ - Người thi sĩ nặng tình nước non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO