Theo đánh giá của giới chuyên gia, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư (Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC, Thông tư 96/2020/TT-BTC) là phù hợp và có tính khả thi cao.
Ngày 19/7/2024, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi các thông tư nhằm tháo gỡ một số nút thắt đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức xếp hạng.
Cụ thể, dự thảo thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Nội dung quan trọng trong sửa đổi lần này là tháo gỡ điểm nghẽn cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền mặt (pre-funding).
Chuyên gia của CTCK Maybank Việt Nam chỉ ra một số điểm cần lưu ý về pre-funding tại dự thảo thông tư này như sau:
Thứ nhất, không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) 100% tiền mặt, nhưng tỷ lệ (0%-100%) và hạn mức giao dịch hàng ngày phụ thuộc vào thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Thứ hai, hạn mức giao dịch mua cổ phiếu bằng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của công ty chứng khoán (tiền mặt và các tài sản tương đương, trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, hạn mức tín dụng ngân hàng,…) nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và tổng dư nợ giao dịch ký quỹ hiện hữu.
Thứ ba, nhà đầu tư cần đảm bảo đủ tiền mặt để thanh toán cho giao dịch mua chứng khoán trước 16:30 ngày T+1. Nếu không, chứng khoán sẽ được sửa lỗi sang tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán.
Thứ tư, công ty chứng khoán được phép chuyển chứng khoán lại cho nhà đầu tư ban đầu trên hoặc ngoài sàn giao dịch, nhưng không muộn hơn T+3. Nếu không, chứng khoán phải được bán trên sàn giao dịch. Không có thời hạn chót cho việc thanh lý tài sản.
Ngoài ra, dự thảo thông tư không đề cập về những loại chứng khoán nào được phép không cần ký quỹ trước giao dịch.
Mặt khác, đối với thông tin bình đẳng, dự thảo thông tư cũng quy định: Ngôn ngữ thông tin công bố trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt; Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VDSC) thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh. Thông tin công bố bằng tiếng Anh phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt là thông tin gốc để tham chiếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại hội nghị thảo luận về dự thảo thông tư này mới đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam là tập trung nâng hạng theo tiêu chí của tổ chức xếp hạng FTSE Russel.
"Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán các nước đã được xếp ở thứ hạng cao hơn, thì thấy rằng Việt Nam xứng đáng được xếp hạng ở mức cao hơn. Hiện nay, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở ngại lớn nhất với quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hải cho biết.
Thông tin thêm về tiêu chí pre-funding, ông Hải cho biết, quy định tại dự thảo áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài cá nhân thì vẫn áp dụng mức ký quỹ như theo quy định hiện tại. Dự thảo thông tư quy định cụ thể cách thức đặt lệnh, nhận lệnh, cơ chế xử lý khi nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền, trong đó, để quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán và quá trình kết nối thanh toán giữa các bên, dự thảo thông tư cũng có quy định công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán, mức độ tín nhiệm khách hàng và mức độ thanh toán của từng công ty chứng khoán để xác định hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu.
Còn về tiêu chí đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, ông Hải lưu ý, tại dự thảo thông tư đã đưa ra quy định việc tổ chức niêm yết, công ty đại chúng có trách nhiệm công bố thông tin tiếng Việt, tiếng Anh theo lộ trình, đối tượng và thông tin công bố cụ thể.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết, để đáp ứng tiêu chí về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) theo tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng đề ra, thì giải pháp không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước giao dịch là giải pháp ngắn hạn; còn về dài hạn sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Hiên nay, các đơn vị đang phối hợp xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để triển khai đồng bộ ngay khi thông tư có hiệu lực thi hành.
Với việc hành lang pháp lý đang được các cơ quan chức năng nỗ lực hoàn thiện, chuyên gia của Maybank Việt Nam đánh giá, tiến độ nâng hạng thị trường đang diễn ra tích cực.
“Chúng tôi kỳ vọng thông tư sửa đổi (bỏ pre-funding) sẽ được ban hành trong quý III/2024 và đợt nâng hạng chính thức bởi FTSE Russel sẽ diễn ra vào tháng 9/2025 theo kịch bản cơ sở, hoặc vào tháng 3/2025 theo kịch bản tích cực nhất”, Maybank Việt Nam nhận định.