Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2021): Đường đến Ba Đình

Hoàng Linh| 02/09/2021 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đúng 14h ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố sự khai sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước sự chứng kiến của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và các phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế.

Trong lúc công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đang khẩn trương, bận rộn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bị ốm nặng ở lán Nà Lừa, Tân Trào. Do điều kiện làm việc gian khổ, thiếu thốn, căng thẳng với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh và sức khoẻ của Người bị giảm sút từ lúc bị giam trong các nhà tù ở Quảng Tây nên Người sốt cao, tuy đã uống thuốc ký ninh và thuốc cảm do Paul Hoagland, một thành viên đội Con Nai của Đồng Minh cung cấp nhưng vẫn lúc tỉnh, lúc mê sảng.

Lúc này, trong Trung ương chỉ có đồng chí Võ Nguyên Giáp đang làm việc tại làng Tân Lập gần đó nên hàng ngày vẫn lên lán báo cáo tình hình và thăm hỏi sức khoẻ nhưng Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng một hôm thấy Người sốt cao quá, đồng chí xin ở lại chăm sóc. Khi tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(1).

Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hoả tốc báo cho Trung ương biết tình hình sức khoẻ của Bác và đi tìm thầy thuốc chữa bệnh. Nhờ đồng bào chỉ dẫn, đồng chí Lê Giản đi mời được một cụ lang người Tày tên là Ma Văn Đàm đến bắt mạch cho Người. Sau khi uống vài lần thuốc Nam hoà với cháo loãng, cơn sốt lui dần.

Ngày 6/8/1945, qua điện đài của nhóm Con Nai, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Người chỉ thị viết nhiều thư hoả tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu ở các địa phương về Tân Trào họp Hội nghị toàn quốc của Đảng. Khi họp bàn với các đồng chí chuẩn bị Hội nghị, Người nói: “Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài Hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”(2).

Buổi tối ngày 12/8/1945, dù đang mệt nhưng Bác vẫn nghe tin tức thế giới qua chiếc radio cũ chạy bằng pin và biết tin Nhật Bản gửi công hàm cho Mỹ và Đồng Minh đề nghị đàm phán và chấp nhận ngừng bắn. Lúc 23h, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ thị viết thư hoả tốc truyền đi các địa phương mệnh lệnh khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng bắt đầu họp tại Tân Trào. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh đề nghị kết thúc Hội nghị toàn quốc của Đảng để các đại biểu khẩn trương quay về địa phương kịp thời phát động quần chúng giành chính quyền.

Ngày 16/8/1945, hơn 60 đại biểu toàn quốc, các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ta ở Thái Lan và Lào đã về tham dự Đại hội quốc dân tại đình Tân Trào. Mặc dù vẫn còn yếu mệt nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn đến dự và chỉ đạo.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã kể lại quang cảnh đại hội như sau: “Hôm ấy, ban tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh, một lão thành cách mạng. Nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên vì chưa nghe thấy tên Hồ Chí Minh bao giờ. Nhưng một số người cũng đã thì thầm bàn tán về Bác mà người ta gọi là ông Ké Tân Trào. Mấy đại biểu kháo nhau: Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy. Hồi ấy, chưa có tục vỗ tay. Nhưng khi nghe giới thiệu Bác, các đại biểu đều rất hân hoan. Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, niềm nở mời các đại biểu vào làm việc. Các đại biểu vừa phấn khởi vừa bồi hồi”(3).

Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Việt Minh và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Buổi chiều hôm đó Người lại tiếp tục sốt nên không thể đến dự lễ xuất phát của Quân giải phóng tiến về xuôi. Sáng ngày 17/8/1945, tại đình Tân Trào, thay mặt Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ ra mắt quốc dân. Sau đó, Người viết Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào, Thông điệp gửi Chính phủ Pháp và Thông điệp gửi các nước Đồng Minh.

Ngày 19/8/1945, cách mạng đã thành công ở Hà Nội. Khoảng 200.000 người tràn ngập các đường phố và quảng trường Nhà hát lớn. Nhà báo David Marr viết về đêm cách mạng như sau: “Không khí trên các đường phố Hà Nội thật phấn khởi. Sự kiện cách mạng được biểu trưng đêm hôm đó bằng việc quần chúng tháo bỏ các chao đèn phòng không màu đen trên tất cả các ngọn đèn đường khiến lần đầu tiên trong nhiều đêm cả thành phố tràn ngập ánh sáng rực rỡ. Cờ Việt Minh treo trên hàng trăm toà nhà. Hàng nghìn người dân đi dạo trên vỉa hè, thưởng thức cảm giác mới mẻ của tự do. Họ dừng lại để ngắm nhìn những người tân binh vũ trang trước các công sở, đặc biệt là một anh lính gác kiêu hãnh chưng diện một băng đạn kéo thành dây ngang qua ngực trước Phủ Khâm Sai. Họ cũng kinh ngạc trước lá cờ lớn treo trên chiếc cột thu lôi đang bay phấp phới trên nóc Phủ. Trong trí tưởng tượng điên rồ nhất của một người trẻ tuổi tham gia vào những sự kiện này cũng không thể mong đợi một thay đổi nhanh như vậy chỉ trong một ngày”(4).

Ngày 20/8/1945, để chuẩn bị cho việc rời về Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh họp với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và Trần Thị Minh Châu phân công một số đồng chí ở lại, Người nói: “Các cô, các chú người nào cũng muốn về Hà Nội vì đã bao nhiêu năm nay, thời cơ cách mạng cướp chính quyền đến, ai cũng muốn đi lắm chứ. Nhưng đợt này Bác về mà các cô, các chú không được về là vì các cô, các chú nên nhớ rằng cách mạng phải có đường tiến, đường lui. Đừng tưởng rằng kỳ này chúng ta về là sẽ không quay trở lại rừng núi, trở lại căn cứ nữa đâu.”(5).

Sáng ngày 22/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Người đi theo đường đèo Khế, Cù Vân. Vì chưa khỏi hẳn ốm, vẫn còn mệt nên có lúc Người phải nằm cáng. Tới một xã ở cách Đại Từ chừng ba kilômét thì cả đoàn nghỉ lại nấu cơm ăn. Bác dặn anh em trong đoàn phải thanh toán tiền ăn đầy đủ cho nhân dân. Khoảng 20h, Người tới Đại Từ và 21h đồng chí Trần Đăng Ninh đưa ô tô lên đón Người đi Thái Nguyên. Trong khi nghỉ tại Thái Nguyên, Người gặp thiếu tá Thomas. Ngày 23/8/1945, buổi sáng Hồ Chí Minh đi qua Đa Phúc tỉnh Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Người yếu mệt, tóc đốm bạc, mặc quần áo nâu, có chiếc túi vải chàm đặt trên lòng. Đồng chí Thái Bảo, chủ tịch huyện (lúc đó lấy bí danh là Thuận) đã đi cùng xe với Người qua địa phận Đa Phúc, sau đó đồng chí Trần Độ đón Người qua sông Hồng ở bến đò thôn Phú Xá. Trong lúc tạm nghỉ ở ngôi đình của thôn, Người tranh thủ nghe đồng chí phụ trách công tác đội Trung ương từ nội thành ra báo cáo về dư luận của đồng bào trước tin quân Đồng Minh sẽ vào Đông Dương. Buổi tối, để đảm bảo an toàn cho Người, đồng chí Hoàng Tùng, phụ trách an toàn khu phía Nam sông Hồng (lúc đó lấy bí danh là Khánh), đã đưa Người cùng đoàn công tác đến nghỉ tại nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) ở thôn Phú Gia (còn gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 25/8/1945, tại làng Gạ, lãnh tụ Hồ Chí Minh nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Trường Chinh ra báo cáo tình hình.

Ông Công Ngọc Kha nhớ lại: “Trưa hôm ấy nhà tôi chuẩn bị bữa cơm. Mẹ tôi dọn hai mâm lên giường mời Cụ cùng anh em xơi cơm nhưng Cụ không bằng lòng. Cụ bảo cứ trải chiếc chiếu xuống nền gạch, ngồi vòng tròn, nồi cơm để ở giữa, ai ăn thì tự ra xới lấy. Đây là lần đầu tiên thay đổi tập tục cũ của gia đình tôi. Chiều và sáng hôm sau Cụ phải làm việc nhiều với các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng từ Hà Nội ra báo cáo tình hình. Trong hai ngày Cụ ở nhà tôi, người ra người vào đông nhưng vẫn hết sức bí mật và yên tĩnh. Vào khoảng 4 giờ chiếu thứ ba ngày 25/8, Cụ bảo: “Bây giờ chú đi mời cụ và những người trong gia đình vào đây tôi nói chuyện”. Lúc đó gia đình tôi đang chuẩn bị bữa cơm chiều thấy nói Cụ mời đều lên ngay. Cụ thấy ông tôi chống gậy liền ra đỡ vào trong nhà. Sau mấy câu chuyện hỏi về làm ăn, sinh sống từ trước tới nay rồi Cụ nói: “Chúng tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ, tôi xin cảm ơn gia đình. Bây giờ chúng tôi phải đi công tác, chúc gia đình mạnh khoẻ. Có dịp nào đó, tôi sẽ trở lại thăm cụ và gia đình”. Khi Cụ sắp lên xe, tôi và các đồng chí ở lại đều tới bắt tay. Xe chạy rồi, nhìn theo xe lòng tôi xao xuyến mãi”(6). Buổi chiều, ô tô đón Người vào Hà Nội theo đường Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường và dừng ở số nhà 35 Hàng Cân. Người theo thang gác lên tầng hai nhà 48 Hàng Ngang.

Ngày 26/8/1945, buổi sáng, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận và thông qua chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về danh sách thành viên Chính phủ lâm thời, việc chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mit tinh để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Người nhấn mạnh những việc cần làm ngay trước khi quân Tưởng vào Đông Dương tước vũ khí của quân đội Nhật. Buổi trưa, Người mời cơm thiếu tá tình báo Mỹ Patty (đã theo máy bay Đồng Minh đến Hà Nội từ ngày 22/8/1945).

Bà Hoàng Thị Minh Hồ (nhiều người vẫn quen gọi là bà Bô), chủ nhân ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội kể: “Hàng ngày, để bồi dưỡng sức khỏe cho các đồng chí, bà lo liệu cơm nước chu đáo, đến đặt cơm ở các hiệu nổi tiếng như Hoa Kiều (Tây Nam, Hàng Buồm), Phú Gia (Lạc Xuân)... Những buổi họp khuya, bà chủ động nấu cháo sẵn, đợi lúc các đồng chí nghỉ ngơi thì bưng vào cho mỗi người bát. Thấm thoát đã đến những ngày cuối tháng Tám, đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá.  vợ chồng bà Bô có nhã ý may cho mỗi đồng chí vài bộ quần áo để chuẩn bị cho ngày lễ Độc lập. Gần sát ngày đại lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki của Anh cùng ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt”. Thư ký mời ông Phú Thịnh - chủ hiệu may có tiếng ở phố Hàng Quạt tới trình bày: “Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi”. Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc rồi dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?. Thôi được, tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ”. Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường”. Hôm sau, Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”(7).

Ngày 27/8/1945, Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng, nêu ra những việc cần thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, có danh vọng. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau đó Người tiếp 14 Bộ trưởng mới tham gia Chính phủ. Từ ngày 28/8/1945, hàng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làm việc tại 12 Ngô Quyền- trụ sở của Chính phủ lâm thời, còn Người dành phần lớn thời gian ở 48 Hàng Ngang để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 29/8/1945, Hồ Chí Minh viết mấy chữ lên một tấm danh thiếp mời Patty đến gặp. Người tiếp Patty lúc 10h30 tại 48 Hàng Ngang. Sau khi nói qua cho Patty biết kế hoạch hoạt động của Chính phủ lâm thời và tổ chức ngày lễ Độc Lập, Người dịch cho Patty nghe bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Patty vô cùng ngạc nhiên khi thấy Người đưa vào một số câu trong bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ.

Ngày 30/8/1945, Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số ý vào bản Tuyên ngôn độc lập và hỏi cụ thể về việc chuẩn bị tổ chức cuộc mit tinh ngày Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Ngày 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Patty và Grelecki tới dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc Lập, cùng dự tiếp có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám. Người đã tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam của những người bạn Mỹ trong cơ quan phục vụ chiến lược OSS, Người cũng không quên nhắc đến những nhân nhân vật đã từng quen biết, gặp gỡ như tướng Chennault, đại tá Helliwell, thiếu tá Thomas, đại uý Holland và hy vọng tinh thần hợp tác hữu ái đó sẽ tiếp tục phát triển.

Chủ nhật, ngày 2/9/1945, người Hà Nội đổ dồn về quảng trường Ba Đình.  A. Patty tận mắt chứng kiến: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn, lúc nhỏ lũ lượt dần dần kéo đến quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền. Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hay xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón. Tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả các chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ. Cách họ không xa là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam rồi đến các chức sắc Cao Đài áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ. Đội danh dự và bảo vệ được huấn luyện, trang bị kỷ luật nhất. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các loại vũ khí mới một cách hãnh diện! Các đơn vị tự vệ, dân quân mặc lẫn lộn quần áo nhà binh, áo canh hoặc đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn từ súng kíp, gươm, dao rựa, mã tấu, cả gậy tày, có thứ mới lấy ở các đình, chùa làng ra”(8).

Đúng 14h, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố sự khai sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước sự chứng kiến của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và các phóng viên, nhà báo trong nước và quốc tế. Bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình hôm đó chính là sự chiến thắng của ngọn cờ Hồ Chí Minh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược áp bức, bóc lột trên đất nước Việt Nam và đã trở thành ngọn cờ chiến đấu chung cho chính nghĩa, văn minh, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của toàn thể nhân loại.

 Chú thích:

1, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2006. Tập II, trang 267

2, Sđ d nt………. trang 269

3, Bác Hồ. Nxb Hà Nội 1975, trang 57

4, OSS và Hồ Chí Minh. Nxb Thế Giới 2007, trang 367

5, Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch Tuyên Quang năm 2010, trang 57

6, Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Nxb Chính trị quốc gia 2005. Tập I, trang 884

7, Theo lời kể của Bà Trịnh Văn Bô. Báo Quân đội Nhân dân, ngày 17/5/2008

8, Why Việt Nam. Nxb Đà Nẵng 2000, trang 493- 494

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2021): Đường đến Ba Đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO