Văn hóa

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) Chủ nghĩa xã hội đem lại tương lai tươi sáng

Nguyễn Văn Toàn 03/02/2024 10:11

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) đã từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần Người đã hiểu được rằng “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (1).

anh-bai-ng-2.jpg

Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng” (2), “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ…. Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” (3). Người cũng nhấn mạnh: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang” (4).

Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa. Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”(5).

Những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và được hoàn thiện thêm một bước trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Tại cột mốc năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2021.

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 12 đối tác chiến lược, 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017 và 2023-2027... Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Vào năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023. Bên cạnh đó, năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

Việt Nam cũng trở thành đất nước hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến để kinh doanh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 228;

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 24;

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438;

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294;

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 294.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) Chủ nghĩa xã hội đem lại tương lai tươi sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO