Sau mức giảm mạnh 70- 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” để giảm bớt áp lực tỷ giá...
GDP Việt Nam quý I/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng trưởng quý đầu năm cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kinh tế Việt Nam được Dragon Capital dự phóng sẽ tăng trưởng ở mức GDP 6-6,5% trong năm 2024, mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, Dragon Capital cho rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nới lỏng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất.
“Sau mức giảm mạnh 70- 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” để giảm bớt áp lực tỷ giá”, chuyên gia Dragon Capital nhận định.
Tính từ đầu năm, đồng Việt Nam đã mất giá 3,0% so với USD nhưng mức giảm tương đồng hoặc thấp hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-7,5%), THB (-6,8%), KRW (-4,2%) và TWD (-4,4%).
Theo phân tích của chuyên gia Dragon Capital, các yếu tố kiều hối, vốn FDI giải ngân và thặng dư thương mại tiếp tục hỗ trợ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, sự kéo dài chênh lệch âm lãi suất giữa USD – VND đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tích cực đảo nợ, trả nợ ngoại tệ trước hạn hoặc các doanh nghiệp FDI chuyển bớt lợi nhuận về nước.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá vàng trong nước và tiền mã hóa tiếp tục tăng, tỷ giá ở thị trường phi chính thức biến động mạnh, đạt đỉnh ở mức 25.750 VND/USD (giá chợ đen) và 26.200 VND/USD, tương đương với mức chênh lệnh gần 2-4% tỷ giá tại thị trường chợ đen và 5-6% tại thị trường tiền mã hóa. Theo Dragon Capital, đây là những yếu tố đã tác động đến thị trường ngoại tệ trong thời gian gần đây.
Trước những diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành 6,8 tỷ USD tín phiếu, nâng dần lãi suất liên ngân hàng 1 tháng từ 1,5% lên mức gần 4,0-4,5%, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VNĐ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá thông qua việc bán USD.
"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/4.
Tuy vậy, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB cho biết, diễn biến tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào kinh tế Việt Nam mà còn phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND hiện nay là +/-5% và biến động trong biên độ này là bình thường.
Mặt khác, trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY) đã ghi nhận tăng khoảng 3% từ đầu năm đến nay nên đồng USD tăng so với VND do bản chất đồng USD tăng giá... Do đó, chuyên gia ADB cho rằng, áp lực tỷ giá chưa đáng lo ngại đến mức cần sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.
Dragon Capital lưu ý, áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong các tháng tới, bởi vì quý II/2024 là cao điểm của mùa trả cổ tức và sự ngược chiều chính sách của các ngân hàng trung ương với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lên ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, có thể sẽ khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên. Trong kịch bản xấu, VND có thể mất giá khoảng 3-3,5%; lên mức 25.000- 25.200VND/USD. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ được cải thiện, đặc biệt khi FED dự kiến hạ lãi suất vào cuối năm 2024.