Văn hóa

Kỳ Sơn - huyện miền Tây xứ Nghệ, nơi gặp gỡ của đất trời

Đinh Thanh 29/12/2024 09:53

Kỳ Sơn nằm ở miền Tây xứ Nghệ, cách trung tâm thành phố khoảng 300 km và là huyện miền núi cao nhất trong tỉnh Nghệ An. Kỳ Sơn cũng là điểm du lịch hấp dẫn du khách gắn với nhiều địa danh nổi tiếng như chợ vùng biên Nậm Cắn, thác Xốp Lượt, bản dân tộc người Mông, cổng trời Mường Lống…

Để đến Kỳ Sơn, du khách sẽ đi qua những cung đường lên núi uốn lượn, được ngắm nhìn những dãy núi trùng trùng điệp điệp, xa xa thấp thoáng những bản làng người Mông, những vườn hồng buông cánh thắm nở e ấp như cô gái đương độ xuân thì, mây trắng lững lờ trôi ngay dưới chân người tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp.

ef9d16f7a7621a3c4373.jpg

Nằm ở vị trí cuối tuyến quốc lộ 7, có đường biên giới dài hơn 203 km với Lào, địa hình Kỳ Sơn chủ yếu là núi non hiểm trở và hệ thống sông, suối khá dày đặc. Chính sự đa dạng về địa lý và sinh học đó đã tạo cho huyện miền núi Kỳ Sơn nhiều danh lam thắng cảnh nên thơ và hùng vĩ.

Để đi tới khu vực cổng trời Mường Lống du khách sẽ đi qua những con đường mòn quanh co, những hàng cây cổ thụ cao lớn, những vườn hoa tươi đang đua nhau khoe sắc...

Đặc biệt, hoa cỏ ở nơi đây nở quanh năm. Bởi thảm thực vật phong phú, mỗi một mùa sẽ có những màu hoa đặc trưng cho dù bạn tới đây bất kể thời gian nào. Vào sáng sớm, khi mặt trời chưa lên cao, những áng mây bay xung quanh người, mang lại cảm giác giống như đang ở giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

9db907b3ba2607785e37.jpg

Cổng trời Mường Lống thuộc địa phận xã vùng cao Mường Lống, nằm trên dãy Trường Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây được mệnh danh là “Sapa xứ Nghệ” với khí hậu mát lạnh cùng với phong cảnh nên thơ, trữ tình. Địa danh này có tên gọi được đặt theo tiếng Thái. Trong tiếng Thái, “Mường Lống” được hiểu là “Lống Tang” có nghĩa là lạc đường. Sở dĩ địa danh mang tên gọi như vậy là do người dân nơi đây thường xuyên bị lạc đường bởi cung đường khá khó để di chuyển, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên địa phương.

Được ví như Sapa của Nghệ An, Cổng Trời Mường Lống nằm gọn trong lòng thung lũng của một ngọn núi cao đến 1.500 mét. Nằm kế dãy Trường Sơn, Mường Lống nằm trong khu vực miền Trung bị ảnh hưởng bởi những đợt giá Lào, thế nhưng may mắn được bao bọc, che chắn bởi những dãy núi cao hùng vĩ, nên không gian thiên nhiên ở đây luôn mát mẻ, nhiệt độ trung bình thường khoảng dưới ngưỡng 25 độ C. Điều này tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Mường Lống.

Đến với Cổng Trời Mường Lống không chỉ được ngắm cảnh đẹp du khách còn có cơ hội nếm thử các món ăn đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc Mông như gà đen, lợn đen được mang đi quay với mùi hương bốc lên thơm ngào ngạt.

Nhâm nhi chén rượu ngô – đặc sản tại miền núi này, vị cay nồng thấm đượm vào đầu lưỡi trong tiết trời se se lạnh thì còn gì tuyệt vời hơn. Những món đặc sản như gà nướng cơm lam, cơm ép, bò giàng, măng núi, lợn đen cùng rượu ngô… cũng đủ làm say lòng người khi đến đây.

cd33b4930506b858e117.jpg

Với tiềm năng phong phú, vài năm trở lại đây, du lịch Kỳ Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các tuyến du lịch Mường Xén - Mường Lống - Mỹ Lý và kết nối đến các điểm: vườn mận tam hoa, vườn đào, dâu tây, vườn sâm 7 lá 1 hoa, cổng trời Mường Lống, hang Tù, hang Dơi, hang Thẳm Đạn, tháp cổ Xốp Lợi, du thuyền mạo hiểm trên sông Nậm Nơn.

Chợ vùng biên Nậm Cắn nằm trong điểm đến của Kỳ Sơn, tạo nên sự thu hút du khách. Chợ được tổ chức gần cửa khẩu quốc tế một tháng hai lần vào ngày 14 và 29 dương lịch. Đây không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là cầu nối gắn kết các hoạt động ý nghĩa, đậm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt và Lào.

Với các thế mạnh của mình, hiện Kỳ Sơn đang triển khai xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái canh nông kết hợp du lịch cộng đồng.

Theo chuyên gia du lịch cộng đồng bà Đinh Thanh Loan - Viện Du lịch phát triển Châu Á chia sẻ: Sản phẩm du lịch cộng đồng do chính người địa phương - những người hiểu rõ và chính xác nhất mọi thông tin về sản phẩm du lịch - sáng tạo nên và trực tiếp quản lý, khai thác, phục vụ du khách. Nếu làm tốt du lịch cộng đồng, tất cả người dân đều hưởng lợi.

75ed79a7dc32616c3823.jpg

Để du lịch cộng đồng phát triển tại Kỳ Sơn chính quyền và người dân cần làm tốt những ưu tiên như: ưu tiên vật liệu xanh khi đưa vào xây dựng và trang trí những homestay, tôn trọng văn hóa bản địa, ẩm thực đặc sắc của địa phương, bảo tồn làng nghề, đưa câu chuyện của văn hóa thành mini show để thu hút du khách. Bao gồm việc kết nối cùng doanh nghiệp lữ hành để xây dựng tour bài bản hơn, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng kết nối cùng các tuyến điểm nổi tiếng khác tại vùng miền....

Bản chất của du lịch cộng đồng là mô hình du lịch bền vững, nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường sống của con người, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Làm được những điều trên, du lịch Kỳ Sơn - Nghệ An sẽ ngày càng phát triển bền vững và người dân sẽ làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ Sơn - huyện miền Tây xứ Nghệ, nơi gặp gỡ của đất trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO