Lãi suất huy động tiếp tục điều chỉnh giảm thêm ở một số ngân hàng

Thanh Hải| 05/08/2020 16:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thống kê vừa được Công ty CP chứng khoán SSI đưa ra cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1-2% so với cuối năm 2019 ở hầu khắp các ngân hàng thương mại (NHTM).

Số liệu từ SSI cho biết, tuần cuối tháng 7/2020 (từ ngày 27-31/7) NHNN không thực hiện giao dịch mới, qua đó khép lại một tháng không bơm/hút ròng trên thị trường mở.

Thanh khoản các NHTM dồi dào, lãi suất liên ngân hàng dao động ở vùng thấp trong suốt tháng và nhích nhẹ vào cuối tháng. Tại cuối tháng, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ở mức 0,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 0,39%/năm, tăng lần lượt +10 điểm % và +9 điểm % so với cuối tuần liền trước.            

 

 

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm ở một số NHTM cổ phần lớn, với mức giảm từ 20-50 điểm % ở tất cả các kỳ hạn khiến lãi suất tiền gửi của nhóm này về sát với lãi suất của 4 NHTM nhà nước lớn.

Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1-2% so với cuối năm 2019 ở hầu khắp các NHTM.

“Tính bình quân, lãi tiền gửi các NHTM trong 7 tháng đầu năm 2020 đã giảm 70-90 điểm % ở các kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm % ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên so với mức bình quân năm 2019”, SSI cho biết.                     

Theo phân tích từ Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nguyên nhân lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua có thể đến từ tăng trưởng huy động vẫn ổn định trong khi tăng trưởng tín dụng tăng trưởng thấp. Tăng trưởng tínn dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26%, chỉ bằng khoảng 1 nửa so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong 7 năm qua.

“Làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 xuất hiện có thể tiếp tục khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể tiếp tục khiến tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong thời gian tới”, BVSC dự báo.

Về tỷ giá, đồng USD tiếp tục suy yếu, VND ổn định. SSI cho biết, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất toàn cầu với số người nhiễm COVID-19 tăng bình quân hơn 70 nghìn ca/ngày, hiện đã có 4,8 triệu người, tương đương khoảng 1,5% dân số Mỹ đã bị nhiễm COVID-19. GDP quý 2/2020 của Mỹ đã giảm -9,5% so với quý trước, sau khi đã giảm -5% trong quý I/2020, nền kinh tế nước này chịu tổn thất nặng nề do đại dịch và đã chính thức rơi vào suy thoái.

Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục cam kết sẽ duy trì nới lỏng mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng USD chịu áp lực giảm giá mạnh, chỉ số DXY giảm liên tục trong tháng 7, từ mức 97,4 xuống 93,3 vào cuối tháng.

Theo SSI, hầu như tất cả các đồng tiền đều hồi phục mạnh so với USD trong cả tháng 7 trong đó mạnh nhất là GBP (+5,52%) và EUR (+4,48%) nhờ diễn biến dịch bệnh tích cực hơn Mỹ và gói hỗ trợ chung 750 tỷ EUR được thông qua.

Tuy nhiên, làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 đang ngày càng rõ nét tại một số nước châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông…) và châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ…), căng thẳng Mỹ - Trung cũng đang nóng trở lại khiến tâm lý chung vẫn là thận trọng.

Các tài sản trú ẩn vẫn tăng giá mạnh, JPY tăng +1,95%, vàng tăng +11% chỉ trong tháng 7/2020. Trong bối cảnh rủi ro gia tăng, đà giảm của USD trong thời gian tới có thể chậm lại nhờ vị thế là đồng tiền dự trữ và thanh toán toàn cầu.

Tuần qua, tỷ giá USD/VND do các NHTM niêm yết đi ngang ở mức 23.060/23.270 VND/USD và tỷ giá thị trường tự do giảm -3 đồng/USD chiều mua vào và -8 đồng/USD chiều bán ra, về mức 23.167/23.192 VND/USD. Tỷ giá trung tâm giảm -8 đồng/USD, về mức 23.213 đồng/USD.

 

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục cải thiện trong tháng 7 với FDI giải ngân và đăng ký đều tăng so với cùng kỳ năm 2019, lần lượt là +1,38% và +49,3%.

“Dịch bệnh cũng đang bùng phát trở lại tại Việt Nam nhưng sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế và nguồn cung USD khá tích cực sẽ hỗ trợ tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định trong thời gian tới”, SSI nhận định.

Trên thị trường trái phiếu, tuần qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 9 nghìn tỷ đồng ở 4 kỳ hạn từ 5 - 20 năm nhưng chỉ có 116 tỷ đồng được phát hành tương đương 1,3% lượng gọi thầu. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến nền kinh tế Việt Nam nửa cuối 2020 trở lên rất khó đoán định, rủi ro tăng lên khiến các bên không muốn gia tăng quy mô nắm giữ TPCP ở vùng lãi suất rất thấp như hiện tại.

Cùng với đó, lãi suất nhích tăng trên liên ngân hàng khiến các thành viên thị trường đưa ra vùng lãi suất đặt thầu cũng cao hẳn lên so với các tuần trước trong khi KBNN gần như giữ nguyên lãi suất trúng thầu nên lượng trúng thầu giảm mạnh.

Như vậy, KBNN đã phát hành tổng cộng 58,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 – là lượng phát hành lớn nhất theo tháng trong nhiều năm trở lại đây và tương đương 45% kế hoạch quý III/2020.

Tính chung 7 tháng đầu năm, KBNN phát hành tổng cộng 145,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 56% kế hoạch phát hành cả năm 2020. Lãi suất phát hành bình quân 7 tháng là 3,12%/năm - thấp hơn rất nhiều mức bình quân 4,6%/năm của 2019 và 2018; bình quân 6-8%/năm của các năm 2012-2017. Kỳ hạn phát hành bình quân là 13,3 năm, ngắn hơn chút ít so với 13,6 năm của 2019 và dài hơn so với 12,2 năm của 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động tiếp tục điều chỉnh giảm thêm ở một số ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO